Bão

Bão số 3 - Yagi sắp ập vào đất liền, trời như đặc lại. Vòng xoáy bão trên các bản tin dự báo thời tiết như con quái vật khổng lồ, đen ngòm. Con mắt bão trừng trừng ở chính giữa như giận dữ với ai.

Ảnh: Nguồn Internet

Ảnh: Nguồn Internet

Thông tin về bão tràn ngập trên phương tiện truyền thông, người người nhà nhà hối hả lo chuẩn bị chống bão. Bao người con xa quê phấp phỏng lo âu cho quê nhà, người thân trước cơn cuồng phong hiếm gặp.

“Tháng chín heo may chuồn chuồn bay thì bão”. Bây giờ chưa tới tháng 9 âm lịch, gió mùa Đông Bắc chưa xuống phía nam. Thường chỉ gió mùa Đông Bắc mới đủ mạnh để đẩy bão ở biển Đông không lên phía Bắc. Gió mùa Tây Nam qua điểm cực thịnh, đẩy bão dạt ra xa dải đất hình chữ S, chuyển hướng lên chính Bắc. Có dạt đi đâu thì cũng dạt vào chỗ có người ở, dạt xuống phía dưới thì khúc ruột miền Trung lại oằn mình chịu bão. Sáng nay ở Nghệ An, Thanh Hóa xuất hiện dải mây đen cuồn cuộn kỳ quái, như câu ca “Thâm đông hồng tây dựng mây”, lại có chớp lằng nhằng như dây thừng rạch nát bầu trời, như các cụ dự báo, dễ là bão to.

Ngày bố còn sống, anh trai tôi đi tàu biển, mỗi lần có tin bão là ông không rời cái radio, nghe tin bão mà thắt lòng lo cho anh. Ông ra đầu làng xem rễ cây đa, rễ si, xem đầu ngọn rễ ấy có đổi màu không. Giữa cái đám rễ xoắn bện vào nhau như mớ tóc rối màu xám tro ấy nổi lên dải rễ trắng như ngà, càng lớn thì bão càng to. Dọc kênh mương, từng đám rêu xanh mọc ở tầng đáy nay nổi tảng lập lờ trên mặt nước. Cái giếng khơi bình thường nước trong văn vắt mát lạnh, thì nay vẩn lên, có cả bọt tăm khí li ti đùn từ âm ty đùn lên. Kiến đi thành đàn, đắp thành xây tổ, tha con lên chỗ cao, chỗ khóm tre măng cứ mọc gục vào phía trong của bụi, thì chắc chắn bão sẽ về. Ánh mắt bố chìm đắm trong âu lo, nếp nhăn trên trán xô dồn vào nhau nhiều hơn, tắt hẳn những câu Kiều hay ngân nga nơi cửa miệng.

Ngày bé, trẻ con như tôi thích bão. Bởi có bão là được nghỉ học, mưa to mát mẻ, lại hay có thức ăn ngon. Nhà tôi ngày ấy cũng là nhà xây, nhưng cửa chính và cửa sổ cũng chẳng lấy gì làm chắc chắn. Nếu tâm bão đi qua, thì gió sẽ xoay đủ bốn phương tám hướng. Bố bảo, gió tới từ hướng nào thì đóng cửa hướng đó, mở cửa phía sau để giảm áp lực của gió lên ngôi nhà. Tâm bão đi qua thì trời sẽ đột nhiên quang mây, tạnh chừng nửa tiếng, sau đó thì gió rung, mưa giật lại quay lại với hướng ngược chiều.

Ảnh: Nguồn Internet

Ảnh: Nguồn Internet

Thiệt hại đến nhiều vì gió giật, khi mưa gió làm nghiêng cây, đứt rễ, mềm gốc, rồi bị đợt tiếp quật bẻ ngược lại như người bị vặn tay, ngược cánh khuỷu sẽ bung đổ. Gió trong bão biết giật giằng, bứt nhánh cây, cành lá ném đi, vật đổ cả cây to. Đang ù ù thổi đến kinh người, gió đột nhiên dừng lại trong thoáng chốc lấy đà, rồi như võ sĩ dồn sức tung cú đấm cực mạnh hạ gục đối thủ. Gió giật làm bưởi non rụng lả tả sau vườn, vạt chuối thì bị gió xé nát lá bươm tướp, bầm dập, vật đi vật lại đến thảm thương.

Cây thấp như sắn tàu thì gió uốn xoáy như em bé bị ép tập múa ba lê, quay cuồng nghiêng ngửa trong gió, lá lật mặt trong xanh non, mặt trước xanh đậm như chong chóng rồi bứt ra từng nắm văng đi khắp chốn. Bạch đàn, cam, táo... trong vườn cũng vật vã trong gió bão, mưa theo gió lúc ràn rạt ném xuống, lúc dồn vào như hắt nước vào mặt người ta. Chỉ có khóm tre là kiên gan nhất, gió chiều nào tre ngả theo chiều ấy, gió níu ghì xuống, ép xuống sát đất, rồi tre lại ngóc lên, lá tre với cành nhỏ thì không chịu nổi, bị rơi rụng nhưng thân tre thì kiên gan và vững vàng.

Mưa bão đến, xót nhất là lúa chín mà chưa kịp gặt. Dù biết “xanh nhà hơn già đồng”, nhưng thời trước chưa có máy gặt, gặt chạy bão bỏ cả ăn cũng không kịp. Mưa bão đến, cả ruộng lúa chín vàng thơm nay đổ rạp xuống ruộng. Có gặt gỡ cũng chả được mấy hạt vì gió giật, mưa rung làm hạt thóc mẩy lìa bông mất rồi. Lúa bị ngâm trong nước, không được hong khô, rất nhanh mọc mầm.

Ngày bé ngây ngô, khi bão xong lũ trẻ được đi chơi trong cảnh hoang tàn của cây đổ lá rụng, đi nhặt bưởi rụng làm bóng đá, ra gốc tre tìm nhặt cò non hay trứng cuốc, trứng cò. Đi lần cả những vũng nước mưa đọng gần ao xem có cá tôm ngược nước lên không. Chẳng để ý gì đến nỗi buồn của người lớn.

Ảnh: Nguồn Internet

Ảnh: Nguồn Internet

Giờ bão về, chỉ thấy lo âu, thương người dân đi biển, nuôi trồng hải sản. Chỉ mấy tiếng đồng hồ là công sức nuôi ngao bao ngày trôi theo nước, hòa nước mưa còn mặn. Nước biển sẽ mặn hơn khi có cả nước mắt và vị mồ hôi của con người. Mưa to rồi gây lũ, sạt lở đất ở vùng cao, hiểm nguy từ thiên nhiên theo về cùng bão gió.

Còn đó ruộng vườn, cây trái, còn ruộng rau, luống hoa sắp đến kỳ thu hoạch mang theo hy vọng về khoản tiền học cho con, tiền mua thuốc chữa bệnh cho mẹ già. Giờ bão về thấy thấp thỏm lo âu...

Đời người cũng nhiều khi gặp bão, những cơn bão lòng có thể làm cho tâm hồn tơi tả. Thì mong sao hãy luôn mềm mại, dẻo dai như cây tre trước giông bão cuộc đời.

Trước bão, liệu con người ta có nhìn thấy hậu quả của lòng tham, sự tàn phá vô độ của con người đối với mẹ thiên nhiên, làm trái đất nóng lên, nước biển sôi lên, và bây giờ là cơn giận của người mẹ hòng cảnh tỉnh loài người.

Hãy kiểm soát mình trước khi mọi chuyện càng thêm tồi tệ.

Phạm Minh Tuấn

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/bao-32817.htm