Báo chí nhân văn lan tỏa chân - thiện - mỹ
Tác phẩm báo chí đến với công chúng phải thể hiện bằng trách nhiệm của người làm báo đối với xã hội, thể hiện được tính nhân văn.
Cạnh tranh thông tin, song tác phẩm báo chí đến với công chúng phải thể hiện bằng trách nhiệm của người làm báo đối với xã hội, lan tỏa những giá trị chân - thiện - mỹ.
Đó là quan điểm được nhiều tòa soạn quán triệt với các phóng viên, biên tập viên của mình.
Thể hiện trí tuệ, đạo đức người làm báo
“Món quà vô giá của chàng trai ra đi ở tuổi 22” là bài viết đăng trên báo Người Lao động ngày 19/5/2023, kể về trường hợp Nguyễn Võ Anh Tuấn hiến một phần thân thể khi qua đời cho người sống, đã giúp hai trường hợp được sáng mắt.
Mẹ của Tuấn là bà Võ Thị Sương, làm việc ở một trường mầm non tại TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, trải qua nhiều năm dài khó nhọc chăm sóc con bệnh trong những căn nhà thuê, khổ sở trăm bề.
“
Có thông tin đơn thuần là thỏa mãn sự hiếu kỳ, đăng phát có thể thu hút được view nhưng có thể gây tổn thương cho người trong cuộc, khi ấy tòa soạn quyết định bỏ qua.
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó tổng biên tập Thường trực Báo Pháp luật TP.HCM
”
Bài báo đã làm rung động những tấm lòng vàng, nhiều người đóng góp giúp bà Sương và sự hỗ trợ của địa phương để bà có thể xây được căn nhà khang trang trên đất của gia đình.
Những bài báo như vậy xuất hiện ngày càng nhiều trên báo Người Lao động: Sau những dòng tin tức, con chữ, lồng vào đó là thấm đẫm tính nhân văn. Phương châm thông tin của báo được đúc kết thành slogan “Nhanh, hay, chính xác, trách nhiệm và nhân văn”.
Theo nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng biên tập báo Người Lao động, làm báo trong thời đại bùng nổ thông tin, khoa học công nghệ tiến bộ từng ngày thì nhanh, hay, chính xác là yêu cầu tất yếu.
Tuy nhiên, tác phẩm báo chí đến với công chúng phải thể hiện bằng trách nhiệm của người làm báo đối với xã hội, thể hiện được tính nhân văn.
“Chúng tôi không chạy đua đưa tin chụp giật, câu view. Chúng tôi chọn cách đưa không làm cho phản cảm, mà là thông tin cốt lõi, cách thể hiện khơi gợi lòng nhân ái, ý thức con người. Mục “Truy vết mạng xã hội” được xây dựng trên báo điện tử Người Lao động cũng trên tinh thần đó”, ông Tuân chia sẻ.
Theo ông, thông tin từ mạng xã hội lan tỏa rất nhanh, nhất là những vụ việc được dư luận quan tâm.
Báo chọn cách tiếp cận “truy vết”, nhằm tìm từ căn nguyên, bản chất vụ việc là gì và câu trả lời từ chính cơ quan, người có trách nhiệm phát ngôn. Qua đó, vừa cung cấp thông tin chính xác vừa giúp bạn đọc hiểu thêm về vụ việc và có cái nhìn thấu đáo, xác thực hơn.
Ngoài việc xác định quan điểm làm nghề với các phóng viên, biên tập viên, báo Người Lao động còn khởi xướng chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển”, nay là chương trình “Tự hào cờ Tổ quốc” đã lan tỏa sâu rộng; hay những chương trình hoạt động xã hội sau mặt báo rất có ý nghĩa, độ rung xã hội cao như Chương trình “Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo”; “Mai vàng nhân ái”, nay là “Mai vàng tri ân”...
“Tinh thần nhân văn trên các xuất bản phẩm của báo cũng nhằm đề cao những phẩm giá tốt đẹp của con người, lan tỏa những giá trị chân - thiện - mỹ; thể hiện trí tuệ, đạo đức của người làm báo, góp sức xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn”, ông Tuân cho biết.
Sau con chữ là số phận con người
Theo nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó tổng biên tập Thường trực báo Pháp luật TP.HCM, báo chí nhân văn, hiểu một cách giản dị, là nền báo chí phục vụ con người, vì con người.
Báo Pháp luật TP.HCM coi tính nhân văn là một trong những tiêu chí hàng đầu, chi phối mọi nội dung của báo và trong hoạt động tác nghiệp, đời sống của mỗi thành viên.
“Tính nhân văn sẽ soi rọi và dẫn dắt nhà báo trong từng hành động: Nên làm điều này như thế nào? Điều này có ích gì cho đời sống của người dân? Tính nhân văn chi phối và giúp nhà báo chọn lựa cách làm tốt nhất”, ông Hiển nói.
Cũng theo ông Hiển, với sự phát triển mạnh mẽ của đời sống, nhà báo đôi khi chìm trong biển thông tin, chạy theo trend (xu hướng) vì sợ bỏ sót, sợ bị chậm trễ… Khi ấy, càng cần sự tỉnh táo và tính nhân văn là “một cái phanh hãm”.
Cũng có những thông tin có vẻ khô khan, nhưng nếu lý giải, phân tích rõ sẽ mang lại những giá trị nhận thức, tri thức, soi rọi nhiều chiều, tòa soạn luôn cố gắng bảo nhau làm. Có thể ngay tức thời nó không mang lại view cao (những lợi ích kiểu “hớt váng” sự quan tâm của công chúng) nhưng nó củng cố những giá trị nhân văn mà tờ báo đeo đuổi.
Ông Hiển kể, nhiều biên tập viên đã tiếc rẻ khi buộc phải bỏ đi một tấm ảnh đắt giá, một dòng thông tin “độc”. Bởi, dù muốn hay không, lượt xem của bạn đọc vẫn là một trong những tiêu chí thể hiện sự hấp dẫn.
“Mọi người trong báo luôn nhắc nhau rằng: Nếu không biết làm cho tờ báo hấp dẫn, ấy là nghiệp vụ kém. Nhưng đăng phát những thông tin vô bổ, độc hại, là thiếu bản lĩnh.
Việc một người dân bị xử lý hình sự vì cưa một cây gỗ chết khô trong rừng, khi phát hiện dấu hiệu oan sai, báo đấu tranh đến cùng. Có những vụ án, vụ việc ở vùng sâu vùng xa, mức án không cao, sự quan tâm ban đầu của công chúng không lớn, phóng viên vẫn lặn lội hàng chục chuyến, nhiều năm ròng rã để phản ánh, đẩy vấn đề.
Chọn lựa sự vất vả, gian lao, nhọc công vì một câu chuyện có vẻ nhỏ nhoi so với mặt bằng thông tin chung như thế, vì nó liên quan đến số phận một con người, theo tôi, cũng là một biểu hiện của báo chí nhân văn”, ông Hiển chia sẻ.
Đặt mình vào vị trí người khác
Tổng biên tập báo điện tử Dân trí Phạm Tuấn Anh cũng cho biết, để có được sự tin cậy, đồng hành chia sẻ của cộng đồng, bạn đọc, trước hết phải làm báo một cách tử tế và đáng tin cậy.
“Tinh thần Nhân văn - Nhân bản - Nhân ái luôn được chúng tôi áp dụng vào nghiệp vụ hoạt động của mình. Khi mình viết về một tổ chức hay một cá nhân nào, mình cũng phải biết đặt vào vị trí của họ. Việc đăng hay không đăng có gây ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, doanh nghiệp, uy tín và danh dự cá nhân hay không? Nếu người thân của mình là họ thì thế nào?
Cần phải có cái nhìn khách quan, đa chiều, không áp đặt phiến diện. Khi nội dung khách quan, nhân văn sẽ đầy đủ tính chuyên nghiệp đối với bạn đọc”, ông Tuấn Anh nói và cho biết, trong tất cả các cuộc họp trao đổi nghiệp vụ của tòa soạn, tinh thần Nhân văn - Nhân bản - Nhân ái luôn là kim chỉ nam.
Theo nhà báo Ngô Quang Trưởng, Phó tổng Thư ký tòa soạn báo Sài Gòn Giải Phóng, báo luôn thể hiện rõ vai trò báo chí kiến tạo, thông qua việc phát hiện những tồn tại trong cơ chế, chính sách và đề ra giải pháp tháo gỡ, khắc phục.
Đồng thời, giữ tôn chỉ mục đích, đưa tin khách quan, trung thực, tạo không gian trao đổi, đối thoại, kết nối giữa các bên; góp phần kiến tạo nền tảng giá trị bền vững, nhân rộng những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Tinh thần này được truyền đạt đến đội ngũ phóng viên, biên tập viên qua những buổi đối thoại, sinh hoạt chuyên đề, giao ban tác chiến và trực tiếp là trao đổi công việc, xử lý công việc hàng ngày.
Qua đó, báo Sài Gòn Giải Phóng ưu tiên chuyển tải những vấn đề quan trọng về chính trị - xã hội, kinh tế, văn hóa; đi sâu vào từng nội dung nổi cộm, có tác động đến đông đảo người dân. Báo không sa đà phản ánh những vụ việc vụn vặt, không câu view, không dùng ngôn ngữ quy chụp, vùi dập, gây hoang mang dư luận. Từng chi tiết thông tin, hình ảnh xuất hiện trên báo đảm bảo nguồn, có tính xác thực và bối cảnh rõ ràng…
Ngoài tin tức, các bài viết không dừng lại ở việc phản ánh những lỗ hổng, bất cập trong thực tế, mà chú trọng tìm kiếm, bàn thảo giải pháp từ cơ quan chức năng, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân cho từng vấn đề. Từ đó, gợi mở với các cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh chính sách, thiết lập cơ chế mới...
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bao-chi-nhan-van-lan-toa-chan-thien-my-d594638.html