Báo chí Campuchia đưa tin về chuyến thăm của Chủ tịch nước Tô Lâm
Trong những ngày này, các cơ quan truyền thông, báo chí của Campuchia đều đưa tin về chuyến thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia của Chủ tịch nước Tô Lâm theo lời mời của Quốc vương Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni.
Thông tấn xã Campuchia cùng các trang thông tin điện tử CNC và Thmey Thmey đưa nhiều tin, ảnh về chuyến thăm Vương quốc Campuchia của Chủ tịch nước Tô Lâm, cùng quá trình hoạt động của nhà lãnh đạo Việt Nam.
Trang Fresh News, trang thông tin điện tử có số lượng người xem cao hàng đầu tại Campuchia, nhấn mạnh các cuộc hội kiến giữa các nhà lãnh đạo sẽ tập trung vào vấn đề tăng cường hợp tác song phương, cũng như trên diễn đàn quốc tế theo phương châm 'láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” nhằm mang lại lợi ích cho cả hai đất nước Campuchia và Việt Nam.
Dưới đầu đề “Gắn kết chặt chẽ hơn nữa: Chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam tới Campuchia nhằm tăng cường hợp tác”, Báo Khmer Times ra ngày 11/7 cho rằng, chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Tô Lâm tới Campuchia nhằm mục đích đẩy nhanh việc thực hiện các thỏa thuận cấp cao, bao gồm hợp tác trong khuôn khổ song phương và đa phương vì sự phát triển của cả hai quốc gia.
Khmer Times nêu bật sự phát triển mạnh mẽ trên lĩnh vực thương mại giữa Campuchia và Việt Nam. Cụ thể, kim ngạch thương mại hai chiều đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 20% từ năm 2015 đến năm 2022, vượt mốc 10 tỷ USD vào năm 2022. Xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia trong nửa đầu năm 2024 đạt 2,5 tỷ USD. Việt Nam hiện vẫn là nhà đầu tư ASEAN lớn nhất tại Campuchia với 205 dự án đang thực hiện, trị giá 2,95 tỷ USD.
Bài báo tiếng Anh của Khmer Times trích dẫn ý kiến của các học giả khẳng định, Việt Nam và Campuchia thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 57 năm. Trong 5 thập niên qua, quan hệ song phương đã đạt được những thành tựu to lớn. Chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm chắc chắn sẽ tiếp thêm động lực mới cho quan hệ Việt Nam-Campuchia, cũng như các khuôn khổ hợp tác rộng lớn hơn của ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Công.