Bánh mì mùa dịch
Váy bánh mì của H'Hen Nie tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, hai năm trước không thấy tí ép-phê nào, thậm chí kỳ quặc thì thời điểm này lại có lý mới chết.
Trong bối cảnh có những du khách Hàn Quốc đang ỏe họe chê bai ổ bánh mì Việt không xứng tầm họ ở mùa cứu dịch này.
Từ khóa “bánh mì” vốn đã “hot” nhờ vụ giải cứu thanh long, nay càng đậm đặc hơn nữa vì vụ việc của các du khách này, đến Đà Nẵng từ tâm dịch Deagu. Từ chối cách ly, về nước họ bức xúc lên phương tiện truyền thông tố khổ.
Xem ảnh chụp suất ăn thấy khá hấp dẫn, lại nghe lãnh đạo Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho biết mỗi suất cơm giá 200.000 đồng đặt mua tại nhà hàng nổi tiếng Đà Nẵng, thấy quả thật các vị khách đã quá lời. Cứ cho là chỉ đáng 100.000- 150.000 đồng thì cũng tươm lắm rồi. Còn món bánh mì kẹp thịt và rau, không xa xỉ nhưng cũng không hề bôi bác như các vị tả và đài kia vội đưa tin một chiều.
Vừa chân ướt chân ráo đến Đà Nẵng đã muốn lộn lại máy bay về nước là việc dễ hiểu bởi không phải ai cũng có thể mòn mỏi hai tuần trong không gian bí bách lại không phải quê nhà. Tâm trạng thì rối bời vì sợ dịch. Nếu có lên đài than thở thì chỉ nên giải thích đến thế, chứ ai lại bóc mẽ rằng suất ăn tệ lắm “chỉ vài mẩu bánh mì, mấy tiếng mới có một lần” và đòi tiêu chuẩn 4 sao (nơi cách ly nếu có, là khách sạn hạng sang chứ không thể ở bệnh viện).
Sự đời trớ trêu. Hai tuần trước, Tổng thống Hàn Quốc vừa cảnh báo dân chúng không nên bén mảng các vùng dịch trong đó có Việt Nam. Thì nay chính họ đang lo sợ bị kỳ thị và thừa nhận thất bại trong phòng chống dịch. Cái này gọi là: không thể nói trước điều gì, nhỉ?
Đương nhiên hai chục vị kia không đại diện cho tất cả người Hàn. Họ lại đang là những người có tâm trạng, và có một chuyến du lịch xui xẻo, không đúng thời điểm. Có thể cảm thông phần nào. Nhưng trong khi cố làm Đà Nẵng và Việt Nam mất điểm phen này, thì họ cũng có chứng tỏ được sự hiểu đời, biết điều của mình đâu. Hãy nhìn Nga và Triều Tiên thân Trung Quốc là thế còn đóng cửa biên giới tắp lự, ngay từ đầu. Cả thế giới nín thở chống dịch, sự kiện như Olympic Tokyo còn hủy đến nơi, mà mình ngồi đó than phiền về những điều không đúng và không đáng?
Trông người lại ngẫm đến ta. Thấy cái dở của người khác để tự răn mình nên thế nào khi gặp cảnh huống tương tự, đồng thời nhân vụ này và mùa dịch nói chung, cần tầm soát lại tất cả các khâu, dọn dẹp đâu ra đấy thì tốt quá. Kể cả nhà vệ sinh, nếu đúng là nhếch nhác bẩn thỉu như bức ảnh “hai chục du khách Hàn ở Đà Nẵng” đưa lên mạng, thì có nên xem lại.
“Sạch như bệnh viện, đẹp như công viên, kỷ luật như bộ đội” nhưng ai chả biết khu phụ ở bệnh viện Việt Nam nói chung, đáng sợ thế nào. Cực chẳng đã mới phải dùng. Vì nhiều nguyên nhân: quan niệm sạch bẩn của mỗi người là rất khác nhau, và người Việt ý thức vệ sinh nói chung kém. Trong khi Hàn Quốc khác đấy. Tôi từng đi Hàn, tôi thấy đây là đất nước thực sự sạch sẽ.
Người Hàn có hay kỳ thị không? Một tờ báo dẫn báo cáo của chính phủ Hàn năm 2018 cho thấy, 20% người nước ngoài được hỏi đã cho biết mình bị phân biệt đối xử về quốc tịch, ngôn ngữ, ngoại hình và nghề nghiệp. Và ở Hàn có 7 kiểu kỳ thị: kỳ thị chủng tộc; kỳ thị đa văn hóa (con lai); kỳ thị năng lực (năng lực nói tiếng Hàn, tiếng Anh, sự chăm chỉ, năng lực làm việc); kỳ thị giới tính; kỳ thị ngoại hình; kỳ thị vùng miền, và phân biệt giàu nghèo. Xem phim Hàn thấy một xã hội phân hóa sâu sắc, kỳ thị khá rõ, cho dù Hàn luôn tham vọng lan tỏa “làn sóng Hàn Quốc” ra khắp châu Á, thậm chí thế giới.
Vậy thái độ trịch thượng của các vị khách trên kia, có phải một phần xuất phát từ sự kỳ thị khi so sánh rằng Hàn Quốc sang giàu, văn minh hơn Việt Nam gấp bội, nên phải được biệt đãi? Nhà người ta đang “chống dịch như chống giặc”, khó chồng khó (riêng kiểm soát hàng trăm nghìn người Hàn ở hai đầu đất nước đã thừa việc để làm), còn mình đến từ nơi có dịch lại từ chối hợp tác, gây khó cho chủ nhà.
Nhưng trong khó ló khôn. Như đã nói, mùa dịch này khiến ta có cơ hội xốc lại từ những việc nhỏ nhất. Ăn mặc ở sao cho vừa giản tiện vừa sạch sẽ tinh tươm. Từ chiếc túi, gói giấy đựng bánh mì, hộp đựng cơm trông cũng phải đáng tin cậy. Đừng quá lúi xùi song lại xuề xòa bảo “Có mà dùng là tốt rồi, kêu ca nỗi gì” (nhà vệ sinh chẳng hạn). Ứng xử văn minh, cảm thông, trách nhiệm… Làm được những điều đó thì khỏi sợ ai tung hoang tin và “kỳ thị ngược” một cách vô lối nữa.
Người Việt đầy thói tật thật nhưng lại có tính hay là nhịn miệng đãi khách. Cùng người Việt với nhau chắc suất ăn cho người cách ly sẽ kém suất trên kia đấy. Sự cố vừa qua, Chủ tịch thành phố và Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng đều gửi thư xin lỗi các du khách Hàn bởi “những biện pháp kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh là yêu cầu bắt buộc và hành động bất khả kháng nhưng đã đem đến sự bất tiện cho quí khách”. Thư và cả quà - đặc sản khô mè và cà phê, trước giờ họ lên đường về nước. Thế là chơi đẹp còn gì.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/banh-mi-mua-dich-1524489.tpo