Bánh Trung thu nội có cạnh tranh nổi với bánh ngoại?
So với nhiều năm trước, bánh Trung thu năm nay bắt đầu được bày bán từ cuối tháng 6 Âm lịch, nhưng thị trường vẫn khá ảm đạm...
Bánh ngoại nhập tung hoành “chợ mạng”
Hiện đang là cao điểm kinh doanh bánh Trung thu, thế nên trên “chợ mạng”, sản phẩm này được mua bán rất sôi động. Với lời quảng cáo chung là: “Nhất định phải ăn”, “Bánh Trung thu X thì các chị em biết rồi…” như khẳng định thương hiệu và chất lượng, bánh nhập ngoại đang tràn lan trên thị trường. Chỉ cần gõ từ khóa “bánh Trung thu” vào ô tìm kiếm của các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT), khách hàng sẽ thấy hàng nghìn kết quả với đủ loại giá cả, hình thức và các thành phần bánh khác nhau. Chị Thúy Vân (một đầu mối kinh doanh bánh Trung thu online) cho biết: “Bánh Trung thu trứng chảy mini vẫn là loại bán chạy nhất vì chất lượng ngon, hạn sử dụng xa, giá hợp lý. Mỗi mùa Trung thu tôi bán hàng nghìn chiếc”. Theo chị Thúy Vân, bánh ngoại có ưu thế vì giá cạnh tranh và mẫu mã đẹp, trọng lượng lại vừa phải khiến người ăn không bị ngán. Tuy nhiên, so với các năm trước, chị đánh giá năm nay sức mua chậm, hàng hóa ế ẩm hơn.
Trên một nhóm mua bán online khu vực Lào Cai, nhiều đầu mối đổ buôn bánh Trung thu nhân trứng chảy, phô mai chảy với giá cực rẻ. Giá bán trung bình là 1,06 triệu đồng/thùng 16 hộp (hộp gồm 12 chiếc). Nói cách khác, giá buôn mỗi chiếc bánh này chỉ khoảng 5.500 đồng. Nhưng trên một sàn TMĐT lớn, bánh Trung thu cũng có loại cao cấp và được giảm giá sâu. Từ trung tuần tháng 7 Âm lịch, các sàn TMĐT đã giảm giá mạnh mặt hàng này. Theo đó, một loại bánh cao cấp xuất xứ nước ngoài được giảm giá từ 155.000 đồng/chiếc xuống còn 105.000 đồng/chiếc (giảm 32%). Một số loại bánh Trung thu nhân đậu xanh, trà xanh, thập cẩm trứng muối... được giảm từ 5 - 44%, còn 14.000 - 50.000 đồng/bánh tùy loại.
Theo các chuyên gia, bánh Trung thu “3 không” tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về mất an toàn thực phẩm. Các sản phẩm nhập ngoại hầu hết không có tiếng Việt, không rõ xuất xứ, thành phần và không có hạn sử dụng. “Vì là sản phẩm sử dụng trực tiếp nhưng không rõ thành phần, hạn dùng nên người dùng cần thận trọng. Nếu xảy ra nguy cơ mất an toàn thực phẩm, người dân cũng không biết tìm đến nhà sản xuất, người bán nào mà đòi quyền lợi. Sử dụng bánh Trung thu trôi nổi không những có thể dẫn đến các nguy cơ về sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến sản xuất của nhiều doanh nghiệp” - một chuyên gia thị trường khuyến cáo.
Bánh Trung thu nội ế ẩm
Mặc dù đang là cao điểm mua bán bánh Trung thu, nhưng ghi nhận thị trường cho thấy sức mua rất chậm. Tại quầy hàng của Công ty Kinh Đô trên đường Trần Phú (Hà Đông), khách mua chỉ lác đác. Nhân viên bán hàng cho biết: “Dịp gần Rằm tháng bảy hàng bán chạy hơn, nhưng cũng chỉ khoảng hơn 20 đơn/ngày. Các ngày khác lác đác 3-4 khách/ngày. Dù bánh Trung thu có nhiều loại với hương vị khác nhau nhưng đắt hàng nhất vẫn là bánh nướng và bánh dẻo thập cẩm, vị truyền thống”. Giá bánh Trung thu năm nay giữ ổn định so với năm ngoái, từ 55.000 - 62.000 đồng/chiếc (loại có trọng lượng 150 - 180g). Ðối với dòng sản phẩm cao cấp hơn, giá thấp nhất 640.000 đồng/hộp, cao nhất là hộp bánh Trung thu Trăng vàng Black & Gold Kim Cương trong hộp sơn mài giá bán lên đến 5 triệu đồng/hộp.
Tại các quầy hàng của Công ty CP bánh mứt kẹo Hà Nội, khách hàng cũng thưa vắng hơn mọi năm. “Không chỉ ít khách, ế ẩm mà đơn hàng của khách mua cũng nhỏ hơn, chưa bằng 1 nửa những năm trước” - nhân viên bán hàng cho biết.
Lý giải nguyên nhân sức mua kém, nhiều người bán hàng cho hay, do năm nay kinh tế khó khăn nên người dân có xu hướng mua sắm tiết kiệm hơn. Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ đường, bánh kẹo đang giảm, bánh Trung thu “nội” lại có độ ngọt cao, giá cao nên phải cạnh tranh khốc liệt với bánh nhập khẩu. Bên cạnh đó, nhu cầu mua bánh làm quà biếu, tặng, đặc biệt là với các doanh nghiệp không còn được chuộng như trước đây nên thị trường càng thiếu vắng nhiều đơn hàng lớn.
Ngoài những tên tuổi lớn trong ngành bánh kẹo, các thương hiệu bánh Trung thu được nhiều người biết đến tại Hà Nội như Maison, Thu Hương, Madam Hương… cũng giới thiệu nhiều loại sản phẩm. Giá bánh của các nhà sản xuất này thường từ 75.000 đến trên 100.000 đồng/chiếc (bánh bình dân). Bánh cao cấp giá hàng triệu đồng mỗi hộp, có bao bì rất hiện đại và bắt mắt. Thị trường bánh Trung thu nội còn có sự tham của nhiều “bếp” nhỏ lẻ. Các loại bánh này thường có mẫu mã riêng, giá bán chia làm nhiều loại. Giá các loại bánh “handmade” trung bình từ 60.000 - 80.000 đồng/chiếc (tùy vị). Ngoài ra, các loại bánh Trung thu dành cho người ăn kiêng cũng được giới thiệu nhiều. Nhiều dự báo cho rằng, đến gần ngày Trung thu (15-8 Âm lịch), thị trường sẽ nhộn nhịp hơn, tuy nhiên khi đó giá bánh cũng có thể giảm mạnh.
Chặn bánh Trung thu nhập lậu
Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra hướng dẫn cách chọn bánh Trung thu an toàn. Theo đó, khi lựa chọn và sử dụng bánh Trung thu, người tiêu dùng cần lưu ý sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng như: Tên nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, hướng dẫn sử dụng và bảo quản... Người tiêu dùng chỉ nên mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định. Muốn vậy, người tiêu dùng nên lựa chọn các nhà sản xuất đáp ứng được các quy định về đảm bảo an toàn thực phậm. Tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.
Để góp phần bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) sẽ liên tục kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa phục vụ Trung thu, trong đó có bánh Trung thu. Mới đây, ngày 31-8, Đội QLTT số 5, Cục QLTT TP Hà Nội phối hợp với CAQ Hai Bà Trưng kiểm tra điểm tập kết hàng hóa tại số 934 Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 960 chiếc bánh Trung thu nhân trứng chảy (tên MX Lava Custard Mooncake) do nước ngoài sản xuất nghi nhập lậu. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 19,2 triệu đồng. Chủ sở hữu hàng hóa được xác định là ông Hoàng Trung Hiếu (trú tại Phúc Yên, Vĩnh Phúc) không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số bánh Trung thu này. Hiện các lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm nêu trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 15-8, đội QLTT số 24, Cục QLTT Hà Nội kiểm tra cửa hàng bánh kẹo Dũng Hải (địa chỉ thôn Chùa Tổng, xã La Phù, Hoài Đức, Hà Nội) và phát hiện tại đây đang bày bán 10.800 chiếc bánh Trung thu có nhãn bằng tiếng nước ngoài. Theo giá niêm yết tại cửa hàng, một chiếc bánh có giá siêu rẻ, chỉ 2.500 đồng/chiếc. Tổng trị giá lô hàng hóa là 27 triệu đồng. Tuy nhiên, chủ cửa hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ của lô bánh và thừa nhận đã nhập hàng trôi nổi về phục vụ nhu cầu của người dân.