Báo cáo quan trọng cuối cùng trước cuộc họp Fed và loạt sự kiện nóng sẽ thử thách NĐT tuần này
Mọi đường đi nước bước của Fed đều nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Sau báo cáo việc làm mạnh mẽ hồi tuần trước, các nhà đầu tư sẽ chuyển trọng tâm chú ý đến một báo cáo lạm phát quan trọng.
Dữ liệu lạm phát tuần này có thể sẽ thử thách lòng can đảm của các nhà đầu tư sau báo cáo việc làm mạnh mẽ hồi tuần trước và trong bối cảnh các chính sách của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vẫn hết sức khó đoán.
Bên cạnh đó, mùa báo cáo kết quả kinh doanh tại Mỹ sẽ bắt đầu vào giữa tuần và giá dầu đang ở mức cao nhất trong nhiều tháng khi thị trường năng lượng chuẩn bị cho tình trạng gián đoạn nguồn cung. Cả hai sự kiện cũng có thể tác động đến các giao dịch chứng khoán tuần này.
Dữ liệu lạm phát của Mỹ
Trong bối cảnh lạm phát có nguy cơ trỗi dậy, một trong những rủi ro chính mà thị trường chứng khoán Mỹ phải đối mặt tuần này là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến sẽ công bố vào ngày 15/1. Theo Investing.com, các nhà kinh tế dự đoán CPI tháng 12/2024 đã tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tự tin rằng giá cả đã hạ nhiệt và bắt đầu hạ lãi suất từ tháng 9/2024, lạm phát thực tế vẫn cao hơn hẳn mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương này. Hiện tại, Fed ước tính lạm phát sẽ giảm còn 2,5% vào cuối năm 2025.
Biên bản cuộc họp tháng 12/2024 của Fed cho thấy các quan chức lo ngại rằng loạt chính sách thương mại và nhập cư của ông Trump có thể cản trở cuộc chiến chống lạm phát của họ.
Trước đó, báo cáo việc làm mạnh mẽ hồi cuối tuần trước đã khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ. Nền kinh tế Mỹ tạo ra 256.000 việc làm mới trong tháng 12/2024, cao hơn nhiều so với dự báo 160.000 việc làm và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4,1%.
Sau bản báo cáo, thị trường đã lùi kỳ vọng về đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo của Fed sang tháng 6. Báo cáo CPI tháng 12/2024 nhiều khả năng cũng có thể khiến nhà đầu tư đứng ngồi không yên.
Mùa báo cáo tài chính bắt đầu
Một số gã khổng lồ ngân hàng Mỹ sẽ bắt đầu công bố báo cáo tài chính quý IV vào ngày 15/1, trong đó bao gồm JPMorgan Chase, Wells Fargo, Citigroup và Goldman Sachs.
Hai ông lớn Bank of America và Morgan Stanley “nối gót” theo sau, dự kiến công bố kết quả kinh doanh vào ngày 16/1.
Các yếu tố thuận lợi, chẳng hạn như phí giao dịch tăng trưởng mạnh mẽ, được kỳ vọng sẽ tạo nên một mùa báo cáo tài chính tích cực cho các ngân hàng Mỹ.
Kết quả kinh doanh của các ngân hàng cũng được thúc đẩy sau chiến thắng của ông Trump. Vị tổng thống đắc cử dự kiến sẽ nới lỏng đáng kể quy định và thực hiện cải cách thuế có lợi cho doanh nghiệp, qua đó có thể cải thiện lợi nhuận của các ngân hàng.
Theo dữ liệu của LSEG, lợi nhuận của các công ty thuộc chỉ số S&P 500 dự kiến sẽ tăng gần 10% trong quý IV so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát của Anh
Sau đợt bán tháo trái phiếu chính phủ Anh vào tuần trước, các nhà đầu tư có thể sẽ chú ý đến dữ liệu lạm phát của nước này vào ngày 15/1. Đợt bán tháo đã gây áp lực lên chính phủ mới giữa lúc họ đang tìm cách để kích thích nền kinh tế trì trệ.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Anh liên tục tăng kể từ tháng 9/2024. Điều này chứng tỏ nhà đầu tư đã bớt kỳ vọng về các đợt hạ lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và dự đoán chính phủ mới sẽ phải vay thêm nợ để chi tiêu.
Các nhà kinh tế dự đoán CPI tháng 12/2024 của Anh tăng 2,6% so với một năm trước, nhìn chung vẫn cao hơn mục tiêu 2% của BoE.
Ngoài báo cáo lạm phát, bình luận của các quan chức BoE cũng có thể thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Phó Thống đốc Sarah Breeden dự kiến sẽ phát biểu vào ngày 14/1 và thành viên ủy ban hoạch định chính sách Alan Taylor sẽ có bài phát biểu một ngày sau đó.
Dữ liệu kinh tế của Trung Quốc
Trung Quốc sẽ công bố một loạt dữ liệu mới vào cuối tuần này, giúp các nhà đầu tư có cơ hội đánh giá tình trạng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trước rủi ro bị chính quyền ông Trump đánh thuế quan.
Vào ngày 17/1, Bắc Kinh sẽ công bố dữ liệu GDP mới. Khả năng cao là nền kinh tế Trung Quốc đã hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là 5%, như Chủ tịch Tập Cận Bình từng tuyến bố vào cuối tháng 12/2024.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng sẽ công bố dữ liệu về giá nhà, sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ.
Hôm 10/1, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Liao Min cho biết Bắc Kinh có đủ dư địa chính sách tài khóa và công cụ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm nay. Ông tiết lộ Bắc Kinh sẽ tăng cường chi tiêu để thúc đẩy đầu tư.
Các lệnh trừng phạt dầu Nga
Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu đã tăng hơn 3% lên mức cao nhất trong ba tháng trong bối cảnh thị trường chuẩn bị cho tình trạng gián đoạn nguồn cung sau khi Mỹ mở rộng biện pháp trừng phạt vào doanh thu dầu khí của Nga.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã áp đặt lệnh trừng phạt mới nhắm vào các nhà sản xuất, tàu chở dầu, trung gian, thương nhân và cảng dầu Nga nhằm mục đích đánh vào mọi giai đoạn trong chuỗi sản xuất và phân phối dầu của Moscow.
Thời điểm ông Biden ban hành các lệnh trừng phạt mới - ngay trước lễ nhậm chức của ông Trump - khiến thị trường đồn đoán rằng chủ nhân Nhà Trắng tương lai sẽ duy trì chính sách của người tiền nhiệm và sử dụng chúng như một công cụ đàm phàn cho thỏa thuận hòa bình Nga - Ukraine.