Bánh cuốn Thanh Hóa - xuýt xoa hương vị đặc sản xứ Thanh

Bánh cuốn Thanh Hóa nóng hổi chấm với nước mắm chanh tỏi ớt, ăn kèm với giò lụa và rau thơm sẽ khiến bạn phải trầm trồ, xuýt xoa khen ngợi.

Thanh Hóa vốn là vùng đất được bồi đắp bởi phù sa sông Mã, trồng nhiều lúa gạo. Với nguồn lương thực dồi dào, chất lượng, rất nhiều món ăn ngon đã được người dân sáng tạo ra. Bánh cuốn Thanh Hóa chính là một trong số đó. Đôi bàn tay khéo léo của cư dân xứ Thanh đã tạo ra món bánh cuốn gói gọn trong đó sự tinh túy của đất trời.

Bánh cuốn Thanh Hóa mang một hương vị thơm ngon rất riêng không hề lẫn với bất kỳ nơi nào khác. Lá bánh trong suốt, mỏng dính như tờ giấy nhưng lại dẻo dai không ngờ. Gói gọn trong lá bánh là nhân thịt băm, tôm, nấm hương, mộc nhĩ,... Trộn bên ngoài là hành khô phi vàng giòn tan. Bánh cuốn chấm nước mắm chanh tiêu ớt đã ăn thử một miếng là không muốn ngừng.

 Bánh cuốn Thanh Hóa có thể được ăn cùng với nhiều loại đồ ăn kèm khác. (Ảnh minh họa)

Bánh cuốn Thanh Hóa có thể được ăn cùng với nhiều loại đồ ăn kèm khác. (Ảnh minh họa)

Hướng dẫn cách làm bánh cuốn Thanh Hóa

Nguyên liệu làm bánh cuốn Thanh Hóa

- Bánh cuốn là món ăn đặc sản Thanh Hóa trứ danh sử dụng nguyên liệu chính là gạo tẻ. Gạo được tuyển chọn từ vùng trồng lúa nổi tiếng của Thanh Hóa như Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa và Hoằng Hóa. Những hạt gạo ở đây mọng tròn, đều tăm tắp, dẻo thơm.

Gạo được mang đi ngâm từ 5-8 tiếng cho đến khi ngậm đủ nước và được pha tỷ lệ thích hợp để khi bánh nguội vẫn giữ được độ thơm ngon. Sau đó cho vào cối đá xay bằng tay. Dưới sự kiên trì của người làm bánh, qua từng vòng quay nhẫn nại, ứa thành những dòng bột nước trắng mịn. Bột nước này được ủ qua đêm, đạt đến độ chua thích hợp rồi đem đi tráng.

Bột bánh phải được xay bằng cối đá mới chuẩn vị. Nếu bột xay bằng máy xay công nghiệp thô thì miếng bánh làm ra sẽ bị dày, không ngon.

- Phần nhân bánh cũng được chế biến tỉ mỉ gồm thịt nạc vai, tôm tươi bóc vỏ, một ít hành và mộc nhĩ. Hành phải được xắt bằng tay, chiên vàng ruộm, không phải là loại hành phi sẵn đóng hộp vốn có màu nâu sẫm.

- Ngoài ra, để có được một đĩa bánh cuốn Thanh Hóa hấp dẫn thì không thể thiếu nước chấm. Nước chấm phải được pha từ nước mắm ngon, được chọn lọc như nước mắm Tĩnh Gia làm hoàn toàn thủ công, không có chất bảo quản, phẩm màu hay bột ngọt. Nước mắm được pha với tỷ lệ thích hợp, thêm chút nước cốt chanh tươi, rắc thêm vài hạt tiêu bắc, ít lát ớt tươi.

Bánh cuốn Thanh Hóa mang một hương vị thơm ngon rất riêng không hề lẫn với bất kỳ nơi nào khác. (Ảnh minh họa)

Bánh cuốn Thanh Hóa mang một hương vị thơm ngon rất riêng không hề lẫn với bất kỳ nơi nào khác. (Ảnh minh họa)

Cách tráng bánh

Dụng cụ làm bánh dùng để làm bánh cũng rất đặc biệt. Đó là một chiếc nồi bịt vải màn chừa lại một khe nhỏ để thoát hơi nước. Thêm một chiếc muôi múc bột, một ống nứa được thoa mỡ để chống dính, một cái nong tre nhỏ lật ngược cũng được thoa mỡ để trải và cuốn bánh.

Người làm bánh múc muôi bột, dùng chính cái muôi đó dàn bột thật đều trên lớp vải rồi đậy nắp vung lại, sau 30 giây là bánh chín. Lúc này mở vung ra rồi dùng ống nứa khéo léo lấy bánh ra trải rộng trên mặt nong rồi múc bột thoa lên lớp vải để làm cái tiếp theo.. Sau đó rải nhân, cuốn bánh lại và xếp vào đĩa.

Để có thể thưởng thức bánh cuốn với hương vị thơm ngon nhất, bạn không nên ăn bánh làm sẵn mà phải ăn bánh ngay khi bánh vừa làm xong.

Khâu tráng bánh cũng phải thật sự cẩn thận, và phải có chút bí quyết riêng để miếng bánh cuốn vừa miệng, ngon và đẹp mắt. Để có được một đĩa bánh cuốn thành phẩm, đòi hỏi sự kỳ công, tinh tế của người làm bánh. Sai một chút, vội một chút sẽ khiến món ăn này không còn chuẩn vị nữa.

KHÔI NGUYÊN(Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/banh-cuon-thanh-hoa-xuyt-xoa-huong-vi-dac-san-xu-thanh-ar767274.html