Báo cáo thường niên theo TT09 là bước cải tiến, phù hợp với thông lệ quốc tế

Báo cáo thường niên theo Thông tư 09 phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp các bên liên quan tiếp cận thông tin dễ dàng hơn.

Thông tư số 09/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định công khai đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có hiệu lực từ ngày 19/7/2024 và thay thế Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 về quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

So với Thông tư số 36, Thông tư số 09 có nhiều điểm mới, trong đó có việc thực hiện báo cáo thường niên, giúp cơ sở giáo dục thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện công khai.

Bố cục tường minh, phù hợp với thông lệ quốc tế

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quốc Bình - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: "Xét về tổng thể, Thông tư số 09 có sự khác biệt về triết lý so với Thông tư số 36. Thông tư số 09 có định hướng rất rõ ràng về các tiêu chí đảm bảo chất lượng của cơ sở giáo dục đại học; còn Thông tư số 36 hiên về kê khai các dữ liệu cụ thể".

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quốc Bình - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). (Ảnh: website nhà trường)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quốc Bình - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). (Ảnh: website nhà trường)

Về hình thức, Thông tư số 36 yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học thực hiện 5 biểu mẫu báo cáo (cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên cơ hữu, tài chính, quy mô đào tạo, cam kết chất lượng đào tạo của cơ sở). Còn với Thông tư số 09, cơ sở giáo dục sử dụng 1 báo cáo thường niên (trong đó đã bao gồm các thông tin về hoạt động của nhà trường cần báo cáo).

Thầy Bình cho rằng, đối với cơ sở giáo dục đại học, Thông tư số 09 đã giảm thông tin cần kê khai nhưng vẫn đảm bảo để các bên liên quan có đủ thông tin về hoạt động của cơ sở giáo dục.

Theo đó, những thông tin cụ thể, chi tiết về luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, cán bộ giảng dạy không thực sự hữu ích với đa số các bên liên quan đã lược bỏ trong Thông tư số 09. Các dữ liệu thống kê, tổng hợp được chú trọng hơn, giúp xã hội, từ phụ huynh đến các chuyên gia giáo dục đều dễ dàng thấy được bức tranh toàn cảnh về hoạt động của cơ sở giáo dục đại học trong năm học.

"Việc trình bày thông tin dưới dạng báo cáo thường niên là một cải tiến vì phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp các bên liên quan tiếp cận thông tin dễ dàng hơn; bên cạnh việc cung cấp dữ liệu, các cơ sở giáo dục đại học cũng cần rà soát, đánh giá về tình hình hoạt động trong năm học, làm cơ sở để định hướng phát triển trong những năm học tiếp theo", thầy Bình cho biết.

Cùng chia sẻ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc thay thế Thông tư số 36 bằng Thông tư số 09 cho thấy cách sắp xếp khoa học trong hệ thống các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cụ thể, thay vì lập 5 báo cáo riêng lẻ, nhà trường chỉ cần lập một báo cáo thường niên, giúp giảm khối lượng công việc và tiết kiệm thời gian, tránh việc trùng nội dung trong các báo cáo và tăng cường hiệu quả thu thập, khai thác, sử dụng thông tin hợp lý hơn.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: website nhà trường)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: website nhà trường)

"Việc thực hiện công khai trên cổng thông tin điện tử tối thiểu là 05 năm kể từ ngày công bố công khai cho phép nhà trường so sánh số liệu giữa các năm, dễ dàng theo dõi, đánh giá hiệu quả các hoạt động và cải tiến nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời các dữ liệu này phục vụ rất tốt cho công tác tự đánh giá và kiểm định chất lượng theo chu kỳ 5 năm của nhà trường", thầy Thắng chia sẻ.

Đối với người học, thông qua báo cáo thường niên, nhà trường cung cấp thông tin chi tiết, nhất quán về mọi hoạt động, từ đó giúp người xem dễ dàng theo dõi sự phát triển và tiến bộ từ chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất đến hoạt động nghiên cứu khoa học của trường.

Đối với nhà quản lý, từ báo cáo thường niên của nhà trường, cơ quan quản lý có thể thuận tiện trong việc thanh, kiểm tra và ra quyết định chiến lược nâng cao hiệu quả quản lý và giám sát, góp phần xác định chất lượng giáo dục và uy tín của nhà trường.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét, Thông tư số 09 được bố cục tường minh, rõ và gọn hơn Thông tư số 36.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website nhà trường)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website nhà trường)

"Với Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, căn cứ vào báo cáo thường niên của trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công thương có thể giám sát, kiểm tra và thanh tra hoạt động của nhà trường; cán bộ, giảng viên, người lao động, người học, gia đình và xã hội biết và tham gia giám sát các hoạt động của các cơ sở giáo dục.

Báo cáo thường niên giúp cơ sở giáo dục lưu trữ dữ liệu quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, tổng hợp, phân tích và đánh giá được xu hướng phát triển; xây dựng và điều chỉnh chiến lược phát triển, kế hoạch để duy trì, cải tiến các chỉ số hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng; nâng cao năng lực cạnh tranh; thu hút nguồn lực từ các bên liên quan và đảm bảo sự phát triển bền vững cho cơ sở giáo dục", thầy Hoàn chia sẻ.

Báo cáo thường niên với thông tin được tổ chức một cách rõ ràng giúp người đọc dễ tiếp cận và hiểu, tiết kiệm thời gian, không phải tra cứu và tổng hợp nhiều tài liệu khác nhau. Mặt khác, báo cáo thường niên là yếu tố giúp người đọc, đặc biệt là những người đang tìm kiếm ngành học có cái nhìn toàn diện và chính xác về trường. Từ đó giúp người học đưa ra quyết định học tập dựa trên các thông tin về chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất, hoạt động nghiên cứu, tài chính, môi trường học tập.

Báo cáo thường niên là cơ sở để doanh nghiệp hiểu rõ hơn về chất lượng đào tạo, năng lực của người học và tiềm năng hợp tác. Điều này hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đưa ra quyết định tuyển dụng chính xác, xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược, và tối ưu hóa nguồn nhân lực từ các trường đại học.

Định hướng cải thiện công tác quản lý và phát triển đội ngũ giảng viên

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong khi Thông tư số 36 chỉ yêu cầu thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu, thì Thông tư số 09 yêu cầu nêu chỉ số đánh giá về đội ngũ giảng viên toàn thời gian (Tỷ lệ người học quy đổi trên giảng viên; Tỷ lệ giảng viên cơ hữu trong độ tuổi lao động; Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ); thống kê đội ngũ giảng viên toàn thời gian theo lĩnh vực đào tạo gồm giảng viên toàn thời gian và giảng viên cơ hữu trong độ tuổi lao động.

Về điểm mới này, thầy Bình cho rằng, các chỉ số đánh giá về đội ngũ giảng viên toàn thời gian là những chỉ số hiện đại trong đảm bảo chất lượng, là chỉ số mà cơ sở giáo dục đại học hiện nay phải thu thập, phân tích, đánh giá hàng năm.

"Đội ngũ cán bộ giảng viên cơ hữu tuy đóng vai trò quan trọng nhưng không phải là duy nhất đối với cơ sở giáo dục đại học, các cán bộ thỉnh giảng cũng có nhiều đóng góp cho đa dạng hóa nguồn tri thức, kết nối trường đại học với các tổ chức, doanh nghiệp và với thị trường lao động. Việc đồng nhất thông tin với hệ thống HEMIS cũng là điểm tích cực, giúp giảm bớt công việc kê khai cho cơ sở giáo dục đại học và làm cho thông tin có tính nhất quán cao hơn", thầy Bình chia sẻ.

Trong khi đó, theo thầy Thắng, việc chi tiết hóa các chỉ số đánh giá về đội ngũ giảng viên toàn thời gian có ý nghĩa và tầm quan trọng rất lớn đối với việc đảm bảo chất lượng đào tạo. Với việc đề cập đến các chỉ số đánh giá về đội ngũ giảng viên toàn thời gian sẽ đảm bảo rằng giảng viên không bị quá tải và có thể tập trung vào việc hướng dẫn, hỗ trợ người học hiệu quả.

 Sinh viên Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) trong buổi học tập thực tế. (Ảnh: website nhà trường)

Sinh viên Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) trong buổi học tập thực tế. (Ảnh: website nhà trường)

Chỉ số đánh giá tỷ lệ giảng viên cơ hữu trong độ tuổi lao động và có trình độ tiến sĩ giúp đảm bảo năng lực và trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên, từ đó giúp nhà trường có chính sách thích hợp để nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu.

Còn việc báo cáo thường niên yêu cầu có thống kê đội ngũ giảng viên toàn thời gian theo lĩnh vực đào tạo giúp nhà trường nhận diện rõ những lĩnh vực mạnh và yếu, từ đó có chiến lược tuyển dụng và phát triển đội ngũ giảng viên phù hợp với nhu cầu đào tạo.

Các chỉ số đánh giá về đội ngũ giảng viên toàn thời gian cung cấp thông tin chính xác để định hướng cải thiện công tác quản lý và phát triển đội ngũ giảng viên, từ việc phân công giảng dạy đến đánh giá hiệu quả công việc, đồng thời tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

"Việc thống kê giảng viên toàn thời gian theo lĩnh vực đào tạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ sở giáo dục trong việc ký hợp đồng lao động chuyên môn (được quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập) để bổ sung đội ngũ giảng viên cho cơ sở giáo dục.

Theo tôi, việc đưa các chỉ số đánh giá đội ngũ giảng viên vào báo cáo thường niên là hợp lý, là cơ sở để các trường dễ dàng thực hiện công tác quản lý đào tạo, thể hiện tính thống nhất với hệ thống HEMIS. Sự thống nhất này giúp cơ sở đào tạo có nhiều cơ hội thu nhận thông tin nhằm đưa ra chính sách tối ưu cho công tác quản lý đào tạo", thầy Thắng chia sẻ.

Đồng tình với những quan điểm trên, thầy Hoàn cho hay, việc bổ sung thêm thông tin về đội ngũ giảng viên toàn thời gian giúp lãnh đạo nhà trường nắm bắt tình hình, kịp thời đưa ra các giải pháp, tranh thủ các nguồn lực để xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu nhằm đáp ứng yêu cầu về số lượng, trình độ và quỹ thời gian để bảo đảm chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.

Quy định mới nhằm đảm bảo rằng nhà trường luôn có đội ngũ giảng viên có đủ thời gian và nguồn lực để cải thiện chất lượng, tăng tính tương tác, hỗ trợ và đáp ứng được ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của người học.

"Việc đồng nhất thông tin với hệ thống HEMIS không chỉ giúp nhà trường thực hiện báo cáo và quản lý thông tin dễ dàng hơn mà còn đảm bảo tính chính xác và minh bạch của dữ liệu. Báo cáo thường niên có thể sẽ là một dữ liệu quan trọng để Bộ Giáo dục và Đào tạo giám sát và đánh giá chất lượng giáo dục đại học", thầy Hoàn chia sẻ.

Tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình

Thông tư số 09 yêu cầu cơ sở giáo dục phải thống kê đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên khối hành chính và hỗ trợ.

Thầy Hoàn cho rằng, việc thống kê đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên hỗ trợ giúp lãnh đạo nhà trường đưa ra kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực nhằm đảm bảo quy mô người học mà trường đang đào tạo.

Thực hiện thống kê đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên khối hành chính và hỗ trợ giúp nhà trường đánh giá, cải thiện chất lượng dịch vụ hỗ trợ cho người học và giảng viên, bao gồm các dịch vụ như tư vấn học tập, hỗ trợ kỹ thuật, quản lý sinh viên và các dịch vụ hỗ trợ khác.

"Việc thống kê đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên hỗ trợ trong báo cáo thường niên không chỉ giúp tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của nhà trường, mà còn hỗ trợ quá trình thu thập thông tin, đánh giá và giám sát của xã hội cũng như các cơ quan quản lý giáo dục, đảm bảo rằng nhà trường hoạt động đúng quy định và hướng tới sự phát triển bền vững. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các trường đại học ngày càng tự chủ và cần quản lý hiệu quả các nguồn lực. Hơn nữa, quy định cũng cho phép xã hội và các bên liên quan đưa ra phản hồi và góp ý, giúp nhà trường cải tiến và hoàn thiện hệ thống quản lý và các dịch vụ hỗ trợ", thầy Hoàn chia sẻ.

Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang cho rằng, quy định này có thể nhằm thực hiện nội dung về xác định vị trí việc làm và số lượng người làm việc quy định tại Nghị định số 106/2020/NĐ-CP của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; các cơ sở giáo dục cần phải “Bảo đảm cơ cấu hợp lý, trong đó số lượng người làm việc tại các vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung chiếm tỉ lệ tối thiểu 65% tổng số lượng người làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập” (trích Khoản 5, Điều 3, Nghị định 106).

"Việc thống kê đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên khối hành chính và hỗ trợ sẽ cung cấp thông tin làm cơ sở để công tác đánh giá, giám sát của xã hội và các nhà quản lý được tốt hơn, nhất là về số lượng vị trí việc làm và tính hợp lý của từng vị trí việc làm tại cơ sở đào tạo", thầy Thắng chia sẻ.

 Sinh viên Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh trong tiết học. (Ảnh: website nhà trường)

Sinh viên Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh trong tiết học. (Ảnh: website nhà trường)

Thầy Bình thì cho rằng, đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên khối hành chính và hỗ trợ là những nhân tố quan trọng trong cơ sở giáo dục đại học, nhất là các trường đại học định hướng nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Vì vậy, thông tin đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên khối hành chính và hỗ trợ là cần thiết cho các bên liên quan của trường đại học.

Thông tư số 09 yêu cầu hoạt động khoa học công nghệ nêu rõ các chỉ số đánh giá, các đề tài nghiên cứu khoa học thực hiện trong năm, kết quả công bố khoa học, công nghệ.

Theo thầy Bình, việc giám sát, công khai, minh bạch các thông tin về hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là những chỉ số chính giúp xã hội đánh giá về vị thế, nguồn lực và chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học.

"Thực tế là hiện nay, các trường đại học đang cạnh tranh mạnh mẽ về các chỉ số hoạt động khoa học và công nghệ. Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) kế thừa truyền thống từ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, có vị thế là cơ sở giáo dục hàng đầu của Việt Nam về nghiên cứu và đào tạo khoa học cơ bản, do đó nhà trường luôn chú trọng đến việc thu thập, phân tích và công khai kết quả hoạt động khoa học và công nghệ, cả về khía cạnh số lượng và chất lượng", thầy Bình chia sẻ.

Trong khi đó, thầy Thắng bày tỏ, kế hoạch năm học và báo cáo tổng kết năm học hàng năm của nhà trường đều thể hiện nội dung về hoạt động khoa học và công nghệ. Trong đó, các chỉ số KPIs về hoạt động khoa học và công nghệ, đề tài/dự án các cấp, bài báo khoa học trong nước và quốc tế, sách xuất bản, báo cáo hội nghị, hội thảo,... đều được đăng ký, đánh giá. Thêm vào đó, từ khi nhà trường là thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, các chỉ số KPIs càng được kiểm soát và đánh giá hằng năm nghiêm ngặt hơn.

"Trong bối cảnh tự chủ, lãnh đạo nhà trường đặc biệt chú trọng, đẩy mạnh và đầu tư nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ để gia tăng nguồn thu. Để đạt các chỉ số đánh giá về hoạt động khoa học và công nghệ, nhà trường đã nâng cao chất lượng đội ngũ, thành lập các nhóm nghiên cứu tiềm năng, nghiên cứu mạnh, nghiên cứu liên ngành", thầy Thắng chia sẻ.

Còn thầy Hoàn cho rằng, trong bối cảnh các trường đang tự chủ và cần gia tăng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của liêm chính khoa học, các thông tin về chỉ số đánh giá, đề tài nghiên cứu khoa học thực hiện trong năm, kết quả công bố khoa học, công nghệ trong báo cáo thường niên giúp lãnh đạo nhà trường nhận diện được những khó khăn, đưa ra giải pháp, chính sách nhằm tạo động lực thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Thêm nữa, việc thể hiện rõ các chỉ số đánh giá này không chỉ giúp nâng cao uy tín và thương hiệu của trường mà còn hỗ trợ phát triển năng lực nghiên cứu, tăng cường hợp tác và quốc tế hóa hoạt động nghiên cứu.

Về kết quả tài chính, Thông tư 09 quy định thông tin công khai về tài chính rất chi tiết, cụ thể hóa hơn so với Thông tư số 36.

Thầy Hoàn cho rằng, về phía nhà trường, việc công khai chi tiết về tài chính giúp tăng cường tính minh bạch đối với người học, phụ huynh, giảng viên và xã hội, từ đó xây dựng lòng tin và uy tín của nhà trường.

"Thông tin chi tiết về thu chi và chênh lệch thu chi hỗ trợ lãnh đạo nhà trường trong việc ra quyết định chính xác và quản lý tài chính hiệu quả hơn. Các chỉ số tài chính cụ thể giúp lập kế hoạch và phân bổ ngân sách hợp lý, đảm bảo sử dụng nguồn lực tối ưu. Việc công khai này cũng tạo điều kiện cho các bộ phận giám sát nội bộ thực hiện chức năng một cách hiệu quả, giảm thiểu rủi ro tài chính", thầy Hoàn nhận định.

Còn về phía cơ quan quản lý, việc thống kê chi tiết tài chính giúp đánh giá và giám sát tình hình tài chính của các trường đại học một cách chính xác và hiệu quả, phát hiện sớm các vấn đề và đưa ra biện pháp khắc phục kịp thời.

Ngoài ra, quy định cũng đảm bảo sự công bằng và minh bạch trong việc sử dụng nguồn lực tài chính, ngăn chặn các hành vi lạm dụng nguồn lực. Việc yêu cầu công khai thu chi tài chính cũng tăng cường trách nhiệm giải trình của các trường đại học, thúc đẩy các trường sử dụng nguồn lực minh bạch.

Cùng bàn về quy định này, thầy Thắng cho hay, yêu cầu công khai tài chính giúp đơn vị được đánh giá minh bạch hơn về mặt quản trị tài chính. Với một báo cáo rõ ràng, đầy đủ, tường minh sẽ giúp các bên liên quan, nhất là người học và doanh nghiệp hợp tác với nhà trường có thể giám sát, đánh giá sự phù hợp giữa hoạt động thu và chi của nhà trường. Nhờ đó, các bên liên quan có thể thấy được hiện trạng và sự tập trung phát triển của nhà trường qua từng giai đoạn.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên lại cho rằng, các thông tin tài chính nêu trên là những chỉ số quan trọng mà nhà trường phải theo dõi, giám sát và phân tích thường xuyên chứ không phải đến khi Thông tư số 09 ban hành mới thực hiện. Do đó, việc yêu cầu bổ sung những thông tin này trong Thông tư số 09 giúp khẳng định thêm tầm quan trọng của những chỉ số này và đáp ứng nhu cầu thông tin của xã hội.

Bên cạnh những ưu điểm, việc thực hiện báo cáo thường niên theo Thông tư số 09 cũng khiến cơ sở giáo dục đại học có thể gặp vướng mắc như:

Cụ thể, thầy Thắng chỉ ra, việc thực hiện công khai theo thông tư mới làm tăng khối lượng công việc cho hầu hết các bộ phận như: đào tạo, tổ chức, tài chính,... đặc biệt là công việc hành chính. Việc tổng hợp, điều chỉnh các mẫu số liệu theo yêu cầu mới đòi hỏi nguồn lực có chuyên môn để phân tích và đánh giá hiệu quả.

Việc công khai thông tin đúng thời hạn và đảm bảo tính bảo mật thông tin là thách thức, bởi có thể xuất hiện sai sót làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường. Quy định công khai lâu dài cũng đòi hỏi quản lý thông tin kỹ lưỡng và đầu tư đáng kể để thực hiện hiệu quả Thông tư số 09.

Một trong những khó khăn đối với cơ sở giáo dục đại học khi thực hiện Thông tư số 09 mà thầy Hoàn nêu ra là việc quản lý lượng lớn thông tin công khai trong thời gian dài đòi hỏi hệ thống lưu trữ và quản lý dữ liệu phải thực sự đồng bộ. Đảm bảo chất lượng và tính nhất quán của dữ liệu cũng là một thách thức đáng kể, vì lỗi trong quá trình thu thập và nhập liệu có thể ảnh hưởng đến tính chính xác của báo cáo thường niên.

Để vượt qua khó khăn này, thầy Hoàn cho rằng các trường cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và hệ thống phần mềm quản trị đồng bộ. Đồng thời, nhân viên phụ trách thu thập, xử lý và tổng hợp dữ liệu cần được đào tạo đầy đủ để sử dụng các công cụ và hệ thống quản lý thông tin hiệu quả.

Ngọc Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/bao-cao-thuong-nien-theo-tt09-la-buoc-cai-tien-phu-hop-voi-thong-le-quoc-te-post244018.gd