Tờ The Guardian của Anh nhận xét: "Cuộc đối đầu giữa phương Tây và lực lượng Houthi ở Biển Đỏ nhiều khả năng sẽ biến thành xung đột quân sự trực tiếp giữa Mỹ và Iran".
Mặc dù trước đó có thông tin cho rằng Washington đã thành lập một liên minh để "đảm bảo tự do hàng hải", nhưng Tổng thống Joe Biden khẳng định ông không muốn đối đầu trực tiếp với nhóm vũ trang tại Yemen.
Tuy nhiên vài ngày trước đó, Hải quân Mỹ đã đánh chìm một số xuồng cao tốc chở theo các tay súng Houthi, khi họ vượt qua ranh giới đỏ, đó là tìm cách cướp một tàu chở hàng.
Giới phân tích nhận xét nếu tình hình tiếp tục leo thang, Washington, London và đồng minh châu Âu của họ có thể tiến hành chiến dịch không kích nhằm vào các vị trí của Houthi ở Yemen bất cứ lúc nào.
Tờ The Guardian cho biết: "An toàn hàng hải ở Biển Đỏ rất quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, bởi vì đây là tuyến đường thương mại chính giữa châu Á và châu Âu".
"Khoảng 30% lưu lượng container trên thế giới đi qua khu vực này và bất kỳ mối đe dọa an ninh nào cũng có thể gây ra hậu quả tiêu cực đối với giá dầu cũng như sự sẵn có của hàng hóa châu Á ở phương Tây".
Các chuyên gia lập luận rằng nếu leo thang tiếp tục thì Mỹ sẵn sàng ra quyết định tấn công lực lượng Houthi, điều mà nước này hiện vẫn đang cố gắng tránh. Nếu viễn cảnh trên xảy ra thì nguy cơ va chạm với Iran sẽ trở nên khá rõ ràng.
Cần nhấn mạnh, xung đột quân sự không mang lại lợi ích cho các bên tham gia, đặc biệt khi Houthi thực sự đã giành chiến thắng trong cuộc nội chiến ở Yemen và các vương quốc Ả Rập có lợi ích trong việc khôi phục quan hệ với Tehran.
Nhưng theo diễn biến mới nhất, Quân đội Anh đang chuẩn bị tấn công các cơ sở quân sự của Houthi ở Yemen, nơi họ chuẩn bị vũ khí cho những cuộc tấn công vào tàu dân sự, Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh - ông Grant Shapps cho biết.
Do những cuộc tấn công liên tục của lực lượng Houthi ở Yemen nhằm vào tàu dân sự và nỗ lực của nhóm quốc tế ở Biển Đỏ nhằm bảo vệ hoạt động vận tải hàng hải chưa mang lại kết quả, London đã quyết định thực hiện biện pháp quyết liệt hơn.
Điều này chủ yếu là do sự phụ thuộc của đất nước vào vận tải biển dân sự - vốn đóng vai trò tối quan trọng đối với nền kinh tế Vương quốc Anh.
Việc phá hủy các cơ sở quân sự trên lãnh thổ Yemen do lực lượng Houthi kiểm soát sẽ giúp tạo ra “hành lang an toàn” tạm thời cho các tàu dân sự đi qua Biển Đỏ.
Ngoài Anh, Mỹ - quốc gia đi đầu trong chiến dịch quốc tế "Người bảo vệ thịnh vượng", có thể tham gia hoạt động quân sự nói trên. Hiện tại tàu khu trục tên lửa HMS Diamond và tàu khu trục chống ngầm HMS Lancaster của Anh đã trong trạng thái sẵn sàng.
Theo kế hoạch, các máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon với tên lửa hành trình Storm Shadow sẽ đóng vai trò "sứ giả chiến tranh", chúng sẽ cất cánh từ căn cứ không quân Akrotiri của Không lực Hoàng gia đặt trên đảo Síp.