Bangladesh thúc đẩy cân bằng giữa nhu cầu năng lượng với khí hậu và bảo tồn

Cá, lúa và cây cối ở vịnh Bengal luôn tươi tốt và trù phú bởi nguồn nước khổng lồ từ sông Hằng, sông Brahmaputra và sông Meghna đổ vào.

Theo AP, tất cả lương thực không quá dồi dào nhưng với những người nông dân và ngư dân sống ở rừng ngập mặn lớn nhất thế giới thì điều đó là quá đủ. Tuy nhiên, hiện tại, môi trường đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Giới chức trách cho biết nhà máy phát điện sẽ bắt đầu đốt than gần Sundarbans trong năm nay. Đây là một phần trong kế hoạch của Bangladesh nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng và cải thiện mức sống người dân. Với dân số khoảng 168 triệu người, Bangladesh hiện là một trong số những quốc gia có mật độ dân số cao nhất trên thế giới. Một khi nhà máy điện bắt đầu hoạt động hết công suất thì có khả năng tạo ra khoảng 1320 megawatt điện.

Thế giới đang phát triển và mong muốn người dân làcó cuộc sống tốt hơn. Nhưng tăng trưởng kinh tế sử dụng nhiên liệu hóa thạch có thể tạo ra các vấn đề môi trường và khiến cuộc sống của người dân trở nên tồi tệ hơn. Nhà máy điện than Rampal, dự án siêu nhiệt điện Maitree (Maitree Super Thermal Power Project) sẽ đốt cháy khoảng 4,7 triệu tấn than mỗi năm, thải ra khoảng 15 triệu tấn carbon dioxide và các loại khí khác sẽ khiến cho hành tinh trở nên nóng hơn. Thêm vào đó, khoảng 12 nghìn tấn than sẽ được vận chuyển bằng thuyền qua Sudarbans mỗi ngày, gây ra lo ngại về ô nhiễm nguồn nước.

Bangladesh nằm ở vùng trũng thấp bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng cao. Khi lũ lụt và thời tiết khắc nghiệt, hàng triệu người dân phải di dời đi. Chỉ cách đây hai tuần, 24 người chết và 20.000 người bị cô lập bởi nước lũ, 10.000 người mất nhà cửa và 15.000 mẫu đất trồng bị phá hủy do bão nhiệt đới Sitrang.

"Nếu điều đó trở nên tồi tệ hơn thì chúng tôi sẽ phải bán tài sản của mình và di cư", người nông dân Luftan Rahman ở Bangladesh nói.

Các nhà khoa học hàng đầu cho biết không nên có thêm bất kỳ dự án nhiên liệu hóa thạch mới nào nếu thế giới muốn hạn chế mức nhiệt độ toàn cầu nóng lên là 1,5 độ C theo mục tiêu trong Thỏa thuận Paris. Mặc dù là một trong những quốc gia phát thải carbon thấp nhất trên thế giới nhưng Bangladesh đã cam kết giảm 22% lượng khí thải vào năm 2030. Việc xây dựng nhà máy điện than có thể cản trở nỗ lực giảm phát thải ở quốc gia này.

Nỗ lực giải quyết tình trạng mất điện

Tuy nhiên, vào tháng 10, khoảng 80% hộ gia đình trên cả nước đã bị mất điện trong 7 tiếng do hệ thống lưới điện bị sập. Tình trạng mất điện và cắt điện kéo dài như vậy, đôi khi kéo dài tới 10 giờ mỗi ngày đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, trong đó có ngành may mặc (chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu). Bangladesh là nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.

"Chúng tôi đang chờ nhà máy phát điện tại Rampal. Nhà máy sẽ giúp giảm đi nguy cơ thiếu điện", ông Tawfiq-e-Elahi Chowdhury, Cố vấn năng lượng của Thủ tướng Bangladesh nói.

Bangladesh cũng muốn những quốc gia nghèo có thể nhận thêm nguồn hỗ trợ tài chính để ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu. Cho đến tháng 5 năm nay, Bangladesh là một trong số các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Bởi hầu hết diện tích đất ngang bằng hoặc dưới mực nước biển, quốc gia này đã phải hứng chịu những trận lũ lụt lớn và lượng mưa thất thường. Báo cáo của Ngân hàng thế giới cũng ước tính Bangladesh có thể thiệt hại 570 triệu USD hàng năm liên quan đến hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu. Vào tháng 6, Bangladesh đã ngừng vận hành các nhà máy điện diesel do giá nhiên liệu tăng. Bangladesh có hai nhà máy chạy bằng than đang hoạt động và một số chuyên gia cho rằng không cần phải có thêm nhà máy khác.

"Chúng ta cần đầu tư vào hệ thống truyền tải và phân phối điện. ĐIều này sẽ có lợi hơn nhiều cho đất nước vào lúc này", ông Khondaker Golam Moazzem, Trung tâm Đối thoại Chính sách về kinh tế có trụ sở tại Dhaka cho biết.

Bên cạnh đó, Bangladesh hiện cũng có nguồn tài nguyên sạch.

"Bangladesh có tiềm năng rất lớn về khí đốt tự nhiên. Việc thăm dò trên bờ và ngoài khơi, sản xuất tài nguyên khí đốt có thể là một lựa chọn tốt hơn so với than", nhà hoạt động môi trường Anu Mohammad nói.

Và năng lượng tái tạo đã cung cấp năng lượng cho hàng triệu ngôi nhà Bangladesh.

"Bangladesh là một trong số những quốc gia có hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời ở các hộ gia đình phát triển nhanh nhất. Một lựa chọn khác là năng lượng gió ngoài khơi. Và những công nghệ mới nhất hiện có, có thể hình dung năng lượng gió tạo ra từ Vịnh Bengal có thể đáp ứng nhu cầu không chỉ cho Bangladesh mà cả ở quốc gia láng giềng là Ấn Độ và Myanmar", ông Saleemul Huq, Giám đốc Trung tâm về biến đổi và phát triển Khí hậu quốc tế có trụ sở ở Dhaka nói.

Sundarbans, "khu rừng xinh đẹp" ở Bengali đã phát triển qua hàng thiên niên kỷ từ những con sông hùng vĩ của tiểu lục địa Ấn Độ.

"Rừng ngập mặn là rào cản tự nhiên trước tác động xấu của biến đổi khí hậu và nếu chúng bị ảnh hưởng thì 10 triệu người sống ở vùng đồng bằng ven biển này cũng sẽ bị ảnh hưởng. Có nhiều lựa chọn năng lượng thay thế cho việc phát điện. Nhưng hiện vẫn chưa có giải pháp thay thế cho Sundarbans", ông Mohammad, nhà kinh tế và nhà hoạt động môi trường có trụ sở tại Dhaka cho biết. "Rừng ngập mặn có hiệu quả hơn rừng trên cạn trong việc hút carbon dioxide ra khỏi khí quyển."

"Vào thời cha ông tôi, tất cả số gạo chúng tôi có đều được thu hoạch từ đất đai của chúng tôi. Đã có đủ gạo và cá cho mọi người," ông Abul Kalam, 60 tuổi, người đã sống cả đời ở Sundarbans cho biết. "Nếu nhà máy điện này mọc lên, sẽ không có cá trong vùng. Làm sao chúng tôi có thể trồng trọt được trong nước thải độc hại?"/.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/bangladesh-thuc-day-can-bang-giua-nhu-cau-nang-luong-voi-khi-hau-va-bao-ton-20221109154601325.htm