Báo cáo tình hình hợp tác song phương Việt Nam – Nhật Bản

Phúc đáp văn bản của Bộ Ngoại giao, Bộ Xây dựng vừa có văn bản báo cáo tình hình hợp tác song phương Việt Nam – Nhật Bản.

Đoàn công tác Bộ Xây dựng Việt Nam do Thứ trưởng Lê Quang Hùng dẫn đầu đã kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại Nhật Bản.

Nhận lời mời của Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch (MLIT) Nhật Bản, Đoàn công tác Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Lê Quang Hùng làm trưởng đoàn đã sang tham dự Cuộc họp lần thứ 3 cấp Thứ trưởng giữa Bộ Xây dựng và Bộ MLIT từ ngày 21/3 đến ngày 26/3/2019.

Trong thời gian ở Nhật Bản, Đoàn cũng làm việc với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) về dự án hợp tác kỹ thuật (HTKT) do JICA tài trợ cho Bộ Xây dựng.

Đoàn đã triển khai thực hiện các hoạt động sau đây:

Bộ Xây dựng có buổi làm việc với Cục Kinh tế Đất đai và ngành xây dựng của Bộ MLIT về chương trình tiếp nhận tu nghiệp sinh xây dựng mới của Chính phủ Nhật Bản sẽ bắt đầu áp dụng từ 01/4/2019. Theo chương trình mới này, Bộ MLIT sẽ thành lập một đơn vị mới, trực thuộc Bộ có tên “Japan Association for Construction Human Resources” - Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng (viết tắt là JAC). Tổ chức JAC được thành lập sẽ có chức năng tiếp nhận tu nghiệp sinh xây dựng từ các cơ sở đào tạo kỹ sư, công nhân xây dựng của các nước trong đó có Việt Nam.

Các kỹ sư, công nhân kỹ thuật các ngành nghề thuộc lĩnh vực xây dựng khi được các cơ sở đào tạo của Việt Nam đăng ký tham gia chương trình tu nghiệp sinh xây dựng tại Nhật Bản sẽ phải được đào tạo nghề và trình độ tiếng Nhật N5, đạt kỳ thi tuyển nghề và tiếng Nhật do JAC tổ chức thì sẽ được tiếp nhận sang Nhật làm việc trong 5 năm (chương trình cũ trước kia phải thông qua các nghiệp đoàn công ty xây dựng Nhật Bản và do nghiệp đoàn tuyển dụng, chỉ được làm việc tối đa 3 năm).

Đại diện Bộ MLIT cho biết phía Bộ MLIT sẵn sàng hợp tác với Bộ Xây dựng trong việc thúc đẩy JAC tuyển dụng tu nghiệp sinh xây dựng từ các trường của Bộ Xây dựng, sau khi Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Xã hội và Bộ Tư pháp Nhật Bản đã đàm phán xong cơ chế tiếp nhận ở cấp quốc gia với Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội của Việt Nam.

Bộ Xây dựng đề nghị phía Nhật Bản ký kết một Biên bản ghi nhớ hợp tác về đào tạo tu nghiệp sinh cho ngành Xây dựng trong đó cụ thể hóa về ngành, nghề tu nghiệp sinh mà phía Nhật Bản cần và số lượng cho từng năm. Ngoài ra, đề nghị phía bạn giúp xây dựng giáo trình tiếng Nhật chuyên ngành Xây dựng để đào tạo cho tu nghiệp sinh đạt trình độ N4 trước khi sang Nhật.

Ngay trong tháng 6/2019, Bộ MLIT đã cử đoàn công tác sang làm việc tại Bộ Xây dựng và 5 trường cao đẳng nghề trực thuộc Bộ Xây dựng để trao đổi cụ thể hơn về vấn đề tuyển sinh. Dự kiến trong tháng 02/2020 sẽ tổ chức thi tiếng Nhật và thi nghề tại Việt Nam.

Phiên họp toàn thể của Cuộc họp cấp Thứ trưởng lần thứ ba giữa Bộ Xây dựng và Bộ MLIT đã diễn ra vào chiều 22/3/2019 do Thứ trưởng Lê Quang Hùng và ông Toshio Okazumi - Trợ lý Thứ trưởng Bộ MLIT chủ trì. Hai bên khẳng định hợp tác giữa hai Bộ là sự cụ thể hóa mối quan hệ giữa hai nước có truyền thống hợp tác lâu đời trong nhiều lĩnh vực trong đó có xây dựng và mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai Chính phủ.

Hai bên kiểm điểm nội dung hợp tác giữa hai Bộ về: Phái cử chuyên gia; Các dự án ODA mà MLIT cùng JICA hỗ trợ cho Bộ Xây dựng gồm dự án 3 hợp phần “Tăng cường năng lực dự toán chi phí, quản lý hợp đồng, an toàn và chất lượng trong các dự án đầu tư xây dựng” và dự án Trung tâm đào tạo thoát nước Việt Nam VSC; Thoát nước và xử lý nước thải; Đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Xây dựng Việt Nam.

Sau phiên họp, hai Bộ tiếp tục làm việc chia nhóm về 05 chủ đề: Dự toán chi phí xây dựng; Quản lý chất lượng xây dựng và an toàn xây dựng; PPP; Tiêu chuẩn quy chuẩn xây dựng; Đào tạo tu nghiệp sinh ngành Xây dựng.

Trong chuyến thăm Nhật Bản lần này, lãnh đạo Bộ Xây dựng đánh giá cao những dự án HTKT do JICA tài trợ cho Bộ Xây dựng trong thời gian qua trong các lĩnh vực: Thoát nước, xử lý nước thải, quản lý đầu tư xây dựng, quy hoạch... Bộ Xây dựng mong muốn JICA tiếp tục hỗ trợ Bộ Xây dựng các dự án HTKT nhằm tăng cường năng lực cho các cán bộ lãnh đạo các Cục, Vụ của Bộ Xây dựng trong việc xây dựng chính sách ngành. Ông Azukizawa - Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á và Thái Bình Dương cho biết: Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo Chính phủ Nhật Bản đã thông qua dự án viện trợ không hoàn lại “Tăng cường năng lực trong phát triển các công cụ quản lý Nhà nước đối với dự án đầu tư xây dựng công trình tại Việt Nam”.

JICA dự kiến sẽ sớm cử đoàn chuyên gia JICA sang làm việc với Bộ Xây dựng để xây dựng dự án, rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án để kịp ký Biên bản Thảo luận nhằm triển khai dự án sớm, song song với thời gian hoàn thành Đề án 2038 của Chính phủ.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang triển khai các dự án hợp tác với JICA bao gồm:

Dự án HTKT “Tăng cường năng lực quản lý tổng hợp chất thải rắn đô thị tại Việt Nam” (2014 - 2018) do JICA tài trợ gồm ba hợp phần (i) Tăng cường thể chế, nâng cao năng lực về quản lý, hoạch định chính sách cho Bộ Xây dựng; hỗ trợ Bộ Xây dựng trong việc sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về quản lý chất thải rắn (ii) Tăng cường năng lực của Sở Xây dựng Hà Nội về thực hiện quản lý chất thải rắn đô thị (iii) Hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Xây dựng trong việc lập quy hoạch quản lý tổng hợp chất thải rắn thông qua việc thực hiện thí điểm tại một địa phương được lựa chọn;

Dự án HTKT “Nâng cao năng lực quản lý thoát nước và xử lý nước thải - Thành lập Trung tâm đào tạo và phát triển thoát nước Việt Nam”;

Dự án thực hiện trong 4 năm (2016 - 2019) nhằm tăng cường năng lực trong quản lý thoát nước Việt Nam bao gồm xây dựng và hoàn thiện thể chế, hướng dẫn và tổ chức thực hiện, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hiện tại và phát triển bền vững trong tương lai thông qua việc thành lập Trung tâm đào tạo thoát nước Việt Nam (VSC);

Dự án HTKT “Tăng cường năng lực trong dự toán chi phí, quản lý hợp đồng chất lượng và an toàn trong các dự án đầu tư xây dựng” (2015 - 2018).

Mục tiêu dự án là cải thiện các quy định về quản lý các dự án đầu tư xây dựng công tại Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế; Hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực đầu tư xây dựng theo hướng tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế; Tăng cường năng lực của các chủ thể có liên quan về dự toán chi phí, quản lý hợp đồng, năng lực thi công xây dựng và quản lý dự án với mục tiêu là thực hiện các dự án xây dựng an toàn, chất lượng và hiệu quả. Dự án đã kết thúc năm 2018 và hiện nay đang làm các thủ tục khóa sổ dự án.

Hiện nay, việc triển khai thực hiện hợp tác trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải đang được triển khai thuận lợi. Tuy nhiên, việc áp dụng các kinh nghiệm, thành tựu trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải của Nhật Bản đối với Việt Nam cần có sự nghiên cứu sâu và hỗ trợ hơn nữa của các chuyên gia Nhật Bản nhằm phù hợp với điều kiện tại Việt Nam.

Biên bản hợp tác về phát triển ngành Xây dựng do hai Bộ ký kết tháng 6/2015 trong đó có nội dung về đào tạo và tiếp nhận tu nghiệp sinh ngành Xây dựng. Phía Bộ Xây dựng đã nhiều lần đề nghị Bộ MLIT thông báo số lượng tu nghiệp sinh ngành xây dựng và kế hoạch tiếp nhận cụ thể hàng năm các ngành nghề. Tuy nhiên, phía Bộ MLIT cho biết các doanh nghiệp chủ động trong việc tiếp nhận tu nghiệp sinh nên Bộ MLIT không thể thông báo kế hoạch tiếp nhận thường niên.

Về đề xuất nội dung hợp tác trong thời gian tới, đối với đào tạo nguồn nhân lực: Tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục để tăng số lượng lao động Việt Nam được phái cử sang Nhật Bản; Hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý tu nghiệp sinh.

Đối với lĩnh vực quy hoạch đô thị, phát triển đô thị: Mong muốn tiếp tục phối hợp với MLIT xây dựng tiêu chuẩn đô thị sinh thái áp dụng thí điểm tại Việt Nam; Hỗ trợ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về quản lý phát triển đô thị, cụ thể: Chia sẻ kinh nghiệm về (i) tái điều chỉnh đất (LR); (ii) phát triển đô thị gắn với phát triển nhà ga đầu mối (TOD); (iii) hợp tác công tư trong đầu tư phát triển đô thị; (iv) dự án cải tạo, tái thiết đô thị; (v) quản lý rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhật Bản là một nước phát triển có nhiều kinh nghiệm và thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực như: Quản lý năng lượng (gồm lưới điện thông minh và các loại năng lượng tái tạo), quản lý chất thải rắn (gồm giảm sử dụng, tái sử dụng, tái chế và kinh tế tuần hoàn), quản lý giao thông (gồm hệ thống giao thông thông minh – ITSs, các loại phương tiện giao thông thân thiện môi trường không phát thải và hệ thống chia sẻ phương tiện) và quản lý nước sạch (năng lượng tái tạo phục vụ các công trình nước và sử dụng nước tuần hoàn). Các chính sách, quy hoạch, tiêu chuẩn, quy định và những biện pháp kinh tế của các lĩnh vực nêu trên rất cần thiết và bổ ích cho việc phát triển đô thị nói chung và lĩnh vực phát triển thành phố thông minh nói riêng tại Việt Nam. Do vậy, Việt Nam cần tranh thủ Nhật Bản hỗ trợ: Đào tạo cán bộ hoạch định chính sách, cán bộ kỹ thuật cho Bộ Xây dựng trong các lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị… Cử cán bộ, chuyên gia có kinh nghiệm để hỗ trợ kỹ thuật tại Bộ Xây dựng.

Đối với lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật: Nghiên cứu, hỗ trợ xây dựng Luật Thoát nước Việt Nam dựa trên những nội dung của Luật Thoát nước Nhật Bản như vấn đề thu gom, xử lý nước thải, bùn thải, thoát nước và ngập úng đô thị, điều kiện quản lý vận hành hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, giá dịch vụ thoát nước, xử lý nước thải phi tập trung… tại các đô thị thuộc lưu vực sông; Hợp tác để ứng phó với những thách thức trong công tác quy hoạch, triển khai và quản lý hệ thống thoát nước;

Hỗ trợ nghiên cứu thành lập Trung tâm đào tạo và phát triển thoát nước Việt Nam sau khi kết thúc Dự án đảm bảo hoạt động bền vững (hỗ trợ tài chính, hỗ trợ chuyên gia…); Khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động hợp tác kỹ thuật giữa các thành phố/các công ty tư nhân của Nhật Bản và Việt Nam.

Đối vỡi lĩnh vực nhà ở: Xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn nhà ở của Việt Nam bảo đảm sức khỏe, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; Hỗ trợ xây dựng phòng thí nghiệm đánh giá các thông số môi trường nhà ở; Hợp tác doanh nghiệp nhằm hình thành mô hình thí điểm khu nhà ở bảo đảm sức khỏe, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường tại Việt Nam.

Đối với lĩnh vực an toàn lao động: Kinh nghiệm phía Nhật về hệ thống pháp luật an toàn lao động nói chung và an toàn trong xây dựng nói riêng, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về quản lý an toàn trong xây dựng; Giúp đỡ tăng cường năng lực thông qua đào tạo, bồi dưỡng tại Nhật Bản về các nội dung nêu trên và các nội dung khác có liên quan; Đề xuất phía Nhật Bản hỗ trợ dự án HTKT phục vụ công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng.

Đối với quản lý công trình theo hình thức đối tác công tư, hiện nay, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu xây dựng các quy định về quản lý đầu tư, xây dựng (quản lý chất lượng) đối với các công trình theo hình thức đối tác công tư PPP. Để có cơ sở xây dựng các quy định của pháp luật đối với loại hình đầu tư này, đề nghị phía Nhật Bản trao đổi kinh nghiệm từ phía bạn như sau:

Thực trạng đầu tư; Các quy định pháp lý về quản lý Nhà nước ở Nhật Bản đối với các công trình được đầu tư theo hình thức PPP;

Việc tổ chức, tham gia, phân định trách nhiệm trong việc quản lý chất lượng, nghiệm thu, quản lý, vận hành của các công trình này về phía Nhà nước, cơ quan quản lý Nhà nước và nhà đầu tư thực hiện như thế nào.

Trên đây là báo cáo của Bộ Xây dựng, đề nghị Bộ Ngoại giao tổng hợp.

Huyền Trang

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/thoi-su/bao-cao-tinh-hinh-hop-tac-song-phuong-viet-nam-nhat-ban.html