Báo chí cách mạng: Thách thức và sự chuyển mình tích cực

Trong bối cảnh cuộc cách mạng số chuyển mình mạnh mẽ, truyền thông xã hội lên ngôi, báo chí cách mạng đứng trước nhiều thách thức không nhỏ. Nhưng trong bất cứ sự khó khăn, thậm chí khủng hoảng nào, cũng đều xuất hiện cơ hội mới. Vấn đề là sự nắm bắt và quyết tâm thay đổi để chuyển mình tích cực, đóng góp hiệu quả vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Trong bối cảnh truyền thông số, truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ, báo chí truyền thống chịu nhiều tác động và những thách thức ngày càng rõ ràng, đáng kể hơn. Thách thức bủa vây tứ phía, với tất cả bốn loại hình báo chí là báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử. Hầu hết các cơ quan báo chí đều đang gặp phải những vấn đề cần giải quyết, từ vận hành tòa soạn, chuyển đổi cách thức chuyển tải thông tin cả về nội dung lẫn hình thức đến tăng cường ứng dụng công nghệ số trong bối cảnh chuyển đổi số, mở rộng kênh tác động đến công chúng trên các nền tảng, môi trường, phương tiện truyền thông khác nhau. Đó là những thực tế nổi bật mà báo chí không thể né tránh, bắt buộc phải đối diện và tìm giải pháp phù hợp.

 Phòng kỹ thuật, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.

Phòng kỹ thuật, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.

Ngày 20/2/2024, tại Hội nghị giao ban báo chí đầu xuân Giáp Thìn 2024, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa nói: Báo chí là vũ khí sắc bén của Đảng để định hướng tư tưởng, dẫn dắt dư luận; phản ánh thực tiễn sinh động trên nhiều lĩnh vực của đời sống nhân dân và kiều bào ta ở nước ngoài; phát huy vai trò phản biện đúng, phản biện trúng để chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống tốt hơn; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phê phán, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Phải khẳng định rằng, đây là những điều không mới, nhưng cần thiết phải nhấn mạnh, nhất là trong bối cảnh mới với nhiều khó khăn, thách thức, báo chí có khi đã lơ là nhất định, thiếu tập trung vào những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của mình như định hướng tư tưởng, dẫn dắt dư luận; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; phản biện đúng, phản biện trúng... Những nhiệm vụ này là hết sức quan trọng, cần thiết, chính là nguồn lực, sức mạnh để báo chí thể hiện vị thế, vai trò của mình trong cuộc đua thông tin ngày càng nhanh chóng, quyết liệt. Điều này cũng góp phần xây dựng các cơ quan báo chí tử tế, được cả xã hội tôn trọng.

Cũng tại Hội nghị giao ban nói trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng, các cơ quan báo chí phải dũng cảm đối diện với những khó khăn, thách thức, không né tránh; phải có cách làm mới, cách nghĩ mới để có những sản phẩm mới có sức hấp dẫn hơn, cạnh tranh hơn. Những khó khăn, thách thức đó là doanh thu quảng cáo sụt giảm chưa từng có, cạnh tranh ngày càng khốc liệt với các nền tảng mạng xã hội, trong khi phải nỗ lực đuổi kịp xu thế, nhất là sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ…

Thực tế, trong suốt tiến trình đồng hành cùng lịch sử dân tộc, báo chí cách mạng luôn là vũ khí sắc bén, có nhiều đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước. Cũng như Đảng ta luôn tự soi, tự sửa, ngày càng hoàn thiện đường lối lãnh đạo của mình, báo chí cũng luôn trăn trở, đau đáu tìm cách đổi thay sao cho phù hợp với bối cảnh cụ thể, với từng giai đoạn nhất định.

Thực tế, trong suốt tiến trình đồng hành cùng lịch sử dân tộc, báo chí cách mạng luôn là vũ khí sắc bén, có nhiều đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước. Cũng như Đảng ta luôn tự soi, tự sửa, ngày càng hoàn thiện đường lối lãnh đạo của mình, báo chí cũng luôn trăn trở, đau đáu tìm cách đổi thay sao cho phù hợp với bối cảnh cụ thể, với từng giai đoạn nhất định. Không hề khiêm tốn khi nhận xét rằng, báo chí Việt Nam bắt kịp khá nhanh với sự phát triển báo chí thế giới, kể cả những nền báo chí tiên tiến.

Sự thay đổi về cách thức tiếp cận, chuyển tải thông tin; về ứng dụng công nghệ luôn diễn ra nhanh chóng, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, nhân văn. Điều này có thể khẳng định qua việc thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng của báo chí cách mạng như: Góp phần định hướng dư luận; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phản biện chính sách.

Để góp phần định hướng tư tưởng, dẫn dắt dư luận, báo chí cách mạng Việt Nam triển khai nhiều cách làm mới, cho ra đời những sản phẩm báo chí mới rất kịp thời, hiện đại, hấp dẫn. Điển hình là việc tổ chức các tuyến thông tin chuyên đề với nhiều hình thức, quy mô khác nhau trên các loại hình báo chí, mang lại cho công chúng tiếp nhận những thông tin có chiều sâu, được phân tích, lý giải một cách sâu sắc, gốc rễ, đa chiều. Điều này giúp công chúng hiểu đúng, hiểu rõ bản chất của vấn đề, sự kiện, nhất là những chủ đề đang còn ý kiến trái chiều, chưa có sự thống nhất, còn gây băn khoăn trong xã hội. Từ đó, giúp công chúng tin tưởng vào báo chí và làm theo một cách phù hợp.

 Phóng viên Báo Bắc Giang tìm hiểu về tình hình sản xuất, tiêu thụ vải thiều.

Phóng viên Báo Bắc Giang tìm hiểu về tình hình sản xuất, tiêu thụ vải thiều.

Đáng mừng là các tác phẩm báo chí thuộc dạng chuyên đề, với nhóm/ chùm bài, loạt/ tuyến bài được đầu tư kỹ càng, xứng đáng về công sức, tâm huyết, kinh phí, trí tuệ đã đoạt những giải cao nhất tại giải báo chí quốc gia, cũng như các cuộc thi báo chí của các bộ, ngành, địa phương suốt những năm qua. Riêng trên báo điện tử, việc tổ chức các dạng thức tác phẩm báo chí mới như Long-form, Emagazine, Megastory với sự đầu tư tốt cả về nội dung và hình thức, nhất là trong trình bày dạng tạp chí, trong việc tích hợp các loại hình báo chí trong một tác phẩm cụ thể đã giúp công chúng không chỉ có cái nhìn sâu rộng về chủ đề được đề cập, mà còn có thể vừa xem, nghe, đọc để tiếp cận thông tin một cách chủ động, hiệu quả.

Trong suốt lịch sử hình thành và phát triển của mình, báo chí cách mạng đều tiến hành hiệu quả việc phản biện chính sách một cách kịp thời, đúng và trúng, góp phần không nhỏ để mỗi chính sách được ban hành, thực thi là phù hợp với thực tiễn cuộc sống, có ích cho sự phát triển của đất nước, thực sự vì nhân dân...

Với công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tuy còn những hạn chế nhất định, nhưng báo chí đã từng bước thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Tất cả các cơ quan báo chí T.Ư và địa phương đều xây dựng, tổ chức các chuyên mục liên quan đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và duy trì một cách chất lượng, hiệu quả. Nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ các nhà báo liên quan đến chủ đề này được mở, từng bước góp phần bổ sung đội ngũ người viết chuyên sâu, hiểu biết về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Các cuộc thi báo chí, cuộc thi viết từ T.Ư đến địa phương liên quan đến chủ đề này giúp các nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên có cơ hội “thử lửa”, đồng thời cũng là dịp rèn luyện, tự nâng cao nghiệp vụ của các nhà báo, cơ quan báo chí...

Một vấn đề khác, báo chí luôn chủ động, tích cực tham gia một cách có hiệu quả vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Báo chí không chỉ tuyên truyền kịp thời, sâu sắc, lắng đọng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về công cuộc phòng, chống tham nhũng quyết liệt “không có ngoại lệ”, “không có vùng cấm” mà còn chủ động, tự thân phát hiện, phản ánh các vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở những quy mô, cấp độ khác nhau. Bên cạnh đó, báo chí còn là cầu nối hiệu quả giữa người dân và các cơ quan chức năng trong việc tiếp nhận, phản ánh, giải quyết các thông tin liên quan đến việc khắc phục những khuyết tật, hạn chế, sai phạm của những cá nhân, đơn vị cụ thể...

Còn khá nhiều sự chuyển mình trong suốt quá trình gần 100 năm phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam nói chung, cũng như trong bối cảnh mới hiện nay nói riêng. Và sự chuyển mình nào của báo chí cách mạng cũng gắn chặt với bối cảnh cụ thể, với những cơ hội được tạo ra, nắm bắt nhằm xoay chuyển thách thức, khó khăn, có những đóng góp cụ thể, thiết thực cho sự phát triển nhanh chóng, vững bền của đất nước.

Tiến sĩ Nguyễn Tri Thức

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bao-chi-cach-mang-thach-thuc-va-su-chuyen-minh-tich-cuc-073350.bbg