Bánh cốm Hàng Than ế ẩm sau vụ Nguyên Ninh vi phạm an toàn thực phẩm

Hàng chục cơ sở sản xuất, hiệu bánh cốm trên phố Hàng Than (quận Ba Đình, Hà Nội) xảy ra tình trạng 'ế ẩm', kể từ sau khi hàng bánh cốm Nguyên Ninh ở số nhà 11 trên con phố này phải tạm ngừng hoạt động vì những vi phạm về an toàn thực phẩm.

 Các cơ sở sản xuất, hiệu bánh cốm trên phố Hàng Than (quận Ba Đình, Hà Nội) ế ẩm kể từ khi xảy ra vụ Nguyên Ninh vi phạm an toàn thực phẩm

Các cơ sở sản xuất, hiệu bánh cốm trên phố Hàng Than (quận Ba Đình, Hà Nội) ế ẩm kể từ khi xảy ra vụ Nguyên Ninh vi phạm an toàn thực phẩm

Phố Hàng Than được biết như là "thủ phủ" sản xuất bánh cốm của Hà Nội. Trên con phố dài chưa đầy 500m có tới 30-40 cơ sở sản xuất, hiệu bánh cốm. Trong đó nhiều cơ sở sản xuất lâu đời, tính chất cha truyền con nối như An Ninh, Nguyên Ninh… Nơi đây có những ngày cung cấp ra thị trường hàng vạn chiếc bánh cốm.

Tuy nhiên, chiều 2/1, cơ quan chức năng phát hiện nhiều vi phạm về an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất bánh cốm gia truyền Nguyên Ninh ở số 11 Hàng Than và cơ sở này phải tạm ngừng hoạt động để khắc phục. Hiện cơ quan chức năng đang trong quá trình xét nghiệm 2 mẫu bánh cốm và bánh phu thê, sẽ ra thông báo kết quả trước ngày 10/1.

Phố Hàng Than - thủ phủ bánh cốm của Hà Nội - vắng vẻ sau vụ việc vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Phố Hàng Than - thủ phủ bánh cốm của Hà Nội - vắng vẻ sau vụ việc vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chiều 3/1, có mặt tại con phố, phóng viên Báo PNVN ghi nhận, cơ sở sản xuất bánh cốm Nguyên Ninh số 11 Hàng Than đã dừng hoạt động, cửa đóng then cài. Các cửa cơ sở sản xuất, hiệu bánh cốm xung quanh vắng vẻ, chủ yếu là người trò chuyện, tán gẫu.

Cơ sở sản xuất bánh cốm Nguyên Ninh số 11 Hàng Than tạm ngừng hoạt động.

Cơ sở sản xuất bánh cốm Nguyên Ninh số 11 Hàng Than tạm ngừng hoạt động.

Anh Nguyễn Văn Bảy (46 tuổi), chủ cơ sở sản xuất, hiệu bánh cốm Nguyên Ninh số 5 Hàng Than, không giấu nổi vẻ lo lắng: "Hôm nay, lượng bánh cốm bán ra cũng như các loại bánh truyền thống khác đặc biệt ít hơn so với mọi ngày. Chúng tôi rất lo lắng, chỉ mong tình hình sớm ổn định trở lại, để kịp phục vụ khách hàng dịp ra Giêng đến tháng Tư âm lịch. Đây là thời điểm tổ chức nhiều đám cưới, cũng là một trong hai dịp bán nhiều bánh nhất trong năm", anh Bảy chia sẻ thêm.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Bảy, chủ cơ sở sản xuất bánh cốm Nguyên Ninh ở số 5 Hàng Than.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Bảy, chủ cơ sở sản xuất bánh cốm Nguyên Ninh ở số 5 Hàng Than.

Đây cũng là lo lắng của chị Nguyễn Thị Hoa (41 tuổi), chủ hiệu bánh Nguyên Ninh ở số 43 Hàng Than. Chị Hoa kể: "Sáng nay, gia đình tôi vừa từ quê lên thì đọc được thông tin trên, cũng lo lắng lắm. Gia đình tôi không trực tiếp sản xuất bánh cốm, chủ yếu là làm dịch vụ cho lễ hỏi, chuẩn bị các tráp cho lễ đưa dâu. Đối với các lễ ăn hỏi ở Hà Nội, thông thường khách hàng thường yêu cầu tráp bánh cốm, vì loại bánh này hương vị thơm, dẻo, dai, dễ ăn hơn. Giờ nếu khách hàng e ngại không sử dụng bánh cốm, tôi cũng chưa biết lựa chọn loại bánh nào phù hợp để thay thế".

Ngoài phục vụ cho các dịp lễ cưới, lễ hội, bánh cốm chủ yếu bán cho các khách du lịch mua về làm quà cho gia đình, người thân quen. "Từ sáng tới giờ chúng tôi mới bán được 20-30 chiếc bánh, chỉ bằng 10% số lượng so với trước khi vụ việc xảy ra. Như anh thấy đấy, người đi qua thì nhiều nhưng tuyệt đối vắng bóng người mua", anh T.V. (40 tuổi), chủ hiệu bánh cốm Nguyên Ninh (số 8 Hàng Than) chia sẻ.

Bánh cốm thương hiệu Nguyên Ninh ở địa chỉ số 5 Hàng Than

Bánh cốm thương hiệu Nguyên Ninh ở địa chỉ số 5 Hàng Than

Chia sẻ thêm về vụ việc trên, anh V. cho biết, việc sản xuất bánh gia truyền trong hoàn cảnh nhà ở khu phố cổ rất khó khăn. "Như căn nhà ở số 11 Hàng Than, đó là nhà thuộc diện bảo tồn ở khu phố cổ Hà Nội. Việc sửa chữa cần có sự cho phép của cơ quan thẩm quyền và phải thực hiện đúng các hướng dẫn bảo tồn. Cộng với diện tích rất hẹp, do đó để cơ sở trên cũng như các cơ sở khác trên con phố bố trí được khu vực sản xuất riêng biệt, không lẫn với gian bếp sinh hoạt của gia đình là rất khó khăn", anh V. cho hay.

Hiện nay, gia đình anh V. chủ yếu sản xuất và bán bánh cũng như phần lớn các hiệu bánh chủ yếu là sản xuất, bán bánh tại nhà. Với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, cơ sở sản xuất của anh V. rất khó có điều kiện để thuê nhà xưởng, khu sản xuất riêng biệt ở quanh đây vì giá mặt bằng quá cao.

Còn nếu thuê ở khu vực xung quanh Hà Nội thì chi phí sẽ ảnh hưởng tới giá bán nói chung, mà loại bánh này từ trước tới nay có giá thành rất ổn định, nếu tăng lên sẽ rất khó cạnh tranh.

"Tuy nhiên, những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất bánh trên cũng là lời cảnh tỉnh đối với chúng tôi. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm hơn nữa các quy định của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm", anh V. bày tỏ.

Chiều cùng ngày, lực lượng chức năng đã có mặt ở phố Hàng Than để tuyên truyền, yêu cầu các cơ sở sản xuất ký cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Lực lượng chức năng tuyên truyền, yêu cầu các cơ sở sản xuất bánh cốm trên phố Hàng Than ký cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Lực lượng chức năng tuyên truyền, yêu cầu các cơ sở sản xuất bánh cốm trên phố Hàng Than ký cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Được biết, chiều 2/1, Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm số 1 của thành phố Hà Nội ra quân kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết tại cơ sở sản xuất bánh cốm gia truyền Nguyên Ninh (địa chỉ 11 Hàng Than).

Qua kiểm tra thực tế, Đoàn kiểm tra số 1 đã phát hiện hàng loạt vi phạm về an toàn thực phẩm của cơ sở này như khu vực sản xuất không riêng biệt mà được tận dụng trong gian bếp sinh hoạt của gia đình; các đồ vật liên quan đến sản xuất sắp xếp lộn xộn; điều kiện gian bếp xuống cấp nghiêm trọng, nền nhà bếp bong tróc, ẩm mốc, cống hở…

Cơ sở cũng chưa xuất trình được hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của tất cả nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm; nhãn sản phẩm bánh cốm chưa phù hợp với bản công bố sản phẩm và chưa phù hợp về quy định ghi nhãn hàng hóa.

Đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ sở tạm dừng hoạt động để khắc phục ngay những tồn tại; đồng thời, giao Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm quận Ba Đình tiếp tục làm việc để xử lý vi phạm và báo cáo kết quả về Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 trước ngày 10/1. Đoàn kiểm tra cũng tiến hành lấy 2 mẫu bánh cốm và bánh xu xê để xét nghiệm.

Một số hình ảnh khác tại phố Hàng Than chiều ngày 3/1/2025:

* Theo giới thiệu của bánh cốm Nguyên Ninh, đây là thương hiệu thành lập từ năm 1865 tại số 11 phố Hàng Than. Dòng họ Nguyễn Duy là người đầu tiên làm ra chiếc bánh cốm này, vì thế người ta vẫn cho rằng Nguyễn Duy cũng là “ông tổ” của loại bánh này. Được biết, từ “Nguyên Ninh” được in trên bao bì sản phẩm có nghĩa là “nguyên gốc làng Yên Ninh”.

Thời điểm mới ra mắt, những chiếc bánh cốm hiệu Nguyên Ninh được bán ở chợ Đồng Xuân và nhanh chóng nổi tiếng khắp Hà Nội. Đến thời điểm hiện tại, thương hiệu bánh cốm Nguyên Ninh đã trải qua 6 thế hệ nối dõi và hơn 150 năm qua, "bí kíp" làm bánh chỉ được truyền dạy cho con cháu trong nhà.

Vì là thương hiệu lâu đời và in sâu trong lòng nhiều người, bánh cốm Nguyên Ninh trở thành “nạn nhân” cho vấn nạn giả mạo nhãn hiệu. Hiện nay trên phố Hàng Than, ngoài hàng bánh cốm Nguyên Ninh ở số nhà 11 thì đa phần các cửa hàng khác đều trưng biển hiệu "Nguyên Ninh", khiến người mua không khỏi "hoa mắt" khi tới con phố này.

Trường Hùng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/banh-com-hang-than-e-am-sau-vu-vi-pham-an-toan-thuc-pham-20250103190832706.htm