Báo chí châu Âu công kích thủ tướng Anh sau thất bại ở quốc hội

Ông Johnson đối mặt áp lực lớn khi không thể đánh bại phe đối lập và thậm chí đảng Bảo thủ của ông còn mất luôn cả đa số ở quốc hội do một nghị sĩ phản đối, đào tẩu sang đảng khác.

Đến ngày 4/9, ông Johnson nhận thất bại thứ ba trong vòng 2 ngày khi quốc hội không cho phép ông tiến hành bầu cử sớm, đồng thời phê chuẩn một dự luật để ngăn cản Anh rời EU mà không có thỏa thuận.

Báo chí và những nhà bình luận chính trị ở EU đánh giá việc ông Johnson thất bại ở quốc hội là một thảm họa với thủ tướng Anh, theo Guardian.

Họ cho rằng chiến thuật của ông Johnson đã phản tác dụng, những tuyên bố mạnh miệng của ông đã không còn hiệu quả nữa, thậm chí báo chí EU nhận định rằng ông Johnson đang "phải chiến đấu để sống còn" chỉ sau 6 tuần bước vào nhà số 10 phố Downing.

Tờ báo lớn nhất nước Pháp, Le Monde, nói rằng ngày 3/9, khi một nghị viên đảng Bảo thủ "đào tẩu", khiến đảng mất thế đa số, là "một ngày điên rồ khác ở vùng đất Brexit", nơi "mọi thứ trở nên đặc biệt tồi tệ cho Boris Johnson".

"Chỉ trong vài giờ, thủ tướng mới của Vương quốc Anh đã mất vị thế đa số của chính phủ ở hạ viện, không thể ngăn chặn một cuộc nổi loạn trong đảng của ông, và thất bại trong một trận chiến quan trọng trước những người phản đối việc rời đi mà không có thỏa thuận".

Các tờ báo lớn ở châu Âu đều cho rằng thủ tướng Anh đã thất bại thảm hại và đang phải chiến đấu để tồn tại. Ảnh: Guardian.

Các tờ báo lớn ở châu Âu đều cho rằng thủ tướng Anh đã thất bại thảm hại và đang phải chiến đấu để tồn tại. Ảnh: Guardian.

Một báo Pháp khác là tờ Liberation thì đưa ra thống kê lịch sử cho thấy lần gần đây nhất một thủ tướng Anh thất bại trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên ở hạ viện là ông Earl of Rosebery vào năm 1894. "Rosebery không có một dấu ấn kéo dài và chỉ tồn tại được gần 1 năm ở phố Downing".

Liberation cũng nhận định: "Trong một ngày phi thường với đầy những bất ngờ, Boris Johnson đã lặp lại thất bại của Rosebery. Bằng một động thái chưa có tiền lệ, cơ quan lập pháp - gồm các thành viên quốc hội - đã nắm quyền kiểm soát từ cơ quan hành pháp là chính phủ.

Việc ông Johnson quyết định tạm hoãn các phiên họp của quốc hội đã khiến nhiều nghị sĩ tức giận và điều này trở nên phản tác dụng một cách thảm khốc, theo Liberation.

"Lần đầu tiên trong nhiều năm, Hạ viện Anh thể hiện sự đồng lòng và gắn kết. Liên minh 'nổi loạn' hoạt động một cách hoàn hảo. Cuối cùng, phe đối lập chỉ thể hiện 1 quan điểm đồng nhất, và Boris Johnson đã mắc kẹt trong cái bẫy mà ông giăng ra. Thật khó để có cách nào thoát ra khỏi cái bẫy này".

Báo El Pais của Tây Ban Nha nhận định: "Quốc hội Anh đã không bị ấn tượng trước sự nổi tiếng của Boris Johnson, và cũng không bị đe dọa trước sự mạnh miệng của ông ấy". Thủ tướng "bắt đầu ngày làm việc với nguồn năng lượng và một chất ngầu khiến những người ủng hộ ông hài lòng, nhưng kết thúc bằng việc né tránh các câu hỏi - sau khi phát hiện ra quốc hội phản ứng dữ dội như thế nào khi quyền lực của họ bị đe dọa.

Trong cuộc bỏ phiếu mới nhất về vấn đề Brexit, quốc hội đề xuất việc rời khỏi EU mà không có thỏa thuận là bất hợp pháp nếu không có sự chấp thuận của quốc hội, chính phủ của ông Johnson đã tiếp tục nhận thất bại khi đề xuất này được thông qua với tỷ lệ 329/300.

Điều này có nghĩa là nếu chính phủ của ông Johnson không thể đạt được một thỏa thuận rời đi với Brussels cho tới thời hạn 31/10, chính phủ sẽ phải tự động xin gia hạn đàm phán với EU, và không thể rời đi mà không có một thỏa thuận, vốn là điều ông Johnson sẵn sàng làm.

Quốc Thăng

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/bao-chi-chau-au-cong-kich-thu-tuong-anh-sau-that-bai-o-quoc-hoi-post986536.html