Cứu sống thiếu niên bị chuôi dao găm xuyên sọ não
Các bác sĩ đánh giá đây là vết thương xuyên sọ sâu khoảng 2,5cm xâm lấn nhu mô não. Vị trí chỉ cách xoang tĩnh mạch dọc trên 0,5cm, nguy cơ chảy máu sâu bên trong não kèm nguy cơ nhiễm trùng lan rộng...
Đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, ngày 22/1, Khoa Phẫu thuật thần kinh - Cột sống của đơn vị tiến hành phẫu thuật cứu sống nam thiếu niên V.Đ.V (15 tuổi, trú tại phường Hà Tu, TP. Hạ Long) bị chuôi dao sắc nhọn găm xuyên sọ não.
Theo đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh, vết thương sau đầu sưng nề do bị chuôi nhọn của một con dao găm sâu vùng đầu.
Nhận định đây là một ca chấn thương sọ não nguy hiểm, kíp cấp cứu đã nhanh chóng cố định dị vật và khẩn trương chuyển chụp cắt lớp vi tính sọ não, đánh giá vị trí tổn thương, mức độ đâm xuyên của dị vật, từ đó đưa ra phương án phẫu thuật phù hợp.
Quá trình hội chẩn, các bác sĩ đánh giá đây là vết thương xuyên sọ sâu khoảng 2,5cm xâm lấn nhu mô não. Vị trí chỉ cách xoang tĩnh mạch dọc trên 0,5cm, nguy cơ chảy máu sâu bên trong não kèm nguy cơ nhiễm trùng lan rộng. Do dị vật găm xuyên sọ, trực tiếp đe dọa tính mạng nên bệnh nhân được chuyển phòng mổ cấp cứu để kịp thời xử trí tổn thương.
Kíp mổ cấp cứu do BSCKII Nguyễn Tiến Dũng - Phó giám đốc bệnh viện cùng đội ngũ phẫu thuật viên Khoa Phẫu thuật thần kinh - Cột sống phối hợp với Khoa Gây mê Hồi sức thực hiện.
Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ tiến hành mở rộng xương sọ quanh vùng tổn thương, thấy rách màng cứng, đụng dập nhu mô não nên tiếp tục lấy bỏ các mảnh dị vật còn sót lại, làm sạch và cầm máu triệt để tổn thương, sau đó vá màng cứng và đặt lại xương.
Sau 1 giờ phẫu thuật, ca mổ được thực hiện an toàn và thành thành công. Hiện, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân ổn định và đang được theo dõi, chăm sóc tại khu hậu phẫu.
Theo BSCKII Nguyễn Tiến Dũng - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, trường hợp của bệnh nhân V. là chấn thương sọ não nguy hiểm, phức tạp với lưỡi dao sắc nhọn găm sâu và chặt vào trong não. Vị trí vết thương chỉ cách xoang tĩnh mạch dọc trên nửa cm, nếu không kiểm soát tốt tổn thương khi rút dị vật nguy cơ chảy máu ồ ạt khó cầm.
Quá trình phẫu thuật đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối. Vì vậy kíp mổ sử dụng các trang thiết bị hiện đại để đánh giá và kiểm soát vùng tổn thương trước khi loại bỏ tác nhân tai nạn, đảm bảo việc lấy dị vật ra khỏi hộp sọ an toàn mà không làm tổn thương thêm các vùng não lành xung quanh.
Sau điều trị tích cực, bệnh nhân đã ổn định nhưng vẫn cần theo dõi sát nhằm phát hiện sớm các biến chứng như phù não, nhiễm trùng hay tổn thương thần kinh thứ phát.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị dị vật đâm sâu vào cơ thể, không nên cố rút dị vật ra mà nhanh chóng sơ cứu cố định dị vật, chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh để xử trí kịp thời.
Trong các trường hợp chấn thương mạch máu, dị vật có tác dụng như một nút cầm máu tạm thời, khi vội rút ra bệnh nhân có thể tử vong vì chảy máu ồ ạt. Ngoài ra, rút dị vật không đúng còn làm tổn thương mạch máu, thần kinh nặng nề, gây khó khăn cho bác sĩ phẫu thuật. Do đó, việc rút dị vật chỉ được thực hiện trong phòng mổ vô khuẩn bởi các bác sĩ có kinh nghiệm trong phẫu thuật thần kinh.