Báo chí sai lầm khi đưa nội dung hoàn toàn miễn phí lên Internet
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhận định, báo chí phải đa dạng hóa nguồn thu, áp dụng nhiều mô hình kinh doanh.
Nhận định trên được Tổng biên tập Báo Nhân Dân đưa ra tại hội thảo “Công nghệ thúc đẩy đa dạng hóa nguồn thu cho báo chí” do Báo điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) và trang tin Vietnam.vn (Cục Thông tin Đối ngoại) phối hợp tổ chức chiều 18/6.
"Báo chí chúng ta đã mắc phải một sai lầm không thể cứu vãn được, đó là việc chúng ta đưa toàn bộ nội dung miễn phí lên mạng Internet và khiến cho người dùng quen với việc đã lên mạng là không mất phí.
Trong khi đó, họ hoàn toàn có thể bỏ tiền, dù là một khoản tiền rất nhỏ để mua một tờ báo in, để đăng ký dịch vụ truyền hình cáp, để mua nhạc hoặc mua phim rất dễ dàng", Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam phân tích.
Dữ liệu trong báo cáo về thông tin điện tử năm 2024 của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters và Đại học Oxford cũng chỉ ra tăng trưởng người dùng đăng ký trả phí tin tức là rất thấp. Ở 20 nước phát triển, chỉ có 17% nói rằng họ trả tiền cho bất kỳ loại tin tức nào trong 1 năm trở lại đây.
Trong báo cáo xu hướng 2024 của WAN-IFRA, các nhà xuất bản tin tức toàn cầu dự đoán 20% tổng doanh thu sẽ đến từ các nguồn thu mới, bên cạnh quảng cáo và lợi nhuận từ độc giả.
Các mô hình kinh doanh mới được nhắc đến bao gồm tổ chức sự kiện, gọi vốn đầu tư, đối tác của các nền tảng số, thương mại điện tử, tiếp thị liên kết và kinh doanh dữ liệu.
Trong khi đó, theo khảo sát quy mô lớn nhất từ trước tới nay do Hội Nhà báo Việt Nam công bố nhân dịp Hội báo Xuân 2024, ba nguồn thu chính của các cơ quan báo chí tại Việt Nam vẫn là quảng cáo trên báo in, ngân sách nhà nước và hợp đồng truyền thông.
Các nguồn thu mà báo chí thế giới đang đẩy mạnh vẫn chưa được nhiều tòa soạn ở Việt Nam triển khai, với doanh thu còn khá thấp và thu phí đọc báo điện tử chưa đạt kỳ vọng.
Trước thực tế này, ông Lê Quốc Minh chỉ ra báo chí cần đa dạng hóa nguồn thu chứ không thể chỉ trông chờ vào quảng cáo bởi nguồn thu này đã giảm đi nhiều. Chưa kể, việc chạy theo quảng cáo và traffic trên báo điện tử rất dễ khiến nội dung trở nên "rẻ rúng".
Trong bối cảnh đó, thu phí báo chí là một con đường cần thiết trong chuyển đổi số. Tất nhiên, đi kèm với việc đó phải là nội dung báo chí thực sự chất lượng.
"Chúng tôi khuyến khích các cơ quan báo chí mạnh dạn, có nhiều nguồn thu. Theo các báo cáo, mỗi cơ quan báo chí phải áp dụng ít nhất 3-4 nguồn thu thì mới có thể đảm bảo sự ổn định. Trong đó, nguồn thu từ độc giả là rất quan trọng", Tổng biên tập Báo Nhân Dân nhấn mạnh, và dẫn chứng rằng nguồn thu của báo chí còn có thể đến từ tổ chức sự kiện, hợp đồng tiếp thị hay ngay cả bán lẻ.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa nguồn thu báo chí, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, các nguồn thu như tổ chức sự kiện hay thu phí độc giả cũng đã có từ rất lâu trên thế giới.
Hội thảo cũng có sự góp mặt của đại diện các cơ quan doanh nghiệp như Google, Mgid, Akamai... Các diễn giả tập trung đưa ra một số giải pháp, đóng góp vào mô hình kinh doanh báo chí và cách thức tăng nguồn thu từ công nghệ.