Báo cáo Bộ Chính trị cho phép TPHCM thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội
Chính phủ nêu điều này khi báo cáo tổng kết Thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển TPHCM.
Chi thu nhập tăng thêm 21.529 tỷ đồng
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sau 5 năm thực hiện các thí điểm đã ghi nhận một số kết quả nổi bật. Ngoại trừ các năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, kinh tế thành phố liên tục tăng trưởng cao, bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016 - 2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011 - 2015.
Sau khi kinh tế thành phố tăng trưởng chậm lại ở mức 1,39% trong năm 2020 và suy giảm -6,78% trong năm 2021 do tác động của dịch Covid-19, những tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận sự phục hồi với tăng trưởng quý I đạt 1,87%, quý II đạt 5,73%, bình quân 6 tháng đạt 3,82%.
Tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP tăng qua các giai đoạn (bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 32,29%, cao hơn so với mức 31,07% bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011 - 2015).
Dẫn đánh giá của TP, Bộ trưởng Tài chính phản ánh, với việc thực hiện các quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14, tiến độ triển khai các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn so với việc phải trình các cơ quan Trung ương thẩm định. Việc nâng hạn mức huy động vốn cho phép TP chủ động phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài để bổ sung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển.
Cùng với đó, việc được chủ động, xem xét chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10ha đất trồng lúa giúp rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đảm bảo việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt có hiệu quả, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của TP.
Đáng chú ý, TP nhận định, chính sách chi thu nhập tăng thêm được thực hiện công khai, minh bạch, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, củng cố và nâng cao chất lượng bộ máy Nhà nước trên các lĩnh vực. Tổng kinh phí chi thu nhập tăng thêm của TP là 21.529 tỷ đồng, trong đó năm 2018 là 2.816 tỷ đồng; năm 2019 là 7.637 tỷ đồng; năm 2020 là 4.265 tỷ đồng, năm 2021 là 6.811 tỷ đồng.
Trong năm 2020, để chủ động ứng phó với dịch Covid-19 và duy trì sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội trong giai đoạn phòng dịch, UBNDTP đã điều chỉnh giảm hệ số tăng thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức nhằm chia sẻ khó khăn với đồng bào, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong giai đoạn phòng, chống dịch. Hệ số tăng thu nhập tối đa theo đó giảm từ 1,2 lần xuống còn 0,5 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ với cán bộ, công chức, viên chức có hệ số lương trên 3,00. Mức điều chỉnh với cán bộ, công chức, viên chức có hệ số lương từ 3,00 trở xuống giảm còn 0,8 lần.
Thời gian tới, TP kiến nghị tiếp tục cho phép áp dụng chính sách chi thu nhập tăng thêm, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, thu hẹp khoảng cách về tiền lương giữa khu vực công với khu vực tư nhân.
TP sẽ bổ sung một số giải pháp đánh giá, phân loại công chức, viên chức hàng quý, hàng năm, đảm bảo việc thực hiện khách quan, công khai, minh bạch.
Gia hạn thí điểm Nghị quyết 54 thêm một năm
Dù vậy ghi nhận những kết quả tích cực, song quá trình triển khai nghị quyết cũng còn hạn chế, vướng mắc. Nhiều nội dung triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14 chậm so với kế hoạch, như các cơ chế điều chỉnh chính sách thu, thực hiện cổ phần hóa, thu từ sắp xếp nhà đất của các cơ quan Trung ương, chi ứng vốn cho các dự án Trung ương trên địa bàn...
Một số cơ chế tuy đã được thực hiện, nhưng hiệu quả còn thấp, như chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt chưa áp dụng được nhiều. Ông Phớc chỉ ra, cơ chế tài chính đặc thù nhằm giúp TP có điều kiện huy động thêm nguồn lực để giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, cải thiện môi trường đầu tư... nhưng trong giai đoạn 2018 - 2022, mới chỉ có nguồn từ thưởng và đầu tư trở lại từ NSTW (1.654 tỷ đồng), thu từ cổ phần hóa và thoái vốn (1.786,6 tỷ đồng), phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (2.800 tỷ đồng), nguồn Chính phủ vay ngoài nước cho TP vay lại (11.387,3 tỷ đồng), thu được từ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp (132,6 tỷ đồng). Nhiều nguồn có tiềm năng, có số thu lớn chưa được triển khai thực hiện, như cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước do việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp; thu khai thác tài sản và từ đất đai...
Trong khi đó, một số cơ chế chính sách chưa được quy định cụ thể hoặc đang phải chờ văn bản hướng dẫn nên triển khai chậm (các nội dung ủy quyền). Công tác hướng dẫn thực hiện quy định đánh giá, phân loại để chi trả thu nhập tăng thêm chưa theo kịp với tình hình thay đổi của thực tiễn.
Bài học được rút ra, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, là bên cạnh bám sát các định hướng, cần căn cứ yêu cầu phát triển của thực tiễn, nghiên cứu, đánh giá kỹ các mặt thuận lợi, khó khăn, đòi hỏi về nguồn lực trong tổ chức thực hiện để đề xuất cơ chế, chính sách cho phù hợp, đảm bảo khả thi.
Vẫn theo ông Phớc, cần có sự chuẩn bị phương án, giải pháp, lộ trình triển khai phù hợp nhằm phát huy tối đa cơ chế, chính sách mới, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện để đạt được kết quả tốt nhất.
Trên cơ sở đề xuất của UBND TPHCM, để góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP với mục tiêu "Xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước", Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép TPHCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 đến hết ngày 31-12-2023, đồng thời đưa nội dung này vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Chính phủ cũng yêu cầu TPHCM đánh giá tổng kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10-8-2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 và kết quả thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, báo cáo Bộ Chính trị cho phép TP thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để đáp ứng yêu cầu phát triển của TP trong thời gian tới.