Bảo Chánh - vùng đất tôi yêu!

Không hiểu sao chỉ gắn bó với mảnh đất Bảo Chánh (xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc) có vài năm mà trong giấc mơ của tôi luôn đầy ắp những kỷ niệm của những tháng ngày gian khổ dưới chân núi Chứa Chan.

Bảo Chánh hôm nay. Ảnh: LÒ VĂN HỢP

Bảo Chánh hôm nay. Ảnh: LÒ VĂN HỢP

Tôi luôn mơ về ngọn núi sừng sững phơi mình trong nắng chiều, dưới chân núi, cánh đồng lúa Bảo Chánh xanh mơn mởn, ngút tầm mắt. Lúa đang thì con gái phả mùi hương quê ngan ngát. Mùi hương dân dã này là thứ tài sản vô giá theo tôi trong suốt hành trình làm người vất vả hơn 30 năm qua. Ngày ấy, khi rời trường sư phạm, tôi cầm tờ quyết định về đây với sự nhiệt huyết và háo hức của tuổi mười tám. Ngôi trường xập xệ, trống trước, hở sau, cả sân trường ngập nắng vàng, không hề có một tàng cây lớn, cuối sân trơ trọi cây keo nhỏ lạc lõng run rẩy chống chọi với những ngọn gió núi khô khốc thổi từng cơn, kéo theo đám bụi mù đỏ quạch.

Hôm tôi về dạy học ở vùng đất này, các em học sinh đã đón tôi như đón người thân. Ngày dạy ở lớp, đêm xách đèn bão xuống nhà dân để dạy xóa mù chữ, dạy kèm học sinh yếu. Thù lao mà các em dành cho chúng tôi là dăm ba con cá rô đồng, vài trái đu đủ xanh, đôi khi là ký nếp, ký đậu xanh. Chúng tôi lao vào công việc chẳng hề tính toán thiệt hơn. Chúng tôi bỏ ra hàng tuần để động viên các em học sinh vượt qua khó khăn để trở lại trường.

30 năm sau, cô học trò nhỏ Nguyễn Thị Phương Lan - học sinh lớp 5 ngày xưa, giờ sống ở Mỹ, gửi tôi bức thư ngắn, kỷ niệm chợt ùa về lạnh buốt như gió đông:

“Năm ấy em ốm, thầy ốm, cả xã hội đều xanh xao. Em ngồi trước sườn ngang xe đạp, thầy đạp xe cùng học sinh đi thăm các bạn vắng mặt vô lớp. Oanh và Lệ, nhà 2 bạn nằm sát sườn núi, có mái tranh, có giếng nước, có khói rơm, có con trâu, có cánh đồng. Bức tranh nông thôn đẹp lắm, nhưng khắc khoải một nỗi buồn. Cũng vài lần ghé thăm bức tranh ấy, nhưng thầy cũng không níu kéo được chuyện học của 2 bạn. Thầy bất lực buông tay. Em biết thầy buồn!

Năm ấy em về than với mẹ thầy bệnh. Mẹ mua cho em con cá lóc. Em rón rén bước vô phòng tập thể, thầy nằm quay mặt vô vách. Hên quá, không gặp ai. Sợ ai đó bắt gặp, em mắc cỡ mang con cá lóc về. Đời sống nhọc nhằn lo toan, người ta không nghĩ thấu. Sao không nấu cho thầy một bát canh, mà là con cá lóc!

Năm ấy lớp năm, em học bài học yêu thương và biết quan tâm. Đó là bài học từ thầy em, thầy Một! Dù dòng đời chảy mạnh đến đâu, nhưng lòng người đọng lại rất sâu.

Nhân đây em gửi lời chào thân thương nhất đến tất cả thầy cô Trường Bảo Chánh. Nơi đã dìu dắt và cho em rất nhiều kỷ niệm tuổi thơ yêu thương.

Nguyễn Thị Phương Lan

Aug, 2017”

Những ngày nghỉ, thầy trò kéo nhau ra ruộng mò cua, bắt ốc, đốt rơm rạ trên bờ nướng ăn, mặt mũi ai cũng nhem nhuốc, cười nghiêng ngả, vui nổ trời. Công tác ở đây được 3 năm, tôi chuyển đi nơi khác theo yêu cầu của cấp trên.

Ngày chia tay, học trò úp mặt vào thành xe lam khóc ngất, ngồi trên xe, thầy cũng ràn rụa nước mắt. Trên đường đi, tôi hứa với lòng sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tôi sẽ về lại xứ sở đầy ắp tình người này. Nhưng rồi những cơn lốc thị thành đã cuốn tôi vào vòng xoáy cuộc đời, tôi không còn cơ hội thực hiện lời hứa với các em và với những người bạn, người anh, người chị thân thương ngày xưa!

Khi xe lam lăn bánh, tôi mới thấy cô bé học trò tóc ngắn đứng từ xa nhìn theo mắt rưng rưng. Tôi nhận ra đó là cô bé Tạ Thị Thu Hòa. Tôi có thoáng nghĩ về thái độ lạ lùng ấy nhưng dòng đời cuốn trôi nên quên bẵng đi mất. Mãi 30 năm sau gặp lại học trò cũ lớp năm ở Bảo Chánh, chợt nhớ ra và hỏi, các em cho tôi biết Hòa giận thầy.

30 năm trước, vì chưa tìm hiểu cặn kẽ sự việc, giận tính ương bướng của cô học trò, tôi phạt em quỳ và đã hạ một bậc hạnh kiểm của em trong học bạ. Ngày nhận học bạ, em không khóc; ngày tôi đi, em khóc! Giờ nghe người bạn của em kể lại sự việc ngày đó, Hòa bị tôi xử oan. Tôi ray rứt mãi, tìm được số điện thoại của em, tôi gửi đến em lời xin lỗi. Em nhắn lại: “Thầy có biết em đã khóc khi đọc tin nhắn của thầy!?”. Giọt nước mắt thơ ngây của cô bé học trò lớp 5 ngày xưa và giọt nước mắt của người đàn bà ngoài 40 tuổi ngày hôm nay đau xé lòng tôi. Ngàn lần xin lỗi em, dù biết muộn màng nhưng có còn hơn không, phải không em?...

Tùy bút của nhà văn Nguyễn Một

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/bao-xuan-2023/202501/bao-chanh-vung-dat-toi-yeu-6e3460f/