Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội: Chìa khóa cho sự phát triển báo chí hiện đại
'Trong cuộc cách mạng kỹ thuật số, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải có chiến lược nội dung khác biệt, vượt trội để giữ chân công chúng' - PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam nhận định.
Chiều 15/3, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí Việt Nam - hoạt động được tổ chức song song với Hội Báo toàn quốc 2024 đã diễn ra phiên thảo luận với chủ đề: "Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội".
Phát biểu đề dẫn phiên thảo luận, PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng thông tin: Vài năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, mạng xã hội và gần đây là Trí tuệ nhân tạo (AI) đã tác động đến hành vi người dùng Internet và xu thế phát triển của báo chí hiện đại.
Theo báo cáo xu hướng báo chí - truyền thông năm 2024 của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters (Anh), có 3 xu hướng chính đang tác động đến báo chí truyền thông: Thứ nhất, nhiều loại thiết bị mới ra đời. Thứ hai, các nền tảng số, mạng xã hội chuyên biệt về sáng tạo âm thanh và video phát triển bùng nổ. Thứ ba, làn sóng trí tuệ nhân tạo. Một số tòa soạn gọi sự thay đổi này là “giai đoạn thứ hai” trong cuộc cách mạng kỹ thuật số, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải có chiến lược nội dung khác biệt, vượt trội để giữ chân công chúng.
"Tại Việt Nam, một số cơ quan báo chí đang thúc đẩy chiến lược nội dung đa phương tiện, kết hợp báo chí dữ liệu với khoa học công nghệ và các ý tưởng sáng tạo; một số cơ quan báo chí tập trung vào chiến lược nội dung chuyên sâu vào các thị trường ngách", PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng nhận định.
Xu hướng báo chí 2024: Các toàn soạn tỏ ra rất lạc quan
Mở đầu phiên thảo luận, ông Kah Whye Lee - Giám đốc khu vực Châu Á, Hiệp Hội báo chí xuất bản thế giới thông tin về cuộc khảo sát của WAN- IFRA (Hiệp hội Báo chí thế giới) trên 175 lãnh đạo báo chí, mặc dù có nhiều thách thức nhưng các lãnh đạo tỏ ra khá lạc quan với năm 2024 và còn lạc quan hơn ở dài hạn - trong khoảng 3 năm tới.
Về toàn cầu các tòa soạn chờ đợi có doanh thu tăng 15% so với 2022. Năm 2024, các tòa soạn chờ đợi có tăng trưởng về doanh thu và tập trung nhiều về các nguồn doanh thu mới. Phần lớn doanh thu năm 2024 sẽ đến từ các cuộc bầu cử bởi một nửa dân số trên thế giới có các cuộc bầu cử trong năm nay, từ đó tạo ra tăng trưởng doanh thu cho báo chí.
Ông Kah Whye Lee cho biết, doanh thu lớn nhất vẫn đến từ quảng cáo, và vẫn có định hướng từ phát hành và đến từ độc giả. Xu hướng đang quan tâm các tòa soạn ngày càng tìm cách đa dạng hóa nguồn thu, bên ngoài doanh thu từ quảng cáo. Có nghĩa là các nguồn doanh thu mới ngày càng tăng lên.
"Doanh thu từ báo in chiếm hơn một nửa - 57% và cao hơn năm ngoái - đây là điều rất đáng ngạc nhiên. Trong khi đó nguồn thu phát hành số tăng khá ít 2%, thu từ kỹ thuật số đang giảm", ông Kah Whye Lee nói.
Theo ông Kah Whye Lee, các tòa soạn đang chờ đợi nguồn thu từ các nguồn không liên quan tới phát hành - đó là những nguồn không phải từ độc giả, không phải từ quảng cáo - chiếm 20%. Nguồn quan trọng nhất là tổ chức sự kiện - nhiều tòa soạn nói rằng nguồn thu này chiếm 30%, tiếp theo là tiền tài trợ và việc hợp tác với các nền tảng khác.
Báo cáo này cũng cho thấy, số lượng tòa soạn trong quá trình chuyển đổi số sâu và rộng có xu hướng tăng. Về đầu tư liên quan đến kỹ thuật tại các tòa soạn thì ưu tiên số một của họ sẽ đầu tư vào AI, thứ 2 là phân tích dữ liệu, thông tin chuyên sâu, thứ 3 là tập trung vào video.
"Mặc dù AI là đầu tư lớn nhất, song các tòa soạn đều chưa có lộ trình cụ thể về việc đầu tư này. Rất đáng ngạc nhiên khi phần lớn tòa soạn nói rằng họ chưa sử dụng AI như Chat GPT…", ông Kah Whye Lee cho hay.
Ông Kah Whye Lee cho biết, việc chần chừ này do họ không chắc chắn về độ chính xác và chính sách quản lý vẫn chưa rõ ràng. Khoảng 80% tòa soạn lo ngại về AI và coi đây là mối nguy cơ của mình. Đáng lo ngại nhất là dùng nội dung của tòa soạn nhưng không trả tiền, thứ hai là độc giả sẽ đọc nội dung của AI chứ không đọc trên báo chí nữa, thứ 3 là lo ngại về tin giả.
Ứng dụng khoa học dữ liệu để phát triển nội dung báo chí vượt trội
Tại phần trình bày của mình, PGS,TS. Trần Quang Diệu cho rằng, việc ứng dụng khoa học dữ liệu để phát triển nội dung báo chí vượt trội là xu hướng tất yếu hiện nay. Đưa ra thông tin chung về mô hình tòa soạn số, PGS, TS. Trần Quang Diệu cho rằng, nếu như trước đây, dữ liệu chỉ tham gia một phần vào các tuyến bài.
Nhưng hiện nay, công nghệ đã khiến dữ liệu hiện diện như một thể loại báo chí mới mẻ. Về quy trình, PGS, TS. Trần Quang Diệu đưa ra mô hình hoàn chỉnh, bắt đầu từ ý tưởng, các nhà báo sẽ xác định dữ liệu, làm giàu dữ liệu dựa trên các nền tảng công nghệ, phân tích đánh giá rồi tiến hành trực quan hóa trước khi tiến hành xuất bản.
Dựa trên các nghiên cứu cụ thể, diễn giả nhận định: Hiện tại các cơ quan báo chí mới chỉ dừng ở mức tương đối độc lập, chưa có sự liên kết và chia sẻ. PGS, TS Trần Quang Diệu cho rằng, cần xây dựng một hệ sinh thái báo chí mà ở đó các cơ quan báo chí có thể cùng chia sẻ dữ liệu, tạo thành một kho dữ liệu chung. Để làm được điều này, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có sự hướng dẫn, định hướng cụ thể.
"Ngoài ra, các cơ sở báo chí truyền thông cũng cần thay đổi chương trình đào tạo để đáp ứng với nhu cầu thực tế hiện nay", PGS, TS Trần Quang Diệu nhấn mạnh.
Chiến lược nội dung vượt trội của Báo Nhân Dân và vai trò của báo chí dữ liệu
Nhà báo Ngô Việt Anh, Phó Trưởng ban Nhân dân điện tử Báo Nhân Dân cho biết, hiện nay, báo chí thế giới đang phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ mạng xã hội. Các nền tảng như Tik Tok phát triển nhanh chóng, tiếp cận ngày càng nhiều lượng khán giả trẻ. Nhiều nhà sáng tạo nội dung video thậm chí có nhiều người theo dõi và xem hơn cả các kênh báo chí chính thống trên Tik Tok.
Mặc dù vậy, theo nhà báo Ngô Việt Anh, báo chí thế giới vẫn đang đón nhận nhiều tín hiệu lạc quan. Những tổ chức tin tức và truyền thông chất lượng vẫn có thể tăng trưởng bền vững vào năm 2024 trên cơ sở phát triển các gói đăng ký và kết hợp nhiều nguồn doanh thu. Bên cạnh đó, thế giới sẽ chứng kiến nhiều sự kiện chính trị (hơn 40 cuộc bầu cử) và thể thao (Thế vận hội Olympic) trong năm 2024. Đây sẽ là đòn bẩy để các tòa soạn tăng số lượng độc giả.
Với vai trò là cơ quan báo chí chủ lực, thời gian qua, Báo Nhân Dân đã đặc biệt chú trọng đến chiến lược phát triển nội dung vượt trội, trong đó tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển báo chí chuyên sâu, báo chí dữ liệu kết hợp công nghệ.
Cụ thể, Báo Nhân Dân đã triển khai các mô hình tòa soạn số, áp dụng công cũ theo dõi hành vi bạn đọc trên trang chủ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)... Bên cạnh đó, Báo Nhân Dân cũng đẩy mạnh phát triển báo chí chuyên sâu, báo chí dữ liệu kết hợp công nghệ, điển hình như chuyên mục Tri thức chuyên sâu với slogan: Mọi câu hỏi đều có lời giải. Đây là chuyên mục đầu tiên, khác biệt so với tất cả các chuyên mục khác trên các báo ở Việt Nam.
"Mỗi sản phẩm Tri thức chuyên sâu sẽ cung cấp thông tin hệ thống về một sự kiện, vấn đề, nhân vật, tổ chức, địa danh... dưới dạng hỏi đáp. Ngoài ra, chuyên mục cũng có giao diện hiện đại, thu hút bạn đọc. Mỗi sản phẩm được trình bày theo một định dạng thống nhất, có bản sắc", nhà báo Ngô Việt Anh thông tin thêm.
Một trong những dấu ấn nổi bật khác của Báo Nhân Dân chính là việc liên tục ra mắt các chuyên trang đặc biệt, kết hợp công nghệ với các ý tưởng sáng tạo để số hóa kho tư liệu quý, đem lại trải nghiệm đặc biệt cho độc giả.
Nhà báo Ngô Việt Anh đã tổng kết kinh nghiệm của Báo Nhân Dân trong việc phát triển chiến lược nội dung vượt trội và báo chí dữ liệu. Theo đó, về nhân sự, cần thay đổi tư duy lãnh đạo và nhân viên theo hướng digital-first; đồng thời vận hành tòa soạn theo hướng mở, tương tác; chú trọng đào tạo nhân sự đa phương tiện, đa nền tảng và khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo.
Về công nghệ, cần phát triển mô hình tòa soạn báo chí công nghệ, tăng cường đầu tư trang thiết bị, kỹ sư công nghệ; đẩy mạnh hợp tác với các công ty công nghệ cũng như ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Về tài chính, các cơ quan báo chí cần sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách; đồng thời đa dạng nguồn thu từ quảng cáo nội dung, tổ chức sự kiện để tái đầu tư.
Báo chí dữ liệu - chiến lược quan trọng trong xây dựng nội dung vượt trội
Khẳng định: Báo chí đang trải qua quá trình biến đổi sâu sắc do sự tiến bộ của công nghệ số, Ths Trần Lệ Thùy - chuyên gia báo chí truyền thông cho rằng báo chí dữ liệu là một xu hướng tất yếu.
"Báo chí dữ liệu là một lĩnh vực mới mẻ kết hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau, như khoa học xã hội, khoa học dữ liệu, khoa học máy tính, phân tích dữ liệu, thiết kế thông tin và kể chuyện", chuyên gia nhấn mạnh.
Theo diễn giả, một trong những chiến lược phổ biến để đầu tư dài hạn vào việc phát triển kỹ năng báo chí dữ liệu là sử dụng phần mềm sáng tạo. Đồng thời, để sản xuất câu chuyện tương tác và hình ảnh, hầu hết các phòng báo chí phụ thuộc, ít nhiều, vào các nền tảng bên ngoài.
Báo chí dữ liệu là một lĩnh vực chuyên sâu trong ngành báo chí đã phát triển để đáp ứng sự lan rộng ngày càng tăng của việc tạo ra và định lượng dữ liệu. Tính chất cơ bản của báo chí dữ liệu bao gồm việc sử dụng các cách kể chuyện hình ảnh tương tác, phân tích thống kê, bản đồ 3D và nhiều phương pháp khác để truyền đạt tin tức và thông tin dựa trên dữ liệu.
Dẫn chứng nhiều thí dụ để khẳng định tính hiệu quả vượt trội của báo chí dữ liệu, Ths Trần Lệ Thùy cho rằng, các tòa soạn báo chí Việt Nam nên quan tâm đến phát triển báo chí dữ liệu, trở thành nghiệp vụ không thể thiếu của nhà báo. Nghiệp vụ dữ liệu đi cùng với kỹ năng sản xuất tác phẩm báo chí có thể đảm bảo tính công bằng, chính xác, cân bằng trong tác phẩm báo chí, xây dựng lòng tin đối với độc giả. Đây là một chiến lược quan trọng trong xây dựng nội dung vượt trội.
Sự đổi mới tích cực của báo chí địa phương
Tại phần thảo luận, nhà báo Bùi Thị Thu Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong 5 năm qua, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã số hóa toàn bộ hệ thống tư liệu của Đài Phát thanh truyền hình, Báo Quảng Ninh...
Các dữ liệu đều được gán các trường thông tin cụ thể, bảo đảm việc tra cứu và sử dụng thuận tiện nhất.Bà Hương cho biết thêm, dựa trên hệ thống cơ sở dữ liệu nói trên, Trung tâm đã thực hiện được nhiều ấn phẩm đặc biệt. Tới đây, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ tiến tới thực hiện kế hoạch số hóa toàn bộ hệ thống các di tích, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh này.
Trong khi đó, nhà báo Trần Đức Kiên - Tổng Biên tập Báo Nghệ An chia sẻ báo Nghệ An đang ở bước đầu của quá trình chuyển đổi số và thực hiện các nội dung vượt trội. Hiện báo Nghệ An đang tập trung vào việc nghiên cứu sâu về độc giả, hướng tới việc kéo công chúng về với mình dựa trên 3 giải pháp Con người-Công nghệ và chiến lược nội dung vượt trội.
"Chúng tôi đã làm việc với các chuyên gia truyền thông của Google, Youtube để tìm hiểu kỹ hơn về độc giả của báo. Chúng tôi cũng xác định: Ở đâu có người Nghệ An thì ở đó phải có báo Nghệ An", nhà báo Trần Đức Kiên nhấn mạnh.
Chia sẻ cách tiếp cận "thị trường ngách", nhà báo Minh Việt - Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, thời gian qua, báo Nông nghiệp Việt Nam xác định rõ mục tiêu cần phải đi theo hướng báo chí chuyên sâu, chuyên biệt; trong đó tập trung đưa ra các giải pháp cụ thể dành riêng cho người nông dân.
Phát biểu kết luận phiên, PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng khẳng định: Báo chí dữ liệu có vị trí trung tâm và vai trò cốt lõi trong tiến trình phát triển báo chí số trên thế giới và Việt Nam, là giải pháp mạnh để thực thi chiến lược nội dung vượt trội, nâng cao năng lực cạnh tranh của cơ quan báo chí.
Trưởng ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, các cơ quan báo chí hiện nay cần coi việc phát triển báo chí dữ liệu như một yêu cầu bắt buộc. Nguồn dữ liệu mở, dữ liệu liên kết, dữ liệu tự thân của các cơ quan báo chí, đặc biệt là dữ liệu cho việc phân tích xu hướng báo chí sẽ là cơ sở cho việc lọc và làm giàu dữ liệu, phân tích đánh giá, trực quan hóa dữ liệu là những thao tác cơ bản để ứng dụng báo chí dữ liệu trong kể chuyện đa phương tiện, tạo tính đặc sắc và vượt trội của nội dung báo chí.