Báo cáo lợi nhuận tích cực bị lu mờ bởi triển vọng không chắc chắn về thuế quan

Sau khi mùa báo cáo lợi nhuận quý I sắp kết thúc, tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng khi triển vọng không chắc chắn đối với nền kinh tế toàn cầu đang thay thế kết quả tốt hơn kỳ vọng.

Các tập đoàn trên khắp Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đang rút lại dự báo triển vọng tích cực cho năm nay hoặc đưa ra triển vọng ảm đạm, viện dẫn chi phí tăng, tâm lý người tiêu dùng suy yếu và thiếu niềm tin kinh doanh do ảnh hưởng của căng thẳng thương mại.

Scott Ladner, Giám đốc đầu tư tại Horizon Investments LLC cho biết: "Mùa báo cáo này không phải là về các con số, mà là về câu chuyện…Không ai quan tâm đến những gì chúng ta đã làm trong quý đầu năm ngoài việc xác định điểm khởi đầu cho nền kinh tế thuế quan mới".

Theo Bloomberg Intelligence, tại Mỹ, chỉ số phản ánh tỷ lệ các công ty thuộc chỉ số S&P 500 đã tăng triển vọng lợi nhuận so với những công ty giữ nguyên hoặc giảm đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ ít nhất năm 2010, ngay cả khi các công ty thuộc S&P 500 đã ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận gấp đôi dự kiến trong quý đầu năm.

Trong khi đó, tại châu Âu, kỳ vọng của các nhà phân tích về tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2025 đã chậm lại mạnh nhất kể từ đại dịch Covid, ngay cả khi các công ty thuộc chỉ số MSCI châu Âu công bố mức tăng trưởng lợi nhuận 5%, vượt qua mức giảm dự kiến 1,5%, cho thấy tác động của thuế quan vẫn chưa được phản ánh đầy đủ.

Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy tại Trung Quốc, dự báo lợi nhuận chỉ số CSI 300 đã giảm 1,7% so với mức đỉnh vào khoảng cuối tháng 3. Các nhà đầu tư phần lớn trước đó đều kỳ vọng triển vọng sẽ không mấy khả quan trong quý đầu năm, trong khi đòn đánh thuế quan của Tổng thống Trump đã làm phức tạp thêm quá trình phục hồi mới chớm nở của lợi nhuận doanh nghiệp.

“Chúng ta đang ở chế độ chờ đợi và quan sát nhiều hơn đối với bức tranh lợi nhuận của Trung Quốc, đặc biệt là vì lạm phát trong nước vẫn còn khá thấp và cho thấy áp lực giảm liên tục đối với sức mạnh định giá của doanh nghiệp”, Homin Lee, chiến lược gia vĩ mô cấp cao tại Lombard Odier cho biết.

Trong khi đó, thị trường cổ phiếu đã có một đợt phục hồi ngoạn mục, phần lớn là nhờ sự tạm lắng trong căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Chỉ số S&P 500 đã tăng 20% so với mức thấp nhất được ghi nhận vào ngày 8/4, Chỉ số Hang Seng China Enterprises đã tăng 14% trong cùng kỳ và Chỉ số Stoxx 600 đã tăng 17% so với mức thấp nhất vào ngày 9/4.

“Các công ty đang làm những gì họ nên làm, lập kế hoạch cho các kịch bản khác nhau theo các chế độ thuế quan và kinh tế khác nhau, và các nhà đầu tư đang khen thưởng cả các ban điều hành thận trọng và các công ty ít chịu ảnh hưởng của thuế quan và có sức mạnh tăng trưởng lợi nhuận dài hạn”, Julian Emanuel, chiến lược gia trưởng về định lượng và cổ phiếu tại Evercore ISI cho biết.

Ảnh hưởng của thuế quan

Thực tế, không có ngành nào an toàn trước mối đe dọa từ mức thuế quan cao hơn đang rình rập, từ các nhà bán lẻ, hãng hàng không và công ty du lịch, đến các nhà sản xuất công nghiệp, công ty thiết bị y tế và nhà sản xuất sô cô la.

Nhà bán lẻ lớn nhất thế giới Walmart cho biết họ có thể sớm phải tăng giá, công ty thiết bị nông nghiệp Deere & Co. dự kiến mức thuế sẽ tác động 500 triệu USD đến chi phí trong năm tài chính 2025 và Expedia Group dự kiến nhu cầu du lịch tại Mỹ sẽ suy yếu.

Alibaba của Trung Quốc đã báo cáo mức tăng trưởng doanh thu suy yếu, Daimler Truck của Đức đã hạ thấp mục tiêu bán hàng và lợi nhuận trong năm, báo hiệu các đơn đặt hàng yếu hơn ở Bắc Mỹ và chi phí phụ tùng cao hơn do thuế quan.

Phân tích của Bloomberg về các hướng dẫn đưa ra trong báo cáo lợi nhuận quý I của các công ty thuộc S&P 500 và Stoxx 600 cho thấy các đề cập đến thuế quan đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong mùa báo cáo này và cao hơn nhiều so với cuộc chiến thương mại đầu tiên của Tổng thống Trump vào năm 2018.

Các đề cập về thuế quan tăng vọt

Các đề cập về thuế quan tăng vọt

Điểm nhấn trong giai đoạn này là sự thể hiện tương đối mạnh mẽ từ các công ty công nghệ, đặc biệt là các công ty trí tuệ nhân tạo được định giá cao. Báo cáo lợi nhuận quý I của Magnificent 7 đã xoa dịu nỗi lo về sự sụt giảm lợi nhuận do thuế quan.

Aaron Clark, đối tác tại GW&K Investment Management cho biết, điểm đáng chú ý nhất của mùa báo cáo lợi nhuận quý I là khả năng phục hồi của các công ty đang đẩy mạnh vào trí tuệ nhân tạo, đối với ông, đây là "tín hiệu chấp nhận rủi ro".

Tại châu Âu, kết quả từ các công ty công nghệ khổng lồ không đồng đều. Lượng đặt hàng của nhà sản xuất thiết bị chip ASML gây thất vọng mặc dù công ty cho biết nhu cầu liên quan đến AI vẫn mạnh. Mặt khác, công ty phần mềm SAP SE của Đức đã báo hiệu nhu cầu phục hồi đối với phần mềm dựa trên đám mây bất chấp sự bất ổn thương mại ngày càng gia tăng.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/bao-cao-loi-nhuan-tich-cuc-bi-lu-mo-boi-trien-vong-khong-chac-chan-ve-thue-quan-post369489.html