Bangladesh giải tán quốc hội, người biểu tình nêu yêu sách
Ngày 6/8, Tổng thống Bangladesh tuyên bố giải tán quốc hội, mở đường cho việc thành lập chính phủ lâm thời. Quyết định đưa ra 1 ngày sau khi Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức và rời khỏi đất nước, giữa làn sóng biểu tình rầm rộ của sinh viên.
Tuyên bố từ văn phòng Tổng thống Mohammed Shahabuddin cũng cho biết, đối thủ của bà Hasina là cựu Thủ tướng Begum Khaleda Zia đã không còn bị quản thúc tại gia.
Lực lượng biểu tình tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh nếu quốc hội không bị giải thể.
Chuyến bay đưa bà Hasina rời khỏi Bangladesh ngày 5/8 kết thúc 20 năm cầm quyền của bà, từ khi kế thừa phong trào chính trị của cha bà, người bị ám sát năm 1975. Bà Hasina đã bay tới Ấn Độ và đang ở trong nhà an toàn bên ngoài thủ đô New Delhi.
Tướng Waker-Uz-Zaman, tổng tư lệnh Quân đội Bangladesh, dự định sẽ gặp các thủ lĩnh sinh viên để bàn bạc việc thành lập chính phủ lâm thời, sau đó tổ chức bầu cử.
Trong khi đó, những người tổ chức phong trào biểu tình sinh viên yêu cầu phải đưa người đoạt giải thưởng Nobel Hòa bình Muhammad Yunus lên lãnh đạo chính phủ lâm thời.
Các thủ lĩnh biểu tình sinh viên nhiều lần tuyên bố sẽ không chấp nhận một chính phủ do quân đội lãnh đạo.
Ông Yunus, 84 tuổi, đã được chọn làm ứng viên cố vấn trưởng cho chính phủ lâm thời.
Ông nhận được giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2006 nhờ vai trò tiên phong trong mảng tài chính vi mô và giúp đỡ hàng triệu người thoát nghèo nhờ những khoản vay nhỏ.
Ông bị buộc tội tham nhũng và bị đưa ra xét xử dưới thời Thủ tướng Hasina, nhưng ông khẳng định những cáo buộc này mang động cơ chính trị.
Người phát ngôn của ông Yunus cho biết ông đã chấp nhận yêu cầu của phong trào sinh viên để trở thành cố vấn cho chính phủ lâm thời, Reuters đưa tin. Phát ngôn viên cho biết ông sẽ trở về Bangladesh ngay lập tức sau khi trải qua một thủ tục y tế nhỏ ở Paris.