Bánh răng bừa - đặc sản dân dã của người dân Thọ Xuân, Thanh Hóa. Ảnh: LT.
Ngày 27/4, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Lê Hoàn (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã diễn ra Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2023. Sự kiện nhằm kỷ niệm nhằm kỷ niệm 1018 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Hoàng đế Lê Đại Hành và đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: LT.
Trong khuôn khổ lễ hội, người dân Thọ Xuân cũng tổ chức gói bánh răng bừa. Đây là đặc sản dân dã tiến vua nức tiếng xứ Thanh một thời. Từ xa xưa, người dân nơi đây đã chắt lọc những hạt gạo thơm ngon nhất để làm nên những chiếc bánh răng bừa dâng vua. Ảnh: LT.
Loại gạo để làm ra những chiếc bánh răng bừa dẻo thơm là gạo tẻ. Sau khi ngâm trong nước lạnh từ 2-3 giờ sẽ đem xay thành bột. Thứ bột mịn trắng tinh được nấu lên đến khi sền sệt, bột không quá chín thì nhấc ra để nguội. Ảnh: LT.
Bánh răng bừa được gói bằng lá chuối xanh hoặc lá dong tươi. Nhân bánh được làm từ thịt ba chỉ băm nhỏ trộn cùng hành phi thơm, mộc nhĩ, thêm chút tiêu cho dậy mùi. Công đoạn cuối cùng là hấp bánh và thưởng thức. Ảnh: LT.
Nhân bánh sẽ được xào lên giúp vị béo ngậy của thịt hòa quyện với mùi thơm của hành, mộc nhĩ. Ảnh: LT.
Ngày nay, bánh răng bừa có mặt ở hầu khắp các địa phương tại Thanh Hóa. Thứ bánh đặc sản này thường có mặt trong những ngày lễ, Tết, cưới xin và phục vụ du khách về du lịch tại xứ Thanh. Ông Lê Đình Hải - Chủ tịch UBND xã Xuân Lập cho biết, sản xuất bánh răng bừa là ngành nghề truyền thống ở địa phương. Hiện nay, toàn xã có khoảng 200 hộ sản xuất, kinh doanh. Năm 2021, bánh lá răng bừa đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh. Đây là nghề truyền thống đang có sự phát triển khá, mang lại thu nhập cao và ổn định cho nhiều lao động vùng quê hương Xuân Lập. Ảnh: LT.
Trong khuôn khổ Lễ hội đền thờ Lê Hoàn, người dân địa phương cũng tham dự các trò chơi dân gian, dựng hội trại. Đây là dịp để người dân hướng về cội nguồn, tri ân công đức của anh hùng dân tộc Hoàng đế Lê Đại Hành. Trong ảnh, người dân và du khách đang chơi trò bài điếm. Ảnh: LT.
Lường Toán