Báo cáo tổng quát về ngành dầu khí thế giới
Theo báo cáo công bố ngày 15/11, khoảng 96% trong số 700 công ty dầu khí trên thế giới đang tiếp tục tìm kiếm và phát triển các nguồn dầu mỏ mới.
Báo cáo do Tổ chức phi chính phủ Urgewald của Đức và 50 tổ chức phi chính phủ đối tác cùng nhau phân tích kế hoạch đầu tư của 1.623 công ty dầu khí - đại diện cho 95% sản lượng dầu mỏ toàn cầu (bao gồm nhà sản xuất cũng như nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và vận hành các nhà máy điện khí).
Theo báo cáo Global Oil and Gas Exit List (GOGEL), kể từ năm 2021, chi phí vốn của ngành công nghiệp vào việc tìm kiếm các nguồn dầu và khí đốt mới đã tăng hơn 30%. Các công ty được khảo sát đã chi tiêu tổng cộng 170,4 tỷ USD cho những dự án này trong vòng 3 năm qua.
Các công ty chính được đề cập trong báo cáo là tập đoàn dầu khí CNOOC, CNPC và Sinopec của Trung Quốc, tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco của Ả Rập Xê-út, tập đoàn dầu khí quốc gia Pemex của Mexico, công ty khai thác dầu đá phiến lớn nhất Mỹ Pioneer Natural Resources và tập đoàn Shell của Anh-Hà Lan.
Theo báo cáo, có 1.023 công ty đang lên kế hoạch thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng vận chuyển hydrocarbon, ví dụ xây dựng các kho cảng khí hóa lỏng (LNG) hoặc đường ống dầu khí mới.
Tổ chức Urgewald ước tính rằng, có 539 công ty - bao gồm Saudi Aramco, QatarEnergy và Gazprom của Nga - đang dự tính trong tương lai ngắn hạn (từ 1 - 7 năm) sẽ khởi động sản xuất tương đương với 230 tỷ thùng dầu.
Báo cáo cho biết thêm, hoạt động của tập đoàn TotalEnergies của Pháp có phạm vi hoạt động rộng nhất với các dự án dầu khí ở 53 quốc gia. TotalEnergies cũng thăm dò và phát triển trữ lượng dầu mỏ mới ở gần 1/3 những quốc gia hiện có ít hoặc không có sản lượng dầu khí.
Urgewald cho biết thông qua các dự án này, các công ty dầu khí lớn đang đẩy các quốc gia này trở nên phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.