Báo chí, người nổi tiếng và cuộc cạnh tranh 'đào vàng trên mạng'
Thế giới showbiz luôn là chủ đề thu hút sự quan tâm của số đông. Đặc biệt trong đó, đời sống riêng tư và tài sản sở hữu của các ngôi sao luôn hấp dẫn hơn tất cả. Vì nó bí mật. Mà những gì bí mật, luôn khiến người ta phải tò mò!
Thi thoảng, tôi lại thấy một “ngôi sao” nào đó lên báo xin giúp đỡ. Họ nói rằng không còn tiền sống, không còn tiền thuê nhà trọ, phải cực khổ mưu sinh. Tất nhiên, đó không phải là sao hạng A, nhưng cũng khiến không ít khán giả phải bất ngờ. Ồ, ngôi sao mà bi thảm đến vậy ư?
Ở thái cực ngược lại, cũng có những vụ scandal ầm ĩ, mà nội dung chính là “ngôi sao” bị tố đang mắc bệnh… ngôi sao, và hét giá trên trời. Khi ấy, dư luận lại ngơ ngác. Ôi hóa ra khi ở đỉnh cao danh vọng, người ta có thể đi sự kiện trong 5 - 10 phút kiếm số tiền bằng người bình thường làm suốt mấy chục năm?
Nhưng cuộc sống luôn có ngoại lệ. Đó là trường hợp của ca sĩ Phan Đinh Tùng.
Mặc dù đã gần như biến mất khỏi showbiz, nhưng chắc nhiều người rất sốc khi biết ca sĩ này “không làm gì cả” vẫn có thể bỏ túi gần 4 tỷ đồng mỗi năm chỉ từ 1 bài hát “quốc dân” là “Khúc hát mừng sinh nhật”. Sau gần 8 năm phát hành trên YouTube, ca khúc này đang có hơn 259 triệu lượt xem và chưa dừng lại.
Một trường hợp khác là nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung với bài hát “Nhật ký của mẹ”, ước tính thu nhập chỉ từ nguồn có thể thống kê cũng lên tới 2 tỷ đồng hàng năm. Các nguồn khác như bán bản quyền cho nước ngoài, sử dụng trong các sự kiện khách hàng, thương hiệu, doanh nghiệp và sự kiện thương mại khác có thể còn cao hơn nữa.
Điểm chung trong câu chuyện của Phan Đinh Tùng và Nguyễn Văn Chung là họ đang sở hữu một loại tài sản số và có “tính sử dụng nhiều lần”.
“Tính sử dụng nhiều lần” luôn là một điều khao khát của các nhà sáng tạo nội dung trên Internet, cả chuyên lẫn không chuyên. Vì mỗi ngày, có hàng tỷ nội dung mới được tạo ra, nhưng chỉ số ít trong đó thu hút người xem; số ít hơn trong đó có thể kiếm tiền, và số ít hơn nữa trong đó có thể kiếm tiền đều đặn. Điều đó có được khi và chỉ khi nó có “tính sử dụng nhiều lần”, vốn là thứ mà báo chí chính thống gần như không có.
Câu chuyện chuyển dịch từ viết báo và phát hành ở kênh truyền thống lên môi trường Internet gặp khó ở việc kiếm tiền. Vì nguồn thu phụ thuộc rất nhiều vào quảng cáo. Quảng cáo hiển nhiên sẽ đến từ traffic (lượng truy cập, lượt xem video, lượt đọc). Và traffic thì phụ thuộc quá lớn vào sức ép báo chí phải cập nhật thông tin và sản xuất tin bài liên tục.
Theo tôi quan sát, thông tin trên báo chí gần như không có “tính sử dụng nhiều lần”. Thậm chí, tính sử dụng một lần cũng bị cạnh tranh khốc liệt từ các nền tảng mạng xã hội và các trang web “ký sinh”.
Trong bối cảnh đó, mô hình podcast và hoặc các show trên nền tảng Internet có thể khả quan hơn. Một số tờ báo đã mở chuyên mục podcast không chạy theo tính thời sự, thay vào đó là những chuyên mục có “tính sử dụng nhiều lần” như hồ sơ vụ án, giải mã bí ẩn, tư vấn tình cảm…
Và một số nhà báo cũng tham gia vào cuộc đua trở thành nhà sáng tạo nội dung với những kênh truyền thông riêng. Điển hình trong đó là Trần Quốc Khánh với Quốc Khánh Show, Vietsucess; Thùy Minh với Vietcetara Podcast, Have a sip; hay nhà báo Kim Hạnh với 5 phút chuyện thị trường.
Và không biết do tình cờ hay có tính toán, chủ đích từ đầu, mà các kênh podcast này đều có “tính sử dụng nhiều lần”. Tức là có cơ hội để chủ sở hữu có thể kiếm tiền tích lũy từ quảng cáo. Số lượng podcast càng nhiều, tuổi đời càng cao, thì số lượt xem càng tăng lên đều đặn, và thu nhập cũng tăng tỷ lệ thuận theo.
Nhưng khác với câu chuyện của Phan Đinh Tùng hay Nguyễn Văn Chung, những kênh podcast mà chúng ta đề cập không có số lượt xem quá lớn. Ngay cả khi mời những ngôi sao giải trí hoặc ngôi sao mạng tham gia với tư cách khách mời, các podcast này thường đạt được lượt xem cao nhất là 1 triệu views. Còn lại, con số trung bình là 100 - 200 ngàn cho mỗi video. Nếu chỉ trông chờ vào quảng cáo thuần túy, thì thậm chí số tiền đầu tư sản xuất còn cao hơn cả quảng cáo thu về.
Nhưng mô hình podcast kiểu này lại đề cao tính cá nhân của người dẫn dắt. Nói theo ngôn ngữ của dân truyền thông thì giúp chủ nhân podcast có thể xây dựng Thương hiệu cá nhân. Tức là, bên cạnh việc kiếm tiền có thể coi như phụ, thì các kênh podcast sẽ giúp những người như Trần Quốc Khánh, Thùy Minh hay nhà báo Kim Hạnh trở thành KOL, người gây ảnh hưởng. Và họ có thể kiếm tiền, rất nhiều tiền từ vị thế này.
Thu nhập của KOL đến từ việc đăng quảng cáo gắn với uy tín cá nhân, đi sự kiện, trở thành diễn giả, phát hành sách và kinh doanh các sản phẩm dịch vụ khác nữa, tùy thuộc vào mức độ nổi tiếng, lĩnh vực tham gia và uy tín cá nhân của từng người. Thật khó để đưa ra ước tính vì có quá nhiều biến số, nhưng để thu về “loanh quanh” 1 tỷ đồng thì không hề khó, nếu chủ nhân podcast chịu “cày bừa”!
Nhưng có điều, cuối cùng thì thu nhập đó vẫn là thu nhập của cá nhân người làm báo thức thời. Về danh nghĩa, họ có thể khai thác lợi thế của người làm báo, và cả của cơ quan báo chí nơi họ công tác để góp phần vào việc phát triển thương hiệu cá nhân. Nhưng chính các tòa soạn báo thì lại ít khi đặt vấn đề khai thác doanh thu ngược lại từ những kênh podcast kiểu này.
Trong thời đại bùng nổ của mạng xã hội, của content (nội dung) ngắn, và của xu hướng chuyển dịch truyền thông qua kênh của những người gây ảnh hưởng, tôi cho rằng mô hình kết hợp giữa báo chí và KOL báo chí là rất quan trọng và cũng rất khả thi. Thay vì chỉ nỗ lực đa dạng hóa nội dung và hình thức, đưa ra những sản phẩm mang tính content để thu tiền quảng cáo thuần túy, các tòa soạn báo hoàn toàn có thể hợp tác với những nhà báo có năng khiếu, có năng lực và có đam mê để tạo điều kiện cho họ phát triển Thương hiệu cá nhân, rồi cùng hợp tác để khai thác doanh thu từ Thương hiệu cá nhân này.
Khi ấy, báo chí sẽ có một “vùng đất đầy tiềm năng” để tăng trưởng doanh thu, chuyển từ tình trạng phải cạnh tranh với mạng xã hội qua mô hình cộng sinh cùng phát triển bền vững, giảm áp lực tin bài, và có nguồn thu ổn định nhờ “tính sử dụng nhiều lần”.