Bánh xe bị thủng lốp khi đi khảo sát giúp các nhà khảo cổ tìm ra điều diệu kỳ
Chỉ nhờ chiếc lốp xe ô tô bị thủng, một nhóm các nhà khoa học đã có cơ hội phát hiện ra điều có ý nghĩa to lớn trong lịch sử.
Người ta thường nói "trong cái rủi đôi khi lại có cái may" và câu chuyện về phát hiện bất ngờ của nhóm các nhà khảo cổ học này là một ví dụ.
Một nhóm các nhà cổ sinh vật học dường như đã kết thúc quá trình đào bới của họ và chuẩn bị ra về, bỗng nhiên chiếc lốp xe ô tô của họ bị thủng và điều kỳ diệu đã xảy ra.
Trong lúc chờ đợi chiếc lốp được vá, một nhà cổ sinh vật học đã đi xung quanh khu vực để kiểm tra một lần cuối cùng trước khi ra về, điều mà cô tìm thấy lúc đó đã thay đổi toàn bộ những hiểu biết bấy lâu của chúng ta về lịch sử loài khủng long.
Chuyện xảy ra vào năm 1990, một nhóm nhỏ các nhà cổ sinh vật học thuộc Viện Nghiên cứu Địa chất Black Hills, thuộc bang South Dakota (Mỹ) đã đi tới Khu bảo tồn Thổ Dân Cheyenne (Ấn Độ) để tìm kiếm hóa thạch khủng long. Họ đã bỏ ra 5.000 USD (115 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại) cho chủ sở hữu khu đất để có thể tiếp cận và tiến hành tìm kiếm tại đây.
Họ cũng đặt rất nhiều hy vọng vào công việc tìm kiếm hóa thạch tại Cheyenne thế nhưng kết cục lại không như mong đợi.
Khi đã hết thời hạn thuê khu đất, họ chất đồ đạc lên xe trở về, mang theo mình nỗi thất vọng. Thế nhưng đen đủi vẫn không ngừng đeo bám, chiếc lốp xe bị thủng trên đường di chuyển về.
Họ quyết định đi vào thị trấn để tìm kiếm sự giúp đỡ từ phía người dân tại đây. Không ai trong số những nhà cổ sinh vật học này có thể ngờ rằng quyết định ấy sẽ hoàn toàn thay đổi những gì chúng ta đã biết về lịch sử.
Sue Hendrickson, một thành viên của nhóm đã quyết định ở lại địa điểm ấy để đợi mọi người. Cô đi khảo sát nốt một số chân đồi mà nhóm đã bỏ qua trong cuộc tìm kiếm. Điều kỳ diệu đã xảy ra khi Sue Hendrickson phát hiện ra một mảnh xương.
Cô đã bắt đầu tìm kiếm xung quanh để có thể phát hiện thêm những mảnh xương khác. Ban đầu, cô đã nghĩ rằng đó chỉ là một mẩu xương nhỏ không có giá trị gì nhiều.
Sau khi quan sát kỹ hơn, cô phát hiện ra ở bề mặt vách đồi xuất hiện rất nhiều những mảnh xương to hơn, lấp ló trồi ra bên ngoài. Ngay lập tức, cô Sue đã chạy đi thông báo với mọi người về những gì mình đã thấy.
Sue lập tức tiếp liên hệ với Peter Larson, viện trưởng Viện Nghiên cứu Black Hills về những gì cô đã tìm thấy. Peter là một nhà cổ sinh vật học danh tiếng tại Mỹ, ông đã cho biết những gì mà nhóm nghiên cứu phát hiện ra chính là bộ xương hóa thạch của một con khủng long bạo chúa có tên khoa học là Tyrannosaurus rex.
Cả nhóm nghiên cứu tiến tới khu vực Sue phát hiện hóa thạch và tiến hành đào bới bộ xương quý giá của con khủng long này.
Sau rất nhiều cuộc tìm kiếm hóa thạch loài Khủng long bạo chúa trước đó, con người mới chỉ tìm thấy được khoảng 1 nửa bộ xương của một con T-rex.
Nhưng trong lần phát hiện đó, những hóa thạch xương T-rex mà Sue tìm thấy lên tới 90% bộ xương hoàn chỉnh. Thậm chí, hình dáng các mẩu xương đều rất nguyên vẹn.
Đuôi của con khủng long này là mẫu đuôi T-rex nguyên vẹn nhất được tìm thấy. Đây cũng là lần đầu tiên người ta tìm thấy một bộ xương T-rex hoàn chỉnh cả 2 cánh tay.
Với độ cao khoảng 1.500m, đây cũng là con T-rex có hộp sọ lớn nhất từng được phát hiện và ẩn bên trong là chiếc răng T-rex dài nhất mà con người từng biết tới.
Sau thời gian nghiên cứu, các nhà cổ sinh vật học phán đoán rằng trước khi chết nó đã bị gãy xương sườn và bị thương ở chân trước. Tuy nhiên, với kích thước to lớn này, nó có thể là một con khủng long bạo chúa "có tuổi" và cái chết của nó có thể do bệnh tật.
Bộ xương với kích thước vô cùng lớn.
Quả thực, nếu chiếc lốp xe ấy không bị thủng thì có thể bộ xương hóa thạch tuyệt vời của con khủng long T-rex này sẽ không bao giờ được phát hiện...