Bánh cáy làng Nguyễn
Năm ngoái, cơ quan Bộ Ngoại giao đến thăm nhà tôi vào dịp tết. Chủ rót ra những chén chè xanh 'đặc cắm tăm', mời cùng những thanh bánh cáy đẹp lạ mắt. Vậy mà khách tấm tắc khen ngon rồi thú thực: 'Thấy thi vị hơn rượu ngoại, kẹo lai', và hẹn hò sang năm nhờ đặt mua bánh cáy.
Bánh cáy là đặc sản của làng Nguyên Xá – tên nôm là làng Nguyễn, cách thị xã Thái Bình hơn 10km. Những công đoạn làm bánh thật là kỹ càng.
Gạo nếp ướp cùng gấc, nước rành rành, nước lá cơm nếp rồi thổi thành ba chõ xôi có ba màu xanh, đỏ, vàng.
Giã xôi thành bánh dày. Phơi bánh cho se se mặt, đem thái thành những thanh nhỏ, cỡ to dài khoảng 6 que tăm, để khi cho vào mỡ rán, chúng nở ra, to bằng đầu đũa là vừa.
Ngoài ra còn bỏng nẻ, lạc vừng rang, mỡ lợn. Nếp rang bỏng nẻ phải là nếp cái hoa vàng. Rang không quá tay để hạt bỏng không nở tung tóe. Rồi còn phải sàng sảy cho đến lúc không còn mảnh trấu, mày.
Vừng phải là loại đã đãi qua nước, loại những hạt lép nhỏ, rồi xát vỏ đem rang.
Lửa rang vừng, chỉ cần liu riu, để vừng được chín om. Trông thì trắng, nhưng mùi vừng rang thơm lựng. Lạc cũng kén củ đều.
Trước khi rang, còn phải luộc lên rồi phơi khô để tránh khét. Mỡ lợn chọn phần mông, ướp từng tảng trong đường, hàng nửa tháng. Rồi mới mang thái hạt lựu, đem xào lên cho miếng mỡ trong vắt và rắn lại.
Tất cả nguyên liệu được chuẩn bị sẵn sàng, bên chảo đường. Đường kính (xưa kia các cụ dùng mật, loại đầu lò) pha một phần mạch nha, đun nhỏ lửa, sao cho khi đường sôi, lấy đũa sên lên, đường chảy thành một dòng dẻo mềm có thể đông mềm trong nước lạnh, là được.
Bánh đổ vào khuôn. Lòng khuôn đã rắc vừng để tạo ra lớp bọc ngoài đẹp mắt và hấp dẫn. Mỗi khuôn bánh là một khối chữ nhật, dài 1 thước ta bằng 40cm, và mỗi cạnh vuông 6cm.
Bánh nguội được gói giấy hồng điều, có nhãn mác làng quê, nơi sản xuất.
Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/banh-cay-lang-nguyen-20494.html