Bánh Trung Thu ăn kiêng giá đắt tràn xuống phố
Mỗi dịp gần Trung Thu, đủ loại mẫu bánh mới lại được tung ra. Năm nay, đánh vào tâm lý tốt cho sức khỏe, nhiều hãng bánh đưa ra mẫu bánh độc lạ như: Bánh làm từ rau, hoa quả, tỏi đen…
Dù hơn 1 tháng nữa đến Tết Trung thu nhưng thời điểm này bước vào chính vụ sản xuất bánh trung thu của nhiều hãng lớn cũng như các thương hiệu nhỏ lẻ. Trên dọc các tuyến phố lớn ở Hà Nội như: Phố Xã Đàn, Ô Chợ Dừa, Thái Hà, Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Giảng Võ,… các siêu thị như Vinmart, Lotte, Co.opmart, BigC, các gian hàng trang trí đủ sắc màu rực rỡ bắt mắt bày bán tới hàng chục loại bánh khác nhau với hàng loạt các thương hiệu bánh nổi tiếng.
Do nhu cầu của khách hàng về sản phẩm tốt cho sức khỏe ngày một nhiều, nhiều hãng bánh đã đưa ra hàng loạt các sản phẩm bánh trung thu sử dụng đường ăn kiêng. Ngoài ra, năm nay, sản phẩm bánh trung thu từ rau quả, trái cây, tỏi đen.
Tại cửa hàng bánh nhan nhản triên vỉa hè tuyến phố phố Thái Hà (Hà Nội), nhân viên của hàng tư vấn, điểm mới năm nay là bộ sản phẩm bánh rau củ có tên gọi Thưởng Nguyệt với nguyên liệu bánh làm hoàn toàn rau củ từ tự nhiên, giàu dinh dưỡng như cà rốt Đà Lạt, cà chua bi Đà Lạt, dâu tằm Đà Lạt, dưa lưới Nhật... Nhân viên cửa hàng cho biết, giá bánh tăng nhẹ chỉ ở mức trên 2.000 đồng/bánh so với năm ngoái.
Bên cạnh sử dụng rau, củ, quả làm nhân, một số công ty lớn chuyên sản xuất bánh trung thu còn tận dụng nguyên liệu này làm nên màu sắc thuần khiết, tự nhiên cho bánh.
Bánh màu hồng dùng củ dền, thanh long đỏ; màu vàng từ nghệ, màu cam từ cà rốt; màu xanh từ lá dứa hoặc rau chân vịt, bột trà xanh; màu tím từ lá cẩm hay bắp cải tím; màu nâu từ bột cacao, cà phê…
Ngoài ra, có hãng còn tung ra dòng bánh trung thu cho người tiểu đường được làm từ công thức đặc biệt. Để hương vị bánh không thua so với bánh bình thường, sản phẩm còn có nhiều loại nhân hấp dẫn như hạt dẻ hạt dưa, trà xanh hạt maca, mè đen hạt dưa, đậu xanh hạnh nhân… Giá bánh Kinh Đô phân loại rõ dòng bánh theo trọng lượng. Theo đó, loại bánh nhỏ 120g và 150g có giá 40.000 - 70.000 đồng/cái, loại lớn 210g - 800g giá 65.000 - 480.000 đồng/cái tùy loại, cao nhất là 4 triệu đồng/hộp 6 bánh và hộp trà.
Một số hãng tung ra sản phẩm bánh trung thu xanh chế biến từ 100% thành phần thực vật tự nhiên, dành riêng và giữ lấy trọn vẹn không khí trung thu cho những người ăn kiêng, ăn chay. Giá bánh loại này tăng nhẹ so với năm ngoái, từ vài ngàn đến vài chục ngàn. Đặc biệt, năm 2019, bánh tỏi đen giá từ: 250.000- 350.000 đồng/chiếc.
Theo nhận định của nhiều đơn vị sản xuất, vào cao điểm mùa Trung thu giá bánh có thể biến động tùy sức mua nhưng sẽ không nhiều.
Trước đó, đầu tháng 8 vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) vừa có công văn yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường và các cơ sở sản xuất bánh trung thu lớn trong dịp trước, trong và sau Tết Trung thu năm 2019.
Theo Tổng cục QLTT, bánh trung thu, rượu, bia, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến từ bột, tinh bột... là những mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong mỗi dịp Tết Trung thu.
Để góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng dịp Tết Trung thu năm 2019, Tổng cục đã yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch chuyên đề kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp trước, trong và sau Tết Trung thu. Quá trình xây dựng kế hoạch cần trao đổi thông tin và chủ động phối hợp với Sở Công Thương và các ngành có liên quan để tránh việc kiểm tra chồng chéo, trùng lắp.
Cụ thể, với mặt hàng bánh trung thu, các Cục QLTT sẽ kiểm tra việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh các nguyên liệu làm bánh trung thu như nhân bánh, mứt bí, hạt dưa, lạp xường, nước đường, mỡ, trứng muối… để kịp thời ngăn chặn các hành vi nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm trên địa bàn được phân công quản lý.