Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: 'Mong các thầy cô tự đổi mới mình, vượt qua giới hạn của bản thân'
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao danh hiệu Nhà giáo nhân dân cho 21 nhà giáo giáo thuộc các bộ, ngành, địa phương và trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho 65 nhà giáo trực thuộc Bộ GD&ĐT.
Buổi lễ diễn ra sáng 17/11, tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô, Hà Nội.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Tôn vinh nghề dạy học, vinh danh nhà giáo đã trở thành nét văn hóa tốt đẹp của đất nước chúng ta.
Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng gửi lời chào mừng, chúc mừng 21 Nhà giáo nhân dân, 65 nhà giáo ưu tú và 251 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho 1,6 triệu nhà giáo có mặt tại buổi lễ.
Bộ trưởng nhấn mạnh, có được những kết quả lớn và quý báu như trên, chúng ta phải kể tới sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, tổ chức liên quan, sự vào cuộc tích cực của địa phương, sự quan tâm của toàn xã hội, người dân, các vị phụ huynh,… Nhưng trong đó, nhất định phải kể đến vai trò đặc biệt quan trọng của các nhà giáo. Chúng ta đều ý thức rằng những nhà giáo giỏi, tâm huyết, tiêu biểu, và đặc biệt là những nhà giáo ưu tú có vai trò hạt nhân, đầu tầu và sức lan tỏa lớn.
Bộ trưởng bày tỏ ghi nhận, đánh giá rất cao đối với sự đóng góp của các cô các thầy cho ngành Giáo dục, cho sự nghiệp khoa học và đổi mới sáng tạo của đất nước trong suốt thời gian qua; đồng thời bày tỏ sự tự hào, tri ân, cảm ơn và chúc mừng đặc biệt tới các Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú đã được lựa chọn.
Để thực hiện thành công những nhiệm vụ lớn của ngành Giáo dục, theo Bộ trưởng, toàn ngành Giáo dục phải rất quyết tâm và cần hội đủ nhiều điều kiện cần thiết. Trong đó, yếu tố con người, mà tiêu biểu là các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng.
Các Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, nhà giáo tiêu biểu sẽ là những hạt nhân phát huy tốt nhất kinh nghiệm, trí tuệ, quyết tâm và sự sáng tạo của bản thân, đồng thời chia sẻ, lan tỏa, truyền cảm hứng tích cực, nhân rộng những điều tốt đẹp tới cộng đồng các nhà giáo.
“Gừng thêm cay cùng thời gian, thầy thêm giỏi cùng năm tháng. Kính mong và kính mong các thầy cô tiếp tục tự học, tự đổi mới mình, vượt qua các giới hạn của bản thân để phát huy tốt nhất sự ưu tú của mình”, Bộ trưởng bày tỏ.
Bộ trưởng cũng tin tưởng, các thầy cô là những người ưu tú cần làm hạt nhân cho việc giải quyết những vấn đề mới, vấn đề khó. Ưu tú không đợi phải phân công, không đợi phải yêu cầu, mà sự ưu tú ấy cần được thể hiện qua tinh thần dấn thân, gánh vác, chủ động, tích cực với những việc đã làm, đang làm và cần làm cho ngành Giáo dục.
“Chúng tôi tin đội ngũ nhà giáo sẽ hoàn thành sứ mệnh lớn lao của mình”
Được sinh ra và lớn lên trên vùng đất Văn Yên - một huyện miền núi vùng cao xa xôi của tỉnh Yên Bái, ngay từ khi còn nhỏ, cô Vũ Thị Hạnh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Yên Bái) đã ước mơ mình được làm cô giáo.
Tốt nghiệp THPT, giữa lúc bạn bè người chọn ngành Y, ngành Dược, Thương nghiệp, Ngoại thương… riêng cô Hạnh chọn thi vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Với nỗ lực cố gắng của bản thân, sự giúp đỡ của các thầy cô, mơ ước của cô đã thành sự thật.
Từ khi trở thành cô giáo, cô luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ: "Các thầy giáo, cô giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy như thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh".
Vì vậy, mỗi giờ học, cô Hạnh đều đầu tư nghiên cứu để tìm ra phương pháp giảng dạy thích hợp với nguyên tắc: trong mỗi bài dạy, kiến thức phải được cô đọng, trọng tâm, không dàn trải. Suốt 34 năm qua đứng trên bục giảng, được chứng kiến những thăng trầm, đổi thay, bước đột phá của nền giáo dục nước nhà, dù còn muôn vàn khó khăn vất vả, nhưng cô cùng với các đồng nghiệp của mình vẫn vững tay lái, chắc tay chèo, tất cả vì học sinh thân yêu, vì nhiệm vụ thiêng liêng của nghề giáo.
“Với sự quan tâm của Đảng, nhà nước, với hành lang pháp lý và những cơ chế vận hành đang được điều chỉnh, bổ sung trong dự thảo Luật Nhà giáo, chúng tôi tin đội ngũ nhà giáo sẽ hoàn thành sứ mệnh lớn lao của mình” – cô Hạnh bày tỏ.
Cô Hạnh tin tưởng giáo viên là những hạt nhân tỏa ra nguồn năng lượng tích cực nhất, ảnh hưởng, tác động lớn nhất tới đồng nghiệp, tới học trò, để rồi tất cả cùng cộng hưởng nhiều đời, tạo dựng một nền giáo dục hiện đại mà vẫn rất Việt Nam.
Tạo động lực cho nhà giáo tiếp tục cống hiến
Chia sẻ cảm nhận về lễ trao tặng danh hiệu lần này, PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Loan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương Mại chia sẻ: "Được phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân là một sự ghi nhận to lớn cho hơn 40 năm gắn bó với nghề, giúp tôi cảm thấy sự cố gắng và những đóng góp của mình là có ích, góp phần củng cố thêm cho tôi niềm tin và tự hào về nghề giáo của mình".
Bên cạnh đó, cô cũng bày tỏ, nếu có thêm nhiều thời gian, cô vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực cống hiến để góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục nước nhà.
"Lễ trao tặng được tổ chức rất ấn tượng. Tôi cảm nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Chính phủ và Bộ GD&ĐT đối với các thầy cô", cô Loan đồng thời chia sẻ thêm, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, kinh tế số, kinh tế tri thức, quản trị trường học sẽ là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy sự phát triển các nhà trường. Cùng với đó sẽ có nhiều khó khăn, thách thức mới, nhưng với sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, của Ngành Giáo dục và chính quyền địa phương, đội ngũ nhà giáo, người làm nghiên cứu như chúng tôi sẽ có điều kiện tốt nhất để tiếp tục nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, góp phần vào công cuộc phát triển đất nước.
Khen thưởng 251 nhà giáo tiêu biểu
Ông Nguyễn Viết Lộc - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD&ĐT) cho biết, trong không khí kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức lễ trao tặng danh Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú lần thứ 16 và tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu năm 2024.
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ GD&ĐT tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân cho 21 nhà giáo thuộc các bộ, ngành, địa phương và trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho 65 nhà giáo trực thuộc Bộ GD&ĐT.
Ngoài danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, từ năm 2017, Bộ GD&ĐT đã tổ chức xét chọn "Nhà giáo tiêu biểu của năm" nhằm ghi nhận, tôn vinh các nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục có đóng góp đặc biệt xuất sắc, tạo ra những chuyển biến tích cực, hiệu quả trong đơn vị, có sức lan tỏa trong toàn ngành, qua đó tạo động lực thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trong cả nước, góp phần thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Từ năm 2017 đến năm 2023, qua 7 lần xét chọn nhà giáo tiêu biểu, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã ký quyết định trao tặng Bằng khen cho 1600 nhà giáo. Năm 2024 có 251 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho hơn 1,6 triệu giáo viên cả nước đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khen thưởng.