Báo chí muốn giữ vững vị thế thì cần làm khác mạng xã hội

Sáng 12/11, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan nhiều vấn đề 'nóng' như quản lý mạng xã hội và những tiêu cực của một bộ phận người làm báo.

 Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội sáng 12/11 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội sáng 12/11 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Báo chí hiện nay cần có phân tích, định hướng xã hội

Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp về vấn đề tiêu cực của một bộ phận phóng viên, biên tập viên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, vấn đề đạo đức phóng viên, biên tập viên rất được quan tâm trong những năm gần đây. Bộ trưởng chỉ rõ nguyên nhân chủ yếu của những tiêu cực là do kinh tế báo chí.

Trước đây, 80% quảng cáo trực tuyến thuộc về báo chí thì nay thuộc về mạng xã hội, tức là nguồn thu từ quảng cáo đối với các cơ quan báo chí giảm đáng kể.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị năm 2023 về truyền thông chính sách, trong đó xác định rõ chính quyền các cấp phải coi truyền thông chính sách là nhiệm vụ của mình, có bộ máy và có ngân sách hàng năm để đặt hàng cho báo chí. Đây cũng sẽ là nguồn tăng thêm cho báo chí thực hiện.

Về kinh tế báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, báo chí cũng phải thay đổi công nghệ. Hiện, đang có chiến lược chuyển đổi số quốc gia cho báo chí để đưa công nghệ của báo chí tương đương với các nền tảng xã hội. Như vậy, vấn đề quan trọng nhất vẫn là đạo đức người làm nghề báo.

"Thực tế thu nhập của phóng viên ở các cơ quan báo chí cũng không thấp so với cán bộ, công chức. Nhiều cơ quan báo chí có mức thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng, thấp hơn so với doanh nghiệp truyền thông nhưng cao hơn so với công chức, viên chức", Bộ trưởng nêu rõ.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò của báo chí chính thống, khi mạng xã hội ra đời, vai trò đưa tin của báo chí có chiều hướng giảm sút. Vì vậy, báo chí muốn giữ vững vị thế của mình thì cần làm khác mạng xã hội, quay về với giá trị cốt lõi của báo chí là tính xác thực, chính xác, khách quan, có trách nhiệm giải trình, đạo đức nghề nghiệp.

Thay vì đưa tin thì cần nâng cao chất lượng nội dung như phân tích, đánh giá, đưa ra giải pháp, dẫn dắt, định hướng xã hội.

Thừa nhận vấn đề đạo đức báo chí trong nhiều năm chưa được quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định, Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo, Hội Nhà báo xác định, trong nhiệm kỳ này tập trung vào vấn đề đạo đức nghề nghiệp đối với phóng viên báo chí.

Trách nhiệm quản lý mạng xã hội?

Liên quan vấn đề quản lý mạng xã hội, chống tin giả, tin sai sự thật của một số đại biểu Quốc hội chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, đây là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà mang tính toàn cầu.

Theo Bộ trưởng, trong số các giải pháp quản lý vấn đề này, trước tiên là vấn đề hoàn thiện thể chế.

"Trước đây, chúng ta chỉ quy định xử lý cá nhân sử dụng mạng xã hội khi đưa thông tin sai sự thật, tin giả. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta đã đưa vấn đề xử lý các nền tảng xã hội khi vi phạm luật pháp Việt Nam. Trước đây, chúng ta cũng cho rằng, đây là trách nhiệm của quản lý nhà nước nhưng thật ra trách nhiệm lớn là của các nền tảng xã hội", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.

Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, các nền tảng phải có trách nhiệm rà quét, tự động gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc. Đồng thời, vấn đề truyền thông để mọi người dân có kỹ năng số, biết sử dụng các nền tảng số, có khả năng đề kháng trong không gian số, trong đó đào tạo cho cả thế hệ tương lai là học sinh, sinh viên là rất cần thiết.

Cũng theo Tư lệnh ngành TT&TT, để người dân bị ảnh hưởng do thông tin sai, tin xấu độc có nơi để phản ánh và đề nghị giúp đỡ, Bộ TT&TT đã thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm chống tin giả quốc gia và các địa phương cũng thành lập các Trung tâm như vậy.

Theo Chinhphu.vn

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202411/bao-chi-muon-giu-vung-vi-the-thi-can-lam-khac-mang-xa-hoi-1026312/