Bánh trung thu tinh than tre, cua huỳnh đế tràn chợ mạng, đủ mức giá

Trung thu chưa đến nhưng các loại bánh tinh than tre, rượu trái cây, hạt sen tỏi đen, vi cá… với mức giá từ 35.000-600.000 đồng đã được rao bán khắp các trang bán hàng online.

Hiện tại, trên các trang mạng xã hội và nền tảng bán hàng trực tuyến, hoạt động kinh doanh bánh trung thu đã diễn ra nhộn nhịp dù còn 1 tháng nữa mới đến ngày này.

Chị Hương (nhân viên văn phòng, TP.HCM) cho biết khoảng hơn 2 tuần qua, đồng nghiệp chị đã liên tục đặt bánh trung thu handmade trên Facebook để ăn tại văn phòng. “Thay vì các món ăn vặt như mọi khi, chúng tôi đổi qua ăn bánh trung thu để xem thử tiệm nào ngon, hôm sau đặt làm quà”, chị cho biết.

Nhiều lựa chọn độc lạ

Theo chia sẻ của nhiều cơ sở sản xuất, bánh trung thu tinh than tre xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ vài năm trước, nhưng đến năm nay mới được quảng cáo rầm rộ và nhiều khách hàng tin dùng.

“Vỏ bánh tinh than tre có màu đen. Tinh than tre không mùi không vị, nhưng khi kết hợp với nhân trà xanh hoặc khoai môn thì tạo ra hương vị rất riêng và lạ, không có cảm giác ngấy”, chị Trà - một người làm bánh ở Hà Nội chia sẻ.

Bánh trung thu vỏ tinh than tre được ưa chuộng nhiều trong mùa Trung thu năm nay. Ảnh: Bibi Healthy Bread.

Bánh trung thu vỏ tinh than tre được ưa chuộng nhiều trong mùa Trung thu năm nay. Ảnh: Bibi Healthy Bread.

Theo ghi nhận tại một số cơ sở sản xuất, tinh than tre được nhập khẩu từ Nhật Bản với mức giá 300.000-350.000 đồng/100g, tương đương nguyên liệu làm nên 300 bánh. Tuy nhiên, một số đơn vị kinh doanh nhỏ, lẻ do chưa có điều kiện, phải mua lại từ các doanh nghiệp nhập khẩu khác nên giá thành sẽ bị đẩy lên cao hơn.

Trao đổi với Zing.vn, đại diện các cơ sở cho biết loại bánh này còn mới lạ, nhận được sự quan tâm của khá nhiều khách hàng. “Dù mới đầu mùa, chúng tôi đã nhận được hàng nghìn đơn hàng bánh vỏ tinh than tre với nhiều loại nhân khác nhau, khách hàng đều cho đánh giá tốt”, một chủ cơ sở lâu năm chia sẻ.

Ngoài vỏ bánh tinh than tre, một số nhân bánh trung thu độc đáo như trái cây khô, trái cây hạt, rượu trái cây, bào ngư, vi cá, cua huỳnh đế… cũng nở rộ trong mùa trung thu năm nay, tạo nên một thị trường bánh trung thu sôi động hơn bao giờ hết.

Bánh handmade trôi nổi trên thị trường khó kiểm soát

Năm nay, bánh trung thu được rao bán dưới nhiều hình dạng và trọng lượng từ khoảng 80-800g. Giá cả theo đó cũng dao động từ 35.000-600.000 đồng mỗi chiếc.

Riêng đối với bánh làm từ các nguyên liệu như trái cây hạt cao cấp, vi cá, yến sào, cua huỳnh đế…, giá sản phẩm có nơi lên đến gần 1 triệu đồng mỗi cái.

Sự chênh lệch lớn về giá cả không chỉ nằm ở nguyên liệu sản xuất và giá trị thương hiệu mà còn đến từ xuất xứ sản phẩm. Hầu hết đơn vị kinh doanh bánh trung thu trên chợ mạng đều là tự phát với sản phẩm handmade, chưa qua kiểm định chất lượng và xác định rõ nguồn gốc nguyên liệu đầu vào. Người bán đa số là các nhân viên văn phòng hoặc người nội trợ, dành thời gian rảnh rỗi làm bánh nhằm kiếm thêm thu nhập.

Khi được hỏi về xuất xứ nguyên liệu, một số cá nhân kinh doanh chỉ giải thích “mua lại từ bên khác” chứ không thể nêu cụ thể hơn.

Thử tìm mua tinh bột than tre Nhật Bản, phóng viên tìm thấy nhiều nơi cung cấp thành phần này trên các trang thương mại điện tử với mức giá chênh lệch lớn từ 50.000-300.000 đồng/gói 100g.

Tinh bột than tre Nhật Bản được rao bán trên các trang thương mại điện tử với mức giá chênh lệch lớn từ 50.000-300.000 đồng/gói 100g. Ảnh: Daylambanh.

Tinh bột than tre Nhật Bản được rao bán trên các trang thương mại điện tử với mức giá chênh lệch lớn từ 50.000-300.000 đồng/gói 100g. Ảnh: Daylambanh.

Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn tỏ ra lạc quan và thích thú với các dòng bánh handmade này. “Tôi thấy bánh handmade thường đỡ ngọt và ngấy hơn bánh thương hiệu lớn, ngoài ra họ cũng sáng tạo nhiều hình thù, màu sắc và hương vị độc đáo hơn. Chất lượng chắc chắn sẽ biến thiên ở các nơi, nên tôi và bạn bè thường chỉ chọn mua ở chỗ thân quen”, chị Lan (nhân viên văn phòng, Hà Nội) chia sẻ.

Nắm bắt trước tình trạng này, từ đầu tháng 8, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã có công văn yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường vào trước, trong và sau Tết Trung thu. Trong đó, các loại bánh Trung thu được sản xuất theo phương thức cổ truyền, bánh tự làm không công bố chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ được siết chặt kiểm tra nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Đặc biệt, bánh trung thu handmade thường không chứa chất bảo quản nên chỉ có thể sử dụng trong vòng 7-10 ngày. Do đó, tình trạng bánh quá hạn sử dụng trôi nổi trên thị trường cũng được lực lượng QLTT theo dõi, kiểm soát nghiêm ngặt để kịp thời thu hồi.

Theo Lan Anh/Zing News

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/banh-trung-thu-tinh-than-tre-cua-huynh-de-tran-cho-mang-du-muc-gia-1264181.html