Báo chí cần phát triển khoa học dữ liệu để có nội dung vượt trội

Báo chí dữ liệu là hướng đi không thể tách rời dòng chảy báo chí Việt Nam. Chỉ có nội dung vượt trội khi cơ quan báo chí đổi mới sáng tạo cả 4 lĩnh vực: chiến lược sản phẩm dịch vụ, lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ, lĩnh vực công chúng - khách hàng và kinh tế báo chí truyền thông…

Các chuyên gia cho rằng báo chí dữ liệu là một lĩnh vực chuyên sâu trong ngành báo chí đã phát triển để đáp ứng sự lan rộng ngày càng tăng của việc tạo ra và định lượng dữ liệu.

Các chuyên gia cho rằng báo chí dữ liệu là một lĩnh vực chuyên sâu trong ngành báo chí đã phát triển để đáp ứng sự lan rộng ngày càng tăng của việc tạo ra và định lượng dữ liệu.

Những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, mạng xã hội và gần đây là trí tuệ nhân tạo (AI) đã tác động đến hành vi người dùng Internet và xu thế phát triển của báo chí hiện đại.

NHIỀU BÁO CHƯA SỬ DỤNG AI

Chiều 15/3/2024, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí Việt Nam, đã diễn ra phiên thảo luận với chủ đề: "Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội".

Theo nghiên cứu của Quỹ Báo chí Hàn Quốc (KPF), số lượng người tiếp nhận thông tin qua các phương tiện truyền thông truyền thống đang sụt giảm mạnh. Các cơ quan truyền thông Hàn Quốc hiện nay đều phát triển nội dung, hình thức phù hợp với phương tiện truyền thông mới, trong đó mạng xã hội được tận dụng triệt để.

Dữ liệu của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters (Anh) cho thấy có 3 xu hướng chính đang tác động đến báo chí truyền thông.

Thứ nhất,có nhiều loại thiết bị mới ra đời.

Thứ hai,các nền tảng số, mạng xã hội chuyên biệt về sáng tạo âm thanh và video phát triển bùng nổ.

Thứ ba,làn sóng trí tuệ nhân tạo.

Một số tòa soạn gọi sự thay đổi này là “giai đoạn thứ hai” trong cuộc cách mạng kỹ thuật số, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải có chiến lược nội dung khác biệt, vượt trội để giữ chân công chúng.

Trên thế giới, ấn phẩm New York Times là một trong những ví dụ thành công về xây dựng chiến lược chuyển đổi số dựa vào giá trị cốt lõi, thế mạnh nền tảng là kho dữ liệu không giới hạn của họ kết hợp với công nghệ hiện đại để sản xuất, phân phối nội dung.

Tại Việt Nam, một số cơ quan báo chí đang thúc đẩy chiến lược nội dung đa phương tiện, kết hợp báo chí dữ liệu với khoa học công nghệ và các ý tưởng sáng tạo; một số cơ quan báo chí tập trung vào chiến lược nội dung chuyên sâu vào các thị trường ngách…

Ông Kah Whye Lee - Giám đốc khu vực Châu Á, Hiệp Hội báo chí xuất bản thế giới, trình bày tham luận tại phiên thảo luận chiều ngày 15/3/2024, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2024..

Ông Kah Whye Lee - Giám đốc khu vực Châu Á, Hiệp Hội báo chí xuất bản thế giới, trình bày tham luận tại phiên thảo luận chiều ngày 15/3/2024, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2024..

Tham gia phiên thảo luận, ông Kah Whye Lee, Giám đốc khu vực Châu Á, Hiệp Hội báo chí xuất bản thế giới, đã thông tin về cuộc khảo sát của Hiệp hội Báo chí thế giới (WAN- IFRA) đối với trên 175 lãnh đạo báo chí, mặc dù có nhiều thách thức nhưng các lãnh đạo tỏ ra khá lạc quan với năm 2024 và còn lạc quan hơn ở dài hạn - trong khoảng 03 năm tới.

Về toàn cầu, các tòa soạn chờ đợi có doanh thu tăng 15% so với 2022. Năm 2024, các tòa soạn chờ đợi có tăng trưởng về doanh thu và tập trung nhiều về các nguồn doanh thu mới. Phần lớn doanh thu năm 2024 sẽ đến từ các cuộc bầu cử bởi một nửa dân số trên thế giới có các cuộc bầu cử trong năm nay, từ đó tạo ra tăng trưởng doanh thu cho báo chí.

Ông Kah Whye Lee cho biết doanh thu lớn nhất vẫn đến từ quảng cáo, và vẫn có định hướng từ phát hành và đến từ độc giả. Xu hướng đang quan tâm các tòa soạn ngày càng tìm cách đa dạng hóa nguồn thu, bên ngoài doanh thu từ quảng cáo. Có nghĩa là các nguồn doanh thu mới ngày càng tăng lên.

"Doanh thu từ báo in chiếm hơn một nửa, ở mức 57% và cao hơn năm ngoái - đây là điều rất đáng ngạc nhiên. Trong khi đó nguồn thu phát hành số tăng khá ít 2%, thu từ kỹ thuật số đang giảm", ông Kah Whye Lee nói.

Theo ông Kah Whye Lee, các tòa soạn đang chờ đợi nguồn thu từ các nguồn không liên quan tới phát hành - đó là những nguồn không phải từ độc giả, không phải từ quảng cáo - chiếm 20%. Nguồn quan trọng nhất là tổ chức sự kiện - nhiều tòa soạn nói rằng nguồn thu này chiếm 30%, tiếp theo là tiền tài trợ và việc hợp tác với các nền tảng khác.

Báo cáo này cũng cho thấy, số lượng tòa soạn trong quá trình chuyển đổi số sâu và rộng có xu hướng tăng. Về đầu tư liên quan đến kỹ thuật tại các tòa soạn thì ưu tiên số một của họ sẽ đầu tư vào AI, thứ 2 là phân tích dữ liệu, thông tin chuyên sâu, thứ 3 là tập trung vào video.

Mặc dù AI là đầu tư lớn nhất, song các tòa soạn đều chưa có lộ trình cụ thể về việc đầu tư này. Rất đáng ngạc nhiên khi phần lớn tòa soạn nói rằng họ chưa sử dụng AI như Chat GPT…

Ông Kah Whye Lee cho biết việc chần chừ sử dụng AI do họ không chắc chắn về độ chính xác và chính sách quản lý vẫn chưa rõ ràng. Khoảng 80% tòa soạn lo ngại về AI và coi đây là mối nguy cơ của mình. Đáng lo ngại nhất là dùng nội dung của tòa soạn nhưng không trả tiền, thứ hai là độc giả sẽ đọc nội dung của AI chứ không đọc trên báo chí nữa, thứ 3 là lo ngại về tin giả.

DỮ LIỆU CHO BÁO CHÍ LÀ TẤT YẾU

PGS,TS. Trần Quang Diệu, Học viện Chính trị quốc gia, cho rằng việc ứng dụng khoa học dữ liệu để phát triển nội dung báo chí vượt trội là xu hướng tất yếu hiện nay.

Đưa ra thông tin chung về mô hình tòa soạn số, diễn giả nhận định hiện tại các cơ quan báo chí mới chỉ dừng ở mức tương đối độc lập, chưa có sự liên kết và chia sẻ. Cần xây dựng một hệ sinh thái báo chí mà ở đó các cơ quan báo chí có thể cùng chia sẻ dữ liệu, tạo thành một kho dữ liệu chung. Để làm được điều này, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có sự hướng dẫn, định hướng cụ thể.

PGS,TS. Trần Quang Diệu, Học viện Chính trị quốc gia: "Cần xây dựng một hệ sinh thái báo chí mà ở đó các cơ quan báo chí có thể cùng chia sẻ dữ liệu...".

PGS,TS. Trần Quang Diệu, Học viện Chính trị quốc gia: "Cần xây dựng một hệ sinh thái báo chí mà ở đó các cơ quan báo chí có thể cùng chia sẻ dữ liệu...".

"Ngoài ra, các cơ sở báo chí truyền thông cũng cần thay đổi chương trình đào tạo để đáp ứng với nhu cầu thực tế hiện nay", PGS, TS Trần Quang Diệu nhấn mạnh.

Nhà báo Ngô Việt Anh, Phó trưởng Ban điện tử, Báo Nhân Dân, cho rằng hiện nay, báo chí thế giới đang phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ mạng xã hội. Các nền tảng như Tik Tok phát triển nhanh chóng, tiếp cận ngày càng nhiều lượng khán giả trẻ. Nhiều nhà sáng tạo nội dung video thậm chí có nhiều người theo dõi và xem hơn cả các kênh báo chí chính thống trên Tik Tok.

Để phát triển chiến lược nội dung vượt trội và báo chí dữ liệu, theo ông Ngô Việt Anh, cần đầu tư về nhân sự, cần thay đổi tư duy lãnh đạo và nhân viên theo hướng digital-first. Đồng thời vận hành tòa soạn theo hướng mở, tương tác; chú trọng đào tạo nhân sự đa phương tiện, đa nền tảng và khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo…

Báo chí dữ liệu là hướng đi không thể tách rời dòng chảy báo chí Việt Nam. Chỉ có nội dung vượt trội khi cơ quan báo chí đổi mới sáng tạo cả 4 lĩnh vực: chiến lược sản phẩm dịch vụ, lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ, lĩnh vực công chúng - khách hàng và kinh tế báo chí truyền thông.

Để có một sự phát triển bền vững, ngoài tự thân các cơ quan báo chí chủ động nghiên cứu, tìm kiếm cho riêng mình mô hình báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội thì cần xây dựng một hệ sinh thái báo chí truyền thông chuyên nghiệp, hiện đại, hướng tới báo chí số. Thông qua hệ sinh thái này, các cơ quan báo chí có khả năng sẵn sàng chia sẻ, kết nối dữ liệu.

Để thực hiện điều này, vai trò của các cơ quan có tính định hướng, quản lý, dẫn dắt như Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội nhà báo Việt Nam rất quan trọng.

Theo đó, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cần tham mưu, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; Hội Nhà báo có vai trò dẫn dắt, tư vấn xây dựng các mô hình quản lý và mô hình nghiệp vụ của các cơ quan báo chí trong xây dựng hệ sinh thái này.

Mộc Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bao-chi-can-phat-trien-khoa-hoc-du-lieu-de-co-noi-dung-vuot-troi.htm