Báo chí giải pháp - hướng đi cho báo chí truyền thống

Chiều 21/9, Diễn đàn Tổng biên tập năm 2024 với chủ đề 'Báo chí giải pháp - hướng đi cho báo chí truyền thống' đã diễn tại tỉnh Bình Thuận.

Chủ trì Diễn đàn Tổng Biên tập: Báo chí giải pháp - Hướng đi cho báo chí truyền thống. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Chủ trì Diễn đàn Tổng Biên tập: Báo chí giải pháp - Hướng đi cho báo chí truyền thống. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận (Hội Nhà báo Việt Nam) phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí… trên cả nước.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Trần Nguyên Huy, Quyền Tổng biên tập Báo Nhà báo và Công luận, cho biết, được khởi đầu từ năm 2019, đến nay Diễn đàn Tổng Biên tập đã bước sang năm thứ 6, là nơi lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí… gặp gỡ, chia sẻ về những vấn đề đang là mối quan tâm hàng đầu của các tòa soạn, cùng thảo luận, đề xuất các giải pháp giúp các cơ quan báo chí vượt qua thách thức để hoạt động hiệu quả hơn.

Theo ông Lê Trần Nguyên Huy, báo chí truyền thống đã, đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ truyền thông xã hội. Thực tế đời sống báo chí thời gian qua cho thấy báo chí truyền thống không nên và không thể cạnh tranh với mạng xã hội về tốc độ đưa tin. Để bảo đảm sự tồn tại, kiến tạo nguồn thu và giữ chân được độc giả, báo chí truyền thống buộc phải tìm những hướng đi mới, tiếp tục khẳng định được dòng thông tin chủ lưu, định hướng, dẫn dắt dư luận và đóng góp được vào sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương giới thiệu đề dẫn những xu hướng chính của báo chí hiện nay. Ảnh: Nguyễn Thanh /TTXVN

Đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương giới thiệu đề dẫn những xu hướng chính của báo chí hiện nay. Ảnh: Nguyễn Thanh /TTXVN

Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ chiếm mất vị trí trung gian của báo chí. Rõ ràng, báo chí có nguy cơ mất đi cầu nối thông tin của độc giả. Với sự phát triển của công nghệ, nếu báo chí đứng yên sẽ bị sự phát triển của mạng xã hội lấn áp.

Theo ông Lê Quốc Minh, một hướng đi đang hiện rõ cho ngành báo là báo chí xây dựng, báo chí giải pháp. Theo đó, các cơ quan báo chí trong khi đưa tin cũng đề xuất các giải pháp hoặc luận giải kỹ lưỡng để độc giả cảm thấy được trao quyền và mang lại hy vọng. Hiệu quả của báo chí xây dựng sẽ ảnh hưởng tích cực đến tâm trạng của người dùng; trao quyền cho độc giả bằng cách thúc đẩy niềm tin vào năng lực bản thân; không bị coi là báo chí chất lượng thấp; thúc đẩy mọi người có hành động có ích cho xã hội; gia tăng tương tác với cơ quan báo chí, tác giả bài báo và chủ đề; tăng số “likes” dù có thể không thúc đẩy chia sẻ hoặc bình luận; có thể thu hút và tăng nguồn thu quảng cáo, vì thu hút sự chú ý nhiều hơn của độc giả.

Đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Hoài Anh, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho rằng trong thời kỳ khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay, những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, nhất là trí tuệ nhân tạo, những ứng dụng của công nghệ số đang đặt ra nhiều vấn đề mới trong hoạt động của báo chí truyền thống, vừa tạo ra nhiều cơ hội, vừa đặt ra nhiều thách thức mà báo chí truyền thống cần giải quyết để từ đó có thích ứng linh hoạt, tiếp tục phát triển.

Báo chí giải pháp, báo chí xây dựng không chỉ mang đến những phương pháp tiếp cận mới mẻ và tích cực cho báo chí mà còn là cơ hội để các cơ quan báo chí Việt Nam khẳng định vai trò của mình trong việc định hình và thúc đẩy sự phát triển xã hội. Hơn thế, báo chí giải pháp có thể giúp báo chí chính thống khẳng định vị thế trước sự cạnh tranh mạnh mẽ về thông tin từ mạng xã hội, thể hiện vai trò phụng sự Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Đồng chí Lê Huy Toàn, Tổng Biên tập báo Bình Thuận phát biểu tham luận tại Diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Thanh/ TTXVN

Đồng chí Lê Huy Toàn, Tổng Biên tập báo Bình Thuận phát biểu tham luận tại Diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Thanh/ TTXVN

Tại diễn đàn, các đại biểu bàn luận về thực trạng báo chí hiện nay cũng như những khó khăn để báo chí truyền thống thu hút bạn đọc, đề ra những giải pháp phát huy vai trò báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp của báo chí chính thống, báo chí truyền thống. Phần lớn giải pháp tập trung vào vấn đề đầu tư công nghệ để đổi mới nội dung, sản phẩm truyền thông, tăng tính hấp dẫn, thu hút độc giả; hợp tác chia sẻ thông tin trên nền tảng số hóa; nâng cao trình độ đội ngũ người làm báo…

Những trao đổi thẳng thắn, những kinh nghiệm được chia sẻ cùng những đề xuất, giải pháp được gợi mở từ Diễn đàn sẽ góp phần định hình hình rõ hơn xu hướng báo chí giải pháp tại Việt Nam. Từ đó các tòa soạn có cách làm phù hợp hơn trong thực tế hoạt động báo chí, góp phần thúc đẩy sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam trong kỷ nguyên số, mang đến thông điệp ý nghĩa vào hành trình phát triển của báo chí nước nhà trước thềm kỉ niệm 100 năm ngày thành lập báo chí cách mạng Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Tổng Biên tập: Báo chí giải pháp - Hướng đi cho báo chí truyền thống, đóng góp ủng hộ khắc phục hậu quả bão số 3. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Tổng Biên tập: Báo chí giải pháp - Hướng đi cho báo chí truyền thống, đóng góp ủng hộ khắc phục hậu quả bão số 3. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Tại diễn đàn, các đại biểu cũng tham gia quyên góp ủng hộ công tác khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Hồng Hiếu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/bao-chi-giai-phap-huong-di-cho-bao-chi-truyen-thong-20240921175718096.htm