Báo chí cần quay về giá trị cốt lõi để cạnh tranh với mạng xã hội

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, báo chí cần quay về với những giá trị cốt lõi của mình để cạnh tranh với mạng xã hội (MXH).

Sáng 12/11, Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về lĩnh vực y tế và nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì điều hành phiên họp.

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định báo chí cần tiếp tục tận dụng tiến bộ công nghệ và kiên định với sứ mệnh làm kênh thông tin chủ lưu, chính thống để giữ vững trận địa của mình trong bối cảnh cạnh tranh.

 Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: THQH.

Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: THQH.

Báo chí phải giữ vị thế dòng thông tin chủ lưu

Trong phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi nêu quan ngại thông tin, quảng cáo sai sự thật, trái thuần phong mỹ tục, phản cảm, vi phạm bản quyền hoành hành trên mạng xã hội. Điều này gây nhiễu loạn môi trường số, ảnh hưởng người tiêu dùng và cả các đơn vị báo chí.

Giải đáp khúc mắc trên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh nếu muốn giữ vững trận địa của mình thì báo chí phải làm khác mạng xã hội, quay về với những giá trị cốt lõi của báo chí: đưa tin xác thực, chính xác, khách quan, có trách nhiệm giải trình, đạo đức nghề nghiệp.

Trước đây trong không gian thực thì báo chí là lực lượng chủ đạo. Tuy nhiên, trên không gian mạng thì mạng xã hội lợi thế hơn báo chí vì có "hàng chục triệu phóng viên mà không mất tiền, ở khắp mọi nơi". Do đó, để cạnh tranh thì báo chí cần phát huy những thế mạnh riêng: thay vì chỉ đưa tin thì phân tích đánh giá, kể câu chuyện, dẫn dắt, định hướng xã hội; thay vì chỉ bình luận thì đưa ra giải pháp.

Những thông tin đi từ báo chí phải định hướng được dòng chảy chính trên không gian mạng. Sản phẩm báo chí phải được đầu tư chất lượng về cả hình thức lẫn nội dung.

Báo chí phải định vị lại vai trò, giữ vững trận địa của mình không chỉ trong không gian thực mà cả không gian mạng.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo xác định đây là phương hướng chính để báo chí cách mạng định vị lại vai trò, giữ vững trận địa của mình không chỉ trong không gian thực mà cả không gian mạng.

Bên cạnh đó, báo chí cần học hỏi và tận dụng công nghệ của mạng xã hội để làm báo: gia tăng tương tác hai chiều, quảng cáo đúng đối tượng. Bộ trưởng nhắc rằng làm truyền thông "chỗ nào đông người thì xuất hiện". Do đó, báo chí cần coi mạng xã hội là một công cụ để xuất hiện, là môi trường, nền tảng để phổ cập báo chí tốt hơn.

Cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí

Trước câu hỏi của đại biểu Tạ Thị Yên về mô hình kinh doanh báo chí, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói: "Báo chí cách mạng thì cách mạng phải nuôi".

Cách đây nhiều năm khi kinh tế thị trường mới vào Việt Nam, doanh nghiệp cần chi rất nhiều tiền cho quảng cáo để phục vụ kinh doanh. Mà thời điểm ấy, báo chí gần như là kênh truyền thông duy nhất. Do đó nhiều cơ quan báo chí đã đặt niềm tin dựa vào thị trường, mong muốn tự chủ.

Tuy nhiên sự xuất hiện của mạng xã hội đã thay đổi cuộc chơi. Theo Bộ trưởng, hiện nay 80% thị phần quảng cáo trực tuyến thuộc về mạng xã hội. Quảng cáo trực tiếp của báo chí cũng giảm khoảng 60% so với trước kia.

Song song đó, cơ quan báo chí ra đời nhiều. Hiện cả nước có 880 cơ quan báo chí. Số lượng đơn vị tăng trong khi nguồn thu giảm đã khiến nhiều đơn vị báo chí gặp khó khăn.

Từ đây, Bộ trưởng cho biết trong Chỉ thị số 34/CT-TTg do Thủ tướng chính phủ ban hành về truyền thông chính sách đã yêu cầu bộ ngành, truyền thông các cấp phải coi truyền thông là việc của mình. Ngoài chuyện chủ động cung cấp thông tin, có kế hoạch, có bộ máy đưa thông tin, thì cần có ngân sách hàng năm để chi cho truyền thông chính sách và dùng nguồn ngân sách này để vận hành báo chí.

Sắp tới đây, Luật Báo chí sửa đổi sẽ có mục riêng về kinh tế báo chí. Theo đó, luật sẽ cho phép một số cơ quan báo chí lớn kinh doanh nội dung xoay quanh lĩnh vực truyền thông.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Từ năm 2023, chính quyền các cấp đã tăng ngân sách cho báo chí. Sắp tới đây, Luật Báo chí sửa đổi sẽ có mục riêng về kinh tế báo chí. Theo đó, luật sẽ cho phép một số cơ quan báo chí lớn kinh doanh nội dung xoay quanh lĩnh vực truyền thông. Việc kinh doanh này nhằm phục vụ công tác làm báo.

Ngoài ra, quy hoạch báo chí của Nhà nước sẽ đầu tư trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí lớn, chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông. Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí chủ lực.

Trong bối cảnh tạo hành lang pháp lý thuận lợi và điều kiện phát triển cho báo chí, Bộ trưởng cũng nhắc nhở báo chí rằng "nếu chạy theo mạng xã hội thì sẽ đứng sau". Báo chí phải quay lại giá trị cốt lõi, lấy lại trận địa, gia tăng độc giả; từ đó quảng cáo sẽ tăng lên, đảm bảo được nguồn thu cho đơn vị.

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/bao-chi-can-quay-ve-gia-tri-cot-loi-de-canh-tranh-voi-mang-xa-hoi-post1510534.html