Bánh tráng Hậu Thành: Rộn ràng vào vụ tết

Bánh tráng Hậu Thành (xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) từ lâu đã nổi danh là loại bánh ngon, một trong những đặc sản được nhiều thực khách ưa chuộng. Đặc biệt, thời điểm này, khi Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang đến gần, Làng nghề Bánh tráng Hậu Thành càng nhộn nhịp, đâu đâu cũng thấy những phên bánh tráng phơi giữa trời để kịp khô cung ứng cho thị trường dịp tết.

Anh Tài phơi bánh cho kịp nắng.

Anh Tài phơi bánh cho kịp nắng.

Làng nghề Bánh tráng Hậu Thành tập trung nhiều nhất ở ấp Hậu Thuận và rải rác một số hộ ở các ấp lân cận. Làng nghề hình thành từ khá lâu, mang tính truyền thống “cha truyền con nối”. Theo những người làm bánh tráng lâu năm ở làng nghề, ngày trước, bánh tráng chỉ được làm trong dịp Tết cổ truyền, nhưng ngày nay, bánh tráng ở làng nghề đã được sản xuất quanh năm, trở thành món đặc sản cung ứng thị trường hằng ngày.

GIỮ NGHỀ TRUYỀN THỐNG

Hằng năm, từ khoảng 3 tháng trước Tết Nguyên đán, các lò bánh tráng ở Làng nghề Bánh tráng Hậu Thành bắt đầu trở nên nhộn nhịp. Người làm bánh tráng thường thức dậy từ lúc 2 - 3 giờ sáng để nhóm bếp, làm bột, chờ nước sôi lên để bắt đầu tráng bánh.

Cô Hà khéo léo tráng từng chiếc bánh.

Cô Hà khéo léo tráng từng chiếc bánh.

Gần một tháng qua, cũng như nhiều lò làm bánh tráng khác ở Làng nghề Bánh tráng Hậu Thành, lò bánh tráng của gia đình chị Đoàn Thị Thúy Hằng (ấp Hậu Thuận, xã Hậu Thành) ngày nào cũng hoạt động tất bật. Chị Hằng cho biết, vào ngày thường mỗi ngày lò nhà chị chỉ tráng khoảng 15 - 20 kg gạo, nhưng vào dịp tết thì tráng với số lượng gạo tăng lên gấp đôi để đủ nguồn cung ứng cho thị trường. Để có bột tráng bánh, từ chiều hôm trước gia đình chị Thúy đã ngâm gạo, đến 3 giờ sáng hôm sau thức dậy xay bột, nhóm bếp để tráng bánh.

Bằng tình yêu nghề và với mong muốn giữ nghề truyền thống, nhiều gia đình vẫn đang nỗ lực cho Làng nghề Bánh tráng Hậu Thành “đỏ lửa”. Cũng chính nhờ nghề làm bánh tráng mà nhiều chị em phụ nữ của các ấp trên địa bàn xã Hậu Thành có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình. Mặc dù Làng nghề Bánh tráng Hậu Thành vẫn còn đối diện với nhiều thách thức do cạnh tranh thị trường, cần tiếp tục đầu tư cải tiến kỹ thuật, mẫu mã… nhưng có thể khẳng định bánh tráng Hậu Thành luôn có “chỗ đứng” đối với người tiêu dùng. Những chiếc bánh tráng Hậu Thành béo, thơm, giòn rụm sau khi nướng chín càng làm tăng hương vị ngọt ngào ngày tết, là món quà mộc mạc, dân dã nhưng đong đầy tình cảm cho nhau giữa những người thân, bè bạn”.

CHỦ TỊCH HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ XÃ HẬU THÀNH NGUYỄN THỊ CẨM LOAN

Bên bếp lò đỏ hừng hực, đôi tay của người phụ nữ tráng bánh vẫn thoăn thoắt cho bột lên khuôn là một tấm vải phẳng căng trên miệng nồi; sau đó, bột được trải đều thành hình tròn trên tấm vải, rồi đậy nắp vung lại. Chỉ trong chốc lát, hơi nước làm chín bột thành chiếc bánh, người thợ tráng bánh lại khéo léo dùng đũa tre lấy bánh ra trải lên vỉ tre, rồi đem phơi nắng.

Chị Hằng chia sẻ: “Gia đình đã có 3 đời làm nghề tráng bánh. Từ nhỏ, tôi đã biết phụ bà, phụ mẹ làm bánh, đến năm 12 tuổi thì tôi trực tiếp tráng bánh. Gia đình chỉ chuyên làm bánh tráng mè, đây là loại bánh đòi hỏi nhiều nguyên liệu và công đoạn làm bánh công phu hơn, trước hết phải chọn gạo ngon, mè phải mới và thơm, đặc biệt là phần nước cốt dừa pha với tỷ lệ phù hợp để tăng vị béo đặc trưng riêng của chiếc bánh tráng Hậu Thành”.

Cô Nguyễn Thị Thu Hà, cùng ngụ ấp Hậu Thuận, gắn bó với nghề làm bánh tráng đã hơn 30 năm. Dù tuổi cao nhưng đến nay, cô Hà vẫn tự tay xay bột, tráng bánh để kịp phơi nắng. Cô Hà cho biết, hầu hết các lò bánh tráng ở Làng nghề Bánh tráng Hậu Thành đều tồn tại theo phương thức truyền thống “cha truyền con nối”. Giờ đây, gia đình cô Hà có thêm người con gái và con trai tiếp nối công việc truyền thống làm bánh tráng của gia đình.

PHÁT TRIỂN KINH TẾ GIA ĐÌNH

Vừa phụ vợ phơi bánh, anh Huỳnh Văn Tài, người có hơn 30 năm làm bánh tráng ở Làng nghề Bánh tráng Hậu Thành vui vẻ trò chuyện với chúng tôi. Anh Tài cho biết, nghề bánh tráng tuy vất vả nhưng vợ chồng anh Tài cảm thấy rất vui, vì nhờ làm nghề mà kinh tế gia đình anh luôn ổn định.

“Tráng bánh là việc làm thủ công tuy có phần cực nhọc, nhưng nghề không phụ người, cứ nhóm bếp lửa lên là mình sẽ có thu nhập, nhất là vào dịp tết. Ngày thường tráng bánh cung cấp cho các mối quen, đến tết thì nhu cầu của khách hàng tăng gấp đôi, gấp ba. Cũng nhờ nghề làm bánh tráng mà thu nhập gia đình tôi được cải thiện đáng kể, lo cho 3 con ăn học tốt hơn”, anh Tài chia sẻ.

Bánh tráng trắng chỉ cần phơi 2, 3 giờ đồng hồ đã khô.

Bánh tráng trắng chỉ cần phơi 2, 3 giờ đồng hồ đã khô.

Trong những ngày tết, hầu như nhà nào cũng có bánh tráng, loại bánh để nướng hoặc có loại bánh tráng trắng để cuốn ăn sống. “Bánh tráng trắng mỏng dùng để ăn sống chỉ cần phơi 2, 3 giờ đồng hồ là khô. Loại bánh này cũng được tiêu thụ khá nhiều vào dịp tết, thời điểm này mỗi ngày gia đình tôi tráng khoảng vài ngàn cái bánh để cung ứng cho thị trường”, chị Trương Thị Diệu, ấp Hậu Thuận chia sẻ.

Nghề làm bánh tráng bây giờ đã có máy móc phụ trợ, nhưng bánh tráng làm thủ công vẫn có chỗ đứng trên thị trường. Qua hàng chục năm tồn tại với bao thăng trầm, bánh tráng Hậu Thành luôn được nhiều người biết đến. Có nhiều nơi sản xuất bánh tráng nhưng bánh tráng của Làng nghề Bánh tráng Hậu Thành vẫn nổi danh thơm ngon bậc nhất so với các nơi khác trong tỉnh.

Điều này đã được chứng minh khi thị trường tiêu thụ sản phẩm của Làng nghề Bánh tráng Hậu Thành từ lâu đã bứt phá ra khỏi nội tỉnh Tiền Giang, mở rộng ra nhiều tỉnh khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh.

Về với Làng nghề Bánh tráng Hậu Thành vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, chúng tôi cảm nhận như mùa xuân đã về bên hiên nhà của nhiều gia đình nơi đây. Màu trắng của những phên bánh tráng trước sân nhà, trên những con đường… dưới nắng xuân như chào đón tết đến với muôn nhà.

LÊ PHƯƠNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202301/banh-trang-hau-thanh-ron-rang-vao-vu-tet-968870/