Báo chí đóng góp 615.488 tin bài về ngành Tài chính trong năm 2024
Con số này chiếm 12% trong tổng số hơn 5 triệu tin/bài tất cả các lĩnh vực, cho thấy sức 'nóng' và sự quan tâm của dư luận về ngành Tài chính. Báo chí đã góp phần nâng cao hiểu biết của công chúng về công tác quản lý tài chính, phản ánh tiếng nói của công chúng, đóng góp công sức thực hiện thành công các chính sách năm qua.
Tại Họp báo thường kỳ quý IV/2024 của Bộ Tài chính ngày 7/1, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã thông tin tổng quát những kết quả tiêu biểu của ngành Tài chính năm 2024.
Trong năm 2024, căn cứ nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, đề xuất, trình cấp thẩm quyền ban hành các chính sách tài khóa chủ động, mở rộng hợp lý, hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống người dân; đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, rà soát đối với các Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Thuế tài nguyên; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Luật Quản lý thuế; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Kế toán; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; trên cơ sở đó, sẽ nghiên cứu để lập đề nghị xây dựng các Luật và báo cáo cấp có thẩm quyền đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bộ hoàn thành 63 đề án nhiệm vụ được giao, trong đó có 38 đề án, nhiệm vụ được giao bổ sung. Tính đến hết 31/12/2024, đã hoàn thành 70/71 nhiệm vụ được giao; trình Chính phủ ban hành 23 Nghị định và 20 dự thảo Nghị định đang xem xét ban hành; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 Quyết định và 2 dự thảo Quyết định đang xem xét ban hành.
Những nỗ lực đó đã giúp thu ngân sách nhà nước cả năm 2024 ước đạt khoảng 2.025,4 nghìn tỷ đồng, tăng 19,1% (tăng 324,4 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 15,5% so thực hiện năm 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương ước đạt 123,7% dự toán, thu ngân sách địa phương ước tăng 14,4% dự toán.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định, ngành Tài chính được Chính phủ đánh giá hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, có được kết quả đó là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền, phản biện chính sách của các nhà báo, phóng viên.
Ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay đội ngũ báo chí đã tích cực đóng góp 615.488 tin bài về ngành tài chính trên tổng số hơn 5 triệu tin bài tất cả lĩnh vực, tức chiếm khoảng 12%, so với 2023 tăng 11.000 tin bài. Theo đó, thông tin tiêu cực về ngành giảm 2%, trong khi đó, thông tin tích cực tăng lên, ngày nhiều nhất đã đăng tải hơn 3.000 tin bài cho thấy sức “nóng” của lĩnh vực này. Ông Lợi đánh giá đây là những tin hiệu đáng mừng về thông tin, tuyên truyền của báo chí với ngành tài chính, cho thấy đây là lĩnh vực nóng được đông đảo dư luận quan tâm.
“Báo chí đã góp phần nâng cao hiểu biết của công chúng về công tác quản lý tài chính, phản ánh tiếng nói, thu thập ý kiến của công chúng tới cơ quan quản lý nhà nước để ngành Tài chính kịp thời điều chỉnh các chính sách, giúp thực hiện thành công các chính sách năm qua. Để công tác phối hợp giữa các cơ quan báo chí với ngành Tài chính tăng thêm hiệu quả trong năm tới, đề nghị Bộ Tài chính tạo thêm nguồn lực cho công tác truyền thông chính sách”, ông Đặng Khắc Lợi nêu ý kiến.
Tại họp báo, trao đổi với báo chí về điều tiết giá cả trong công tác kiềm chế lạm phát khoảng 4,5% như Chính phủ đề ra, đại diện Cục Quản lý giá cho biết Cục đã nhận định một số yếu tố tiềm ẩn nguy cơ tăng giá trong năm tới, từ đó Bộ Tài chính sớm ban hành kế hoạch, tổ chức quản lý bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán và đưa ra kịch bản điều hành giá cho cả năm 2025, theo Chỉ thị ban hành của Chính phủ.
Các giải pháp tập trung vào hoàn thiện hệ thống pháp luật, bám sát Luật Giá, theo dõi diễn biến giá cả chặt chẽ nhất là thị trường thế giới cho điều hành từng mặt hàng, nắm bắt thông tin cung - cầu các mặt hàng. Cuối tuần này, Bộ Tài chính sẽ tổ chức 3 đoàn đi nắm bắt giá cả thị trường ở 3 miền để đưa ra phương án điều hành linh hoạt.
Ngoài ra, họp báo cũng đã trao đổi về các thông tin: Giải ngân đầu tư công, tiếp thu phản hồi người dân về quy định hoãn xuất nhập cảnh khi nợ thuế, cơ chế phối hợp của báo chí với Bộ Tài chính để đảm bảo công tác thông tin nhanh chóng, kịp thời…