Bánh rế ngày tết
MINH HỌA: TRẦN QUYẾT THẮNG
Ngày nhỏ, tôi ưa món bánh rế (bánh làm bằng bột nếp nắn sợi, quấn bện vào nhau như vành rế đem chiên giòn). Ngày thường thì đừng mơ, có nài nỉ mấy mẹ cũng nhất định không. Mẹ bảo làm bánh rế tốn dầu lắm; mua dầu đã mắc, khi chiên xong dầu còn thừa phải bỏ, phí phạm vô cùng…
Mẹ tôi vốn tính hà tiện, cái gì mà nửa xài nửa bỏ đi đều khiến mẹ xót lắm. Cũng phải thôi, gốc con nhà nghèo, mưu sinh bằng nghề nông vất vả, không hà tiện lấy gì nuôi con!
Vậy nhưng tới Tết lại khác.
Ấy là dịp trọng đại duy nhất trong năm nên mẹ bấm bụng chiều lũ con, làm món bánh rế. Một chảo dầu to đặt trên bếp than hồng. Cục bột nếp nhồi dẻo kế bên. Thêm tô đường cát trắng phau nữa là đủ bộ. Nghe nói làm bánh rế, lũ nhỏ đứa nào cũng sáng mắt sáng mũi hò reo, xúm chạy đi rửa tay xong tập trung ngồi chầu hẫu xung quanh thau bột với lò than. Không phải chờ ăn đâu, mà chờ để… phụ làm! Bánh rế là món duy nhất mà
lớn hay bé, có “tay nghề” hay không đều có thể làm. Lại nữa, làm bánh vui lắm bởi cái trò nắn bánh hệt như đang chơi nắn… đất sét: chỉ cần se hai “sợi bột” dài đem quấn xoắn vào nhau (như vành rế) thả xuống chảo dầu sôi. Ấy là kiểu bánh rế “kinh điển” như đã gọi tên. Nếu cứ một kiểu đơn điệu làm hoài cũng chán, chúng tôi bèn hò nhau “phát minh” ra trò mới: nắn bột thành hình những con vật từ bò, ngựa, gà, chim… tới các đồ vật ngộ nghĩnh linh tinh. Mẹ nhăn mặt còn ba thì phì cười, bảo: Kệ đi, cho chúng nó vui một chút. Tết mà…
Bột nắn xong, thả xuống chảo dầu sôi kêu xèo, sủi bọt lăn tăn trước nhiều sau ít. Những cái bánh bềnh bồng trong chảo, uống no dầu sôi dần “cứng mình” lại, ngả màu vàng ươm. Canh cái nào vàng đủ sẫm mẹ thò đũa gắp, bỏ lên chiếc vỉ gác ngang miệng chảo. Đợi dầu thừa rút hết xuống lòng chảo mẹ mới gắp bánh lăn qua đường cát cho đường “đu” kín lớp ngoài, sau đó giũ nhẹ cho rớt bớt đường thừa, rồi cho “thành phẩm” ra mẹt lót giấy báo chờ đem phơi hoặc sấy…
Bánh rế chiên “tới” (tức chiên đủ độ chín) cắn ăn giòn công cốc; hơi cứng với người yếu răng nhưng với lũ nhỏ thì tuyệt ngon. Vị ngọt của đường, vị béo của dầu cộng với vị thơm bùi của nếp thành một thứ vị tổng hòa, khá kích thích vị giác nhưng lại không có vị nào quá độ tới mức gây ngán. Cái bánh rế vàng ươm, lấm tấm bám đường mới nhìn thôi đã thấy ngon.
Thêm nữa, nhai giòn rùm rụm cũng là một cái thú hết chê. Vậy nên khi bánh sấy xong mẹ luôn cho vào túi ni lông dày lót giấy báo để giữ bánh giòn lâu. “Công quả” của lũ nhỏ xúm nắn bột làm bánh được mẹ thưởng trước cho vài ba cái ăn đỡ ghiền, còn lại hẹn… cúng ông bà xong mới được đụng đến! Lệnh mẹ nghiêm lắm, phải chờ (ít ra cũng tới chiều ba mươi Tết). Chỉ cần nhấm nháp (trong trí tưởng tượng) cảnh sau lễ cúng tất niên hay giao thừa được một mình bê nguyên đĩa bánh rế đầy ụ là đã nghe ngon đến nhức lưỡi rồi…
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/234071/banh-re-ngay-tet.html