Bangladesh sửa hạn ngạch việc làm để xoa dịu người biểu tình

Tòa án Tối cao Bangladesh đã bãi bỏ hầu hết các hạn ngạch gây tranh cãi về việc làm trong chính phủ, cũng là nguồn cơn dẫn đến các cuộc biểu tình đầy bạo lực tại quốc gia Nam Á này.

Theo hệ thống hạn ngạch, khoảng 30% số việc làm trong lĩnh vực công được dành riêng cho người thân của những cựu chiến binh tham gia cuộc chiến giành độc lập khỏi Pakistan năm 1971.

Vì những công việc này gắn liền với tính ổn định và đem lại mức lương cao hơn nên hệ thống hạn ngạch đã khiến người dân phẫn nộ, đặc biệt là sinh viên và người trẻ, trong bối cảnh Bangladesh đang đối mặt tỷ lệ thất nghiệp cao, với gần 32 triệu trong tổng dân số 170 triệu người không có việc làm hoặc không được tiếp cận môi trường giáo dục.

Năm 2018, hệ thống hạn ngạch công chức đã bị bãi bỏ sau các cuộc biểu tình tương tự. Tuy nhiên, hồi tháng 6 vừa qua, Tòa án Tối cao Bangladesh đã khôi phục lại với phán quyết cho rằng việc bãi bỏ hạn ngạch là vi hiến.

Đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát tại thủ đô Dhaka. Ảnh: Reuters

Đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát tại thủ đô Dhaka. Ảnh: Reuters

Sau diễn biến kể trên, sinh viên tổ chức biểu tình nhằm thể hiện sự phản đối. Các cuộc biểu tình nhanh chóng biến thành bạo lực, khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương, buộc nhà chức trách phải tuyên bố đóng cửa vô thời hạn tất cả các trường đại học công và tư từ ngày 17-7.

Trong bối cảnh căng thẳng, Tòa án Tối cao Bangladesh đã có động thái xoa dịu người biểu tình bằng cách bác bỏ phán quyết trước đó về việc khôi phục lại hạn ngạch. Tòa quyết định, 93% công việc của chính phủ sẽ dành cho các ứng viên có năng lực, 5% cho những người có công trong cuộc chiến giành độc lập và người thân của họ, 1% cho cộng đồng dân tộc thiểu số, 1% cho người chuyển giới và người khuyết tật về thể chất, theo CNN ngày 22-7.

Tổng chưởng lý Bangladesh AM Amin Uddin kỳ vọng mọi chuyện sẽ trở lại bình thường sau phán quyết của tòa án, đồng thời lưu ý rằng, sinh viên “đã khẳng định không tham gia vào các vụ bạo lực và đốt phá”.

“Tôi sẽ đề nghị chính phủ tìm ra thủ phạm đứng sau tình trạng bạo lực và có hành động nghiêm khắc đối với họ”, ông AM Amin Uddin tuyên bố.

Trước khi có phán quyết của Tòa án Tối cao, Bangladesh đã gia hạn lệnh giới nghiêm được áp dụng vào ngày 19-7 để nỗ lực dập tắt tình trạng bạo lực và triển khai quân đội tuần tra trên đường phố thủ đô Dhaka.

Bangladesh huy động quân đội tuần tra trong thời gian giới nghiêm. Ảnh: Reuters

Bangladesh huy động quân đội tuần tra trong thời gian giới nghiêm. Ảnh: Reuters

Truyền thông địa phương cho biết, lệnh giới nghiêm đã được gia hạn cho đến sau phiên điều trần của tòa án và sẽ tiếp tục có hiệu lực trong “thời gian chưa xác định”. Dịch vụ di động và internet tại Bangladesh dường như vẫn chưa được khôi phục sau lệnh cắt điện của chính phủ. Tính đến ngày 20-7, hoạt động internet tại quốc gia này ở mức khoảng 10% trong hơn 48 giờ kể từ khi dịch vụ bị cắt 2 ngày trước đó, theo trang web giám sát internet NetBlocks.

Taqbir Huda, một nhà nghiên cứu Nam Á của Tổ chức Ân xá quốc tế cho biết, tình hình ở Bangladesh vẫn chưa rõ ràng do mất liên lạc và điều này có thể dẫn đến việc lan truyền những thông tin sai lệch, theo Alzajeera.

Do lo ngại tình hình bất ổn, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nâng mức khuyến cáo du lịch tới Bangladesh, kêu gọi người dân không đến quốc gia Nam Á này. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Đức cũng không khuyến khích du lịch Bangladesh ở thời điểm này, đồng thời kêu gọi công dân Đức tại Bangladesh tuân thủ lệnh giới nghiêm.

Thương Nguyệt

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bangladesh-sua-han-ngach-viec-lam-de-xoa-diu-nguoi-bieu-tinh-672692.html