Báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc xuất khẩu wolfram- đa kim Núi Pháo
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương, Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và UBND tỉnh Thái Nguyên về việc xuất khẩu tinh quặng đồng tồn kho.
Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Tư pháp và UBND tỉnh Thái Nguyên báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xuất khẩu này có đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật không, và có phát sinh dư luận không; Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2-2020.
Trước đó, ngày 15-11-2019, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị xuất khẩu tinh quặng đồng tồn kho của mỏ wolfram- đa kim Núi Pháo, tỉnh Thái Nguyên; ngày 17-12-2019, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng có văn bản đề nghị việc này.
Theo Thông tư 41/2012 của Bộ Công Thương, tinh quặng đồng của Công ty TNHH khai thác khoáng sản Núi Pháo (công ty Núi Pháo) có hàm lượng đồng (Cu) lớn hơn hoặc bằng 20% được phép xuất khẩu đến hết năm 2015.
Từ năm 2016 đến nay, do không được xuất khẩu, Công ty Núi Pháo đã tìm kiếm khách hàng trong nước, đàm phán với nhiều doanh nghiệp có nhà máy luyện đồng, như: Tổng công ty khoáng sản TKV, Công ty CP sản xuất và thương mại hóa chất An Phú, Công ty CP Tứ Đỉnh... để tiêu thụ, nhưng do các doanh nghiệp đã chủ động được nguồn nguyên liệu hoặc công nghệ luyện đồng không phù hợp với quặng có lưu huỳnh cao, nên không có nhu cầu.
Còn theo UBND tỉnh Thái Nguyên, đến giữa tháng 7-2019, tồn kho của Công ty Núi Pháo là 94.539 tấn tinh quặng đồng.
Công ty Núi Pháo được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác mỏ quặng wonfram – đa kim Núi Pháo vào tháng 9-2010 với trữ lượng hơn 83 triệu tấn quặng wonfram và khoáng sản đi kèm, công suất 3,5 triệu tấn quặng/năm.
UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận đầu tư của dự án với tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng, chưa bao gồm dự án tinh luyện wonfram. Dự án hoàn thành và đi vào sản xuất từ tháng 8-2013, sản phẩm của dự án là Ôxit Vonfram, tinh quặng đồng, Fluorspar cấp acid và Bismuth xi măng.
Năm 2014, Công ty Núi Pháo liên doanh với một công ty của Đức đầu tư nhà máy chế biến sâu wolfram tổng mức đầu tư 769 tỷ đồng. Năm 2018, công ty đã mua lại 49% vốn góp của công ty này để thành công ty TNHH wonfram 100% vốn trong nước.