Báo chí cách mạng cần đổi mới thực chất, không 'chiếu lệ'

Tại lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng, yêu cầu tránh hình thức và tập trung xây dựng diện mạo mới cho báo chí.

Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950-21/4/2025) và Hội nghị toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam năm 2025 vừa diễn ra sáng nay ở Hà Nội.

Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc. Ảnh: Trần Hải

Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc. Ảnh: Trần Hải

Trong diễn văn khai mạc, ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam ôn lại lịch sử: Cách đây đúng 75 năm, tại xóm Roòng Khoa, xã Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hóa, tỉnh Thái Nguyên, lần đầu tiên dưới sự chỉ đạo của Đảng, Bác Hồ, những thế hệ làm báo cha anh đã đoàn kết, hội tụ dưới một tổ chức mang cá tính và bản lĩnh của người làm báo - Hội Những người viết báo Việt Nam (tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam).

Trong hành trình 75 năm lịch sử, Hội Nhà báo Việt Nam đã phát huy vai trò là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo, đổi mới phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới: là tiếng nói của nhân dân, là diễn đàn của xã hội, tích cực tham gia vào công tác giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

“Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, với sự phát triển vũ bão của khoa học và công nghệ, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, không ngừng đổi mới, nâng cao vai trò và vị thế của mình, xứng đáng là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp tin cậy – “ngôi nhà chung” của đội ngũ những người làm báo cả nước”, ông Minh khẳng định.

Phát biểu tại sự kiện, ông Phan Xuân Thủy, Phó trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đánh giá cao đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam trong 75 năm qua đã phát triển nhanh, mạnh mẽ. Báo chí cách mạng Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh…

Ông Phan Xuân Thủy, Phó trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đề nghị các cấp hội nhà báo quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương sắp xếp, tinh gọn, hợp nhất các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Ảnh: Trần Hải

Ông Phan Xuân Thủy, Phó trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đề nghị các cấp hội nhà báo quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương sắp xếp, tinh gọn, hợp nhất các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Ảnh: Trần Hải

Phó trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương gợi mở các cấp hội nhà báo trao đổi một số vấn đề hướng tới Đại hội XIV của Đảng, chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2025-2030.

Triển khai Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị không nên sáp nhập hội nhà báo với hội văn học nghệ thuật để tránh làm suy giảm vai trò đặc thù riêng của từng hội.

Đáng chú ý là quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương sắp xếp, tinh gọn, hợp nhất các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

“Các cấp hội nhà báo hoạt động trong khuôn khổ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm tổ chức hoạt động theo đúng chủ trương “tinh gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả”. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác quán triệt, thông tin, tuyên truyền về tạo sự thống nhất cao, quyết tâm lớn trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về triển khai sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”, ông Thủy nói.

Phó trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đặc biệt lưu ý các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), trong bối cảnh sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nhiều cơ quan báo chí thực hiện hợp nhất, sáp nhập, kết thúc chức năng nhiệm vụ, nhiều người làm báo bị mất việc, chuyển công tác, tâm lý lo lắng, băn khoăn khi làm việc ở môi trường mới, điều kiện mới.

“Nhưng không vì thế mà triển khai các hoạt động kỷ niệm một cách hình thức, chiếu lệ. Các cấp hội, cơ quan báo chí cần xem đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, tiền đề để báo chí cách mạng Việt Nam xây dựng một tầm nhìn mới, diện mạo mới, đáp ứng yêu cầu của nhân dân và phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc”, ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông cũng khuyến nghị các cấp hội nhà báo kịp thời kiến nghị Đảng, Nhà nước, Chính phủ về cơ chế chính sách hỗ trợ báo chí phát triển, chẳng hạn như phát triển mô hình kinh tế báo chí bền vững; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho báo chí số; nâng cao năng lực cạnh tranh của báo chí Việt Nam trên không gian mạng…

Theo báo cáo tổng kết của Hội Nhà báo Việt Nam, năm 2024, hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp cấp Trung ương đã xử lý và kiến nghị xử lý 8 vụ việc liên quan đến 17 trường hợp là phóng viên, cộng tác viên vi phạm pháp luật; khai trừ, thu hồi 6 thẻ hội viên.

Hội cũng đã gửi 2 văn bản đề nghị UBND tỉnh và công an tỉnh có biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe của phóng viên và gia đình, tiến hành điều tra, xử lý thích đáng các đối tượng vi phạm.

Bình Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bao-chi-cach-mang-can-doi-moi-thuc-chat-khong-chieu-le-2393381.html