Bảo tàng không phải công viên, trèo lên hiện vật có giá trị là rất phản cảm

Để khắc phục tình trạng du khách vi phạm nội quy khi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự, bạn đọc cho rằng cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu về giá trị sưu tầm, bảo quản của các hiện vật.

Gần đây, Bảo tàng Lịch sử Quân sự thu hút hàng nghìn du khách tới tham quan các hiện vật. Nhiều người đánh giá đó là tín hiệu đáng mừng, thể hiện niềm tự hào của người dân đối với lịch sử vẻ vang của quân đội ta.

Tuy nhiên, trong quá trình tham quan, một số du khách, đặc biệt là trẻ nhỏ đã thiếu tuân thủ bảng hướng dẫn của bảo tàng và thực hiện những hành vi chưa đẹp như tì đè tay lên tủ kính, sờ nắm, trèo lên các hiện vật xe tăng, máy bay, sa hình…

Thậm chí, có hiện vật bị gãy đổ do khách tham quan gây ra, buộc phải tạm thời cất đi.

Hôm 10/11, mạng xã hội đăng tải hình ảnh một số trẻ nhỏ leo trèo "vắt vẻo" lên xe tăng, máy bay, sa hình... mặc cho bên cạnh là bảng cảnh báo không chạm vào hiện vật. Ảnh: Đức Anh

Hôm 10/11, mạng xã hội đăng tải hình ảnh một số trẻ nhỏ leo trèo "vắt vẻo" lên xe tăng, máy bay, sa hình... mặc cho bên cạnh là bảng cảnh báo không chạm vào hiện vật. Ảnh: Đức Anh

Nhìn vào những hình ảnh không đẹp khi tham quan bảo tàng đó, nhiều bạn đọc đã bày tỏ thái độ chê trách ý thức của du khách, đồng thời đề xuất các giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Bảo tàng không phải công viên

Nhắc lại bảo tàng là nơi trưng bày các hiện vật quý, có giá trị sưu tầm, được bảo quản cẩn thận, bạn đọc Trần Đình Thắng cho rằng: “Nhiều người đang nhầm lẫn bảo tàng với công viên, khu vui chơi giải trí nên tùy tiện sờ mó vào hiện vật. Điều đó có thể khiến hiện vật hư hỏng, không thể phục hồi được, mất công mất sức của bao nhiêu người. Đặc biệt, khi gây hư hỏng hiện vật thì khách có chịu trách nhiệm đền bù?”.

Bạn đọc Hoài Vũ cũng nhận định, một số người đi tham quan bảo tàng lưu giữ những bảo vật quốc gia mà cứ như đi chợ hay siêu thị vậy. “Những hành vi này cần lên án triệt để. Trẻ em thì có thể thông cảm nhưng người lớn mà còn nô đùa, cầm xoay thử cả pháo thì không thể chấp nhận được”, bạn đọc này bày tỏ bức xúc.

Nhấn mạnh việc người lớn phải trông coi trẻ nhỏ khi đưa đi tham quan bảo tàng, bạn đọc Phạm Thanh Sơn và Đỗ Chung nêu ý kiến: Các trường tổ chức cho học sinh đi tham quan thì phải hướng dẫn quy tắc từ trước. Nếu là cha mẹ đưa con đi thì cần nhắc nhở, quản lý con cẩn thận vì trẻ nhỏ rất hiếu kỳ, thấy gì lạ cũng muốn sờ nắm.

“Trách nhiệm của cha mẹ và nhà trường là dạy bảo, hướng dẫn các con nhiều hơn về ý thức giữ gìn tài sản chung, tôn trọng nội quy khi tới các địa điểm công cộng”, bạn đọc Lương Hoài Anh nhấn mạnh.

Bạn đọc Cường Kool thừa nhận ý thức về việc tôn trọng không gian chung của nhiều người dân còn kém, đi ra ngoài mà cứ tự nhiên như ở nhà mình.

Nhiều thanh niên đã chạm vào hiện vật vào ngày 14/11. Ảnh: Hùng Nguyễn

Nhiều thanh niên đã chạm vào hiện vật vào ngày 14/11. Ảnh: Hùng Nguyễn

Tăng cường tuyên truyền hướng dẫn

Ủng hộ chủ trương miễn phí vào cửa của Bảo tàng Lịch sử Quân sự để thu hút nhiều du khách hơn, nhưng bạn đọc tên Minh cho rằng, ban quản lý bảo tàng nên tổ chức hoạt động tham quan chặt chẽ để bảo vệ các hiện vật.

“Trước khi du khách vào bên trong, ban quản lý bảo tàng nên bố trí cho dòng người dừng lại ở một khu nào đó để phát loa phổ biến nội quy. Khi đó mọi người sẽ có ý thức hơn”, bạn đọc Minh góp ý.

Bạn đọc Bùi Minh Hải nêu ý kiến: “Người dân hào hứng tới bảo tàng là việc nên khuyến khích, chỉ có điều cần ngăn cách không gian để người dân không sờ vào hiện vật. Những ngày đông du khách, bảo tàng có thể huy động thêm lực lượng sinh viên tình nguyện tới hỗ trợ nhắc nhở quy định”.

Trong khi đó, bạn đọc Ngô Minh Đức đưa ra giải pháp quyết liệt: “Không thể để tình trạng vô ý thức, vô kỷ luật này tái diễn, cần khôi phục kỷ cương từ những sự vụ tưởng chừng nhỏ như thế này.

Tôi đề xuất ban quản lý bảo tàng cần: Hạn chế số lượng người tham quan mỗi đợt; tăng cường người giám sát để ngăn chặn, nhắc nhở ngay người mon men xâm phạm hiện vật lịch sử đang trưng bày; xử lý vài trường hợp ngoan cố vi phạm ngay tại chỗ để làm gương”.

Cùng góp ý về việc tổ chức trưng bày, bạn đọc Phạm Ngọc Ninh nêu: “Bảo tàng không có kịch bản khai thác phù hợp. Sao không phát vé qua đăng ký mã QR (cũng là kích thích người dân ứng dụng công nghệ số), hoặc chỉ phát vé một số lượng vừa đủ?”.

Ở góc độ khác, một số bạn đọc bày tỏ mong ước được chạm trực tiếp vào các thiết bị quân sự, nên đề xuất ban tổ chức tạo ra mô hình nào đó cho khách tham quan được trải nghiệm trong điều kiện cho phép.

Lý Đào

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bao-tang-khong-phai-cong-vien-treo-len-hien-vat-co-gia-tri-la-rat-phan-cam-2342364.html