Báo chí cách mạng Việt Nam trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0

Sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn cho báo chí cách mạng Việt Nam. Mỗi cơ quan báo chí và nhà báo phải không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức người làm báo, tìm tòi, cải tiến nâng cao chất lượng nội dung, hình thức sản phẩm báo chí, làm tốt sứ mệnh thông tin, tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới đất nước, bảo đảm vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội.

Trong thời đại dữ liệu lớn (big data), báo chí không thể bỏ lỡ các thuật toán máy học để tăng hiệu quả thông tin. Ảnh minh họa: New York Times

Cách mạng công nghiệp 4.0 với báo chí

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được phát triển dựa trên 3 trụ cột chính đó là vật lý, công nghệ sinh học và kỹ thuật số. Là một cuộc cách mạng công nghệ tiên tiến, được đánh dấu bởi sự kết hợp giữa các công nghệ như robot, trí tuệ nhân tạo, IoT, in 3D và nhiều lĩnh vực khác. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã mở ra vô vàn thời cơ cũng như thách thức đối với báo chí. Đó là sự xuất hiện của nhiều giải pháp sáng tạo, phi truyền thống, tận dụng sức mạnh công nghệ để cải tiến mô hình tác nghiệp, phương thức truyền tải thông tin, kỹ năng làm báo hiện đại, như chuyển đổi mô hình báo chí truyền thống sang mô hình báo chí điện tử; thiết lập tòa soạn hội tụ; ứng dụng công nghệ đa phương tiện để đổi mới hình thức và nội dung báo chí. Tác phẩm báo chí bao gồm cả chữ viết, video, ảnh động, file âm thanh, đồ họa được thiết kế theo phương thức hoàn toàn mới.

Trước sự phát triển của mạng xã hội, mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận nguồn tin tức khổng lồ, hầu hết đều miễn phí. Chính những đổi thay trong cách tiếp nhận nguồn thông tin của độc giả, đã có ảnh hưởng lớn, buộc báo chí phải đứng trước những thay đổi sâu rộng, to lớn nếu không muốn bị tụt hậu, bị bỏ lại phía sau. Trong bối cảnh in-tơ-nét, mạng xã hội có sức ảnh hưởng sâu rộng, mọi người không chỉ có được nguồn thông tin từ báo chí chính thống cung cấp mà họ còn được tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn khác đó là các nền tảng mạng xã hội. Bên cạnh những lợi thế của thời đại thông tin số mang lại cho sự phát triển của báo chí thì nhà báo cũng như các cơ quan báo chí phải đương đầu với thách thức số hóa và sự mất quyền độc tôn là người “gác cổng” thông tin trong xã hội.

Để trở thành kênh thông tin được lựa chọn, tạo được sức mạnh của báo chí trước sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội, cơ quan báo chí phải đi đầu và có trách nhiệm cung cấp thông tin nhanh nhạy, trung thực, chính xác.

Khẳng định sức mạnh của báo chí trong kỷ nguyên số

Trong quá trình chuyển đổi số đòi hỏi mỗi đơn vị báo chí và nhà báo phải không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng nội dung, hình thức sản phẩm báo chí. Mỗi nhà báo cần có lối sống lành mạnh, trong sáng, không được vụ lợi và vi phạm pháp luật. Phẩm chất quan trọng của người làm báo là trung thực. Trung thực với nguồn tin, khách quan và tôn trọng sự thật. Chủ tịch Hồ Chí Minh - người Thầy của báo chí cách mạng Việt Nam căn dặn các nhà báo trong mọi trường hợp khen cũng như chê đều phải có động cơ trong sáng, khách quan; không thể viết báo vì mục đích cá nhân, ích kỷ mà cắt xén, cường điệu hay xuyên tạc sự thật. Viết phải thiết thực kịp thời, “nói có sách, mách có chứng”. Bác Hồ coi trung thực là một tiêu chuẩn đạo đức rất quan trọng trong hoạt động báo chí. Người nói: “không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”, “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói chớ viết ”; “Viết giản dị thôi, và phải đúng sự thật, không được bịa ra… Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại… Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn”. Người làm báo không chỉ cần rèn kỹ năng khai thác sử dụng thành tựu khoa học - công nghệ, mà còn cần tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, nâng cao vốn sống, hiểu biết, vốn nghề, xác định tâm thế dấn thân. Bác Hồ chỉ dẫn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”; “Bài báo là tờ hịch cách mạng”. Cho nên mỗi nhà báo khi cầm bút cần phải tự trả lời các câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc. Người căn dặn: "Tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được". Hơn ai hết, mỗi nhà báo phải đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, không ngừng rèn luyện, phấn đấu nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ vững đạo đức nghề nghiệp để báo chí xứng đáng là công cụ sắc bén, phục vụ đắc lực sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân.

Báo chí không chỉ là công cụ quan trọng trong hoạt động cách mạng, mà báo chí còn là vũ khí sắc bén thúc đẩy sự phát triển tiến bộ xã hội. Thực tiễn đang diễn ra sự dịch chuyển từ “thế giới thực” sang “thế giới ảo”. Trong cuộc dịch chuyển này thách thức và cơ hội luôn song hành với nhau. Công nghệ số, chuyển đổi số và báo chí truyền thông số có vai trò đặc biệt quan trong trong sự chuyển đổi này. Cái gốc của báo chí là phản ảnh trung thực dòng chảy chính của đời sống xã hội, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, lan tỏa năng lượng tích cực, tạo sự đồng thuận và niềm tin xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần cho Việt Nam bứt phá vươn lên. Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Nhiệm vụ của báo chí là khơi dậy khát vọng này ở tất cả mọi người dân Việt, và từ khát vọng này thành sức mạnh tinh thần, và từ sức mạnh tinh thần này thành hành động phát triển đất nước”.

Chính phủ đã ban hành quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (xác định quan điểm, mục tiêu, nguồn lực và các bước đi phù hợp sự phát triển công nghệ và kinh tế đất nước). Chiến lược chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Dù báo chí số rất hiện đại đi chăng nữa, cũng không ngoài mục đích phụ vụ nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng đinh: “Một tờ báo không được đại đa số (dân chúng) ham muốn thì không xứng đáng là một tờ báo”. Thấm nhuần tư tưởng của Người, ngày nay việc học tập, tu dưỡng, rèn luyện nghề nghiệp cũng như rèn luyện bản lĩnh của người cầm bút là một quá trình liên tục không có điểm dừng. Dũng cảm “phò chính”, “trừ tà” để mỗi nhà báo có thể tự hào nói rằng: Chúng tôi là những người làm báo vì nhân dân, vì đất nước, là báo chí chân chính đang thực hiện sứ mệnh thiêng liêng, cao cả của mình – của một nền báo chí cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện để phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân.

Trần Công Huyền

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/van-hoa-xa-hoi/bao-chi-cach-mang-viet-nam-trong-thoi-dai-cach-mang-cong-nghiep-4-0-21087