Tỷ lệ tham gia bảo hiểm tại Việt Nam còn thấp, chỉ chiếm khoảng 2% GDP
Theo đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, hiện Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ tham gia bảo hiểm thấp, chỉ chiếm khoảng 2% GDP trong khi ở khu vực châu Á, con số này đạt mức trung bình 4% và trên toàn thế giới là 9%.(KTSG Online) - Theo đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, hiện Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ tham gia bảo hiểm thấp, chỉ chiếm khoảng 2% GDP trong khi ở khu vực châu Á, con số này đạt mức trung bình 4% và trên toàn thế giới là 9%.
Theo thống kê từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, chỉ tính riêng trong năm 2023, ngành bảo hiểm đã tái đầu tư khoảng 757.000 tỉ đồng vào nền kinh tế, từ đó góp phần cung cấp vốn cho các dự án phát triển và cơ sở hạ tầng, TTXVN đưa tin.
Ông Phạm Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục quản lý, giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính, cho biết vừa qua, bão Yagi đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế. Ngay sau khi bão tan, Cục đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức rà soát thiệt hại, thực hiện tạm ứng, giải quyết bồi thường nhanh chóng và đầy đủ theo cam kết bảo hiểm. Việc tham gia bảo hiểm rất quan trọng cho tổ chức, cá nhân vì khi có tổn thất, bảo hiểm sẽ phần nào giúp giảm bớt gánh nặng tài chính để khôi phục lại hoạt động, sản xuất kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tỷ lệ tham gia bảo hiểm còn thấp, chỉ chiếm khoảng 2% GDP so với mức trung bình 4% của châu Á và 9% của thế giới. Tổng vốn chủ của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam trong năm 2023 là khoảng 190.000 tỉ đồng. Trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khoảng 39.000 tỉ đồng. Những con số này cho thấy ngành bảo hiểm của Việt Nam vẫn còn rất non trẻ.
Ông Tuấn đưa ra ví dụ về tỷ lệ bảo hiểm đối với thiệt hại do bão Yagi chỉ chiếm khoảng 17%. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ tham gia bảo hiểm thấp.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân khiến cho ngành bảo hiểm vẫn chưa phát triển tương xứng là do vẫn có tình trạng người dân, doanh nghiệp chưa hiểu hết vai trò của bảo hiểm, một phần vì truyền thông làm chưa thực sự tốt. Ngoài ra, hiệu ứng không tích cực khi có một số vụ tranh chấp về bảo hiểm, khiến người dân có định kiến.
Để ngành bảo hiểm phát triển mạnh mẽ hơn, các chuyên gia kinh tế cho rằng các cơ quan chức năng cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng để người dân và doanh nghiệp yên tâm tham gia bảo hiểm.
Đối với thị trường bảo hiểm nhân thọ, hiện vẫn tồn tại nhiều rào cản về nhận thức và tâm lý của người tiêu dùng, bảo hiểm là một loại hình dịch vụ phức tạp, khó hiểu và có chi phí cao dẫn đến việc e ngại tham gia. Vì vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm cần tập trung vào việc cải thiện chất lượng dịch vụ, đơn giản hóa quy trình tham gia và bồi thường để thu hút khách hàng.