Mỹ sắp điều 'sát thủ tàng hình' cứu nguy cho Ukraine, Nga lập tức cảnh báo rắn
Truyền thông phương Tây cho biết, Mỹ đang chuẩn bị cung cấp tên lửa Tên lửa hành trình không đối đất tầm xa AGM-158 (JASSM) cho Ukraine trong khuôn khổ gói viện trợ mới, dự kiến được chuyển giao trong những tuần tới.
Tên lửa JASSM nguy hiểm cỡ nào?
JASSM tiên tiến hơn bất kỳ loại tên lửa hành trình nào có trong kho vũ khí của Ukraine, được cho là sẽ nâng cao khả năng chiến đấu của Kiev, mở rộng đáng kể số lượng mục tiêu ưu tiên cao mà Ukraine có thể tấn công sâu ở phía sau phòng tuyến đối phương.
Báo cáo này phù hợp với thông tin mà một sĩ quan cấp cao của Ukraine đưa ra hồi tháng 8, cho biết, chiến đấu cơ F-16 mà Kiev tiếp nhận sắp được tích hợp tên lửa tầm xa tiên tiến với tầm bắn từ 300 đến 500 km. Bên cạnh nhiệm vụ phòng không, loại tên lửa này có thể cho phép các phi công Ukraine điều khiển tiêm kích F-16 tấn công các mục tiêu chiến lược quan trọng ở Nga từ khoảng cách an toàn.
Hiện tại, Không quân Ukraine sử dụng các loại tên lửa hành trình Storm Shadow và SCALP-EG có tính năng gần giống nhau, do Anh và Pháp cung cấp, làm phương tiện chính để tấn công từ trên không. Cả hai loại này đều được bắn từ máy bay chiến đấu Su-24 Fencers của Ukraine. Ngoài tên lửa đạn đạo ATACMS do Mỹ tài trợ và tên lửa hành trình Neptune do Ukraine tự phát triển, những vũ khí trên đại diện cho khả năng tấn công tầm xa với độ chính xác cao của Ukraine.
JASSM có hiệu suất hoạt động tương tự như Storm Shadow và SCALP-EG, nhưng có khả năng sống sót cao hơn, mức độ tàng hình ưu việt hơn, giúp nó có thể luồn lách qua các mạng lưới phòng không tiên tiến.
AGM-158 JASSM dài 4,72m, sải cánh 2,4m nặng 975kg, đầu đạn nặng 453kg. Tên lửa lắp động cơ tuốc bin phản lực Teledyne CAE J402-CA-100 cho tầm bắn 370km, biến thể AGM-158B đạt tầm bắn tới 1.000km, có khả năng phá hủy những cấu trúc kiên cố. Khi tiếp cận mục tiêu, chức năng tự nhận dạng của tên lửa sẽ được kích hoạt để cải thiện độ chính xác.
Nhìn chung, với JASSM, Ukraine sẽ có tên lửa tiên tiến hơn với khả năng sống sót cao hơn để thâm nhập sâu vào mạng lưới phòng không của Nga bao phủ miền đông Ukraine và bán đảo Crimea.
Trước đây, một số nhiệm vụ mà Storm Shadow và SCALP-EG thực hiện cần sự hỗ trợ của tên lửa mồi nhử phóng từ trên không ADM-160 MALD. ADM-160 là một tên lửa hành trình nhỏ có tác dụng đánh lạc hướng và gây nhầm lẫn cho hệ thống phòng không của đối phương. Khả năng tàng hình ưu việt của JASSM sẽ cho phép nó tấn công những mục tiêu giống như mục tiêu của các tên lửa của Pháp và Anh mà không cần sự trợ giúp của MALD, hoặc thậm chí sẽ hiệu quả hơn nữa nếu có sự hỗ trợ của tên lửa mồi nhử.
Đáng chú ý, Mỹ đã tích trữ hàng nghìn tên lửa JASSM và đang đẩy nhanh việc chế tạo những phiên bản tiên tiến hơn. AGM-158A lần đầu được đưa vào sử dụng vào những năm 2000 và các phiên bản tiên tiến hơn được đưa vào sử dụng giữa những năm 2010. Nhiều tên lửa đời đầu đã cũ và có thể sắp hết thời hạn sử dụng hoặc cần được đại tu. Với một số lượng lớn tên lửa JASSM trong kho, Mỹ có thể cung cấp một cách ổn định cho Ukraine.
JASSM có trở thành mối nguy với Nga?
Khi được cung cấp tên lửa JASSM, Ukraine sẽ có vũ khí phòng thủ tiên tiến phóng từ trên không không bị hạn chế về nguồn cung. Tên lửa này có khả năng xuyên thủng mạng lưới phòng không tốt nhất. Đây sẽ là vấn đề lớn đối với Nga, đặc biệt khi nói đến các mục tiêu quan trọng ở Crimea cũng như căn cứ quân sự, địa điểm lưu trữ, boongke chỉ huy, trung tâm huấn luyện của Nga ở Ukraine. Chúng thậm chí có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu nhạy cảm hơn trong một số trường hợp nhất định.
Ngoại trưởng Nga Lavrov hôm 4/9 đã cảnh báo về bất cứ động thái nào của Mỹ nhằm cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine. Ông Lavrov cho rằng Mỹ đang đánh mất tầm nhìn về sự răn đe lẫn nhau, điều vốn đóng vai trò cân bằng an ninh giữa Moscow và Washington kể từ sau Chiến tranh Lạnh, và tình trạng này rất nguy hiểm.
"Tôi sẽ không ngạc nhiên về bất cứ điều gì vào thời điểm này. Mỹ đã vượt qua ngưỡng mà họ tự đặt ra cho mình. Họ nên hiểu rằng họ đang đùa giỡn với ranh giới đỏ của chúng ta, và đây không phải là chuyện đùa”, ông Lavrov tuyên bố.
Cho đến thời điểm hiện tại, chính phủ Mỹ vẫn chưa cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phòng thủ tiên tiến do nước này cung cấp để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga. Nếu điều này thay đổi, JASSM sẽ trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với hệ thống phòng không vốn đang bị quá tải của Moscow.
Mối lo ngại lớn đối với Mỹ khi JASSM được sử dụng trong cuộc xung đột Nga-Ukraine là công nghệ bí mật của tên lửa bị lộ. Ngoài cảm biến và thiết bị điện tử, khung tên lửa, đặc biệt là các tính năng thiết kế rất khó quan sát cũng như những vật liệu đi kèm có thể bị đối phương nắm bắt.
JASSM đã từng được sử dụng trong chiến đấu và một số mảnh vỡ của tên lửa có thể đã bị các cơ quan tình báo nước ngoài khai thác. Tuy nhiên, những trường hợp này rất hạn chế và chỉ ở những khu vực mà quân đội Mỹ có thể tiếp cận được.
Ở Ukraine, Nga đã thu hồi nhiều tên lửa Storm Shadow và SCALP-EG tại nhiều khu vực khác nhau, một số tên lửa gần như còn nguyên vẹn được lực lượng Nga gửi về nước để mổ xẻ và khai thác. Vẫn chưa rõ Mỹ có thể chấp nhận kết cục tương tự như vậy không, vì điều này rất dễ xảy ra nếu JASSM được sử dụng hàng loạt trong cuộc xung đột.