Báo chí tham gia kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ hiện nay

Quyền lực trong công tác cán bộ là một khía cạnh đặc biệt quan trọng của quyền lực chính trị. Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là yêu cầu khách quan nhằm bảo đảm cho quyền lực được sử dụng hợp lý, hiệu quả. Bài viết đề cập chủ trương của Đảng và thực trạng báo chí tham gia kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Bài viết là kết quả nghiên cứu của đề tài 'Kiểm soát và giám sát quyền lực trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền: Cơ chế và giải pháp đột phá để thực hiện kiểm soát, giám sát quyền lực có hiệu quả' (Mã số KX.04.09/21-25).

Ảnh minh họa: IT

Ảnh minh họa: IT

Công tác cán bộ đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, quyền lực trong công tác cán bộ của Đảng gắn liền với trách nhiệm, thẩm quyền theo phân cấp của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu dựa trên cơ sở tín nhiệm của tập thể. Quyền lực trong công tác cán bộ là vấn đề rất hệ trọng song cũng dễ bị tác động, lợi dụng, làm méo mó nếu không được kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả.

Quyền lực trong công tác cán bộ của Đảng trong trường hợp không được kiểm soát hiệu quả có thể dẫn đến nhiều hệ lụy rất nguy hiểm, đưa đến nhiều di hại lâu dài và khôn lường đối với các tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị và xã hội, có thể gây tổn hại đến mọi mặt của đời sống xã hội, làm rối loạn các giá trị, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Công tác cán bộ là “công việc gốc”, là “then chốt của then chốt” trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đồng thời là một nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực thi sứ mệnh, vai trò lãnh đạo của Đảng trên thực tế. Trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền, Đảng cần có nhiều cơ chế tự giám sát và giám sát, phản biện xã hội để bảo đảm giữ vững Đảng trong sạch vững mạnh, Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Báo chí tham gia giám sát, phản biện xã hội công tác cán bộ của Đảng là thực hiện chức năng xã hội của mình, qua đó đóng góp vào xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đồng thời cũng tự thân nâng cao vị thế của báo chí trong đời sống chính trị, xã hội.

1. Chủ trương của Đảng về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và sự tham gia của báo chí

Việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ của Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp sự tồn vong của Đảng, của chế độ, đến thực thi quyền lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, đến năng lực, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị. Do vậy, Đảng ta đã có nhiều văn kiện đề cập đến vấn đề này. Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 “về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền”. Tiếp đó, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Quy định 114-QĐ/TW ngày 11-7-2023 “về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”.

Quy định 114-QĐ/TW của Bộ Chính trị nêu rõ: “Quyền lực trong công tác cán bộ là thẩm quyền của tổ chức, cá nhân trong các khâu liên quan đến công tác cán bộ, gồm: Tuyển dụng, đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, bố trí, phân công, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái; phong, thăng, giáng, tước quân hàm; cho thôi giữ chức vụ, thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân; tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, cách chức; khen thưởng, kỷ luật; kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ và bảo vệ chính trị nội bộ”(1).

Từ quan niệm đó, Bộ Chính trị xác định: “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ và phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”(2).

Cũng như các mặt công tác khác của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong công tác cán bộ, Đảng ta luôn đề cao vai trò của các chủ thể chính trị, xã hội và nhân dân tham gia đóng góp, giám sát, kiểm soát. Trong đó, báo chí tham gia kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ của Đảng với chức năng là chủ thể thực hiện giám sát và phản biện xã hội.

Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII năm 1999 về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay đã chỉ rõ, công luận (báo chí) là một trong 4 hệ thống giám sát xã hội (tổ chức đảng, nhân dân, cơ quan đại diện nhân dân, công luận).

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đã đề ra nhiệm vụ “kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền”(3). Nghị quyết cũng đã nêu nguyên nhân của những hạn chế trong công tác cán bộ là chưa phát huy vai trò giám sát, kiểm soát công tác cán bộ, “Phân công, phân cấp, phân quyền chưa gắn với ràng buộc trách nhiệm, với tăng cường kiểm tra, giám sát và chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát chặt chẽ quyền lực”(4) và “chưa phát huy có hiệu quả vai trò, trách nhiệm của các cơ quan truyền thông, báo chí”(5).

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 đã nêu rõ quan điểm nhất quán trong công tác cán bộ và yêu cầu “tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm”(6). Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ phải được thực hiện ở từng khâu, từng bước, từng mặt của công tác cán bộ, ở mọi lúc mọi nơi; cần sự tham gia của nhiều chủ thể, trong đó báo chí, truyền thông tham gia trên phương diện chức năng, nhiệm vụ giám sát và và phản biện xã hội.

Báo chí tham gia kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ từ phương diện chức năng xã hội của mình, đã được quy định trong Luật Báo chí năm 2016. Điều 4, Luật Báo chí ghi rõ: Báo chí có nhiệm vụ “Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân”; “đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội”(7).

Quy định số 101-QĐ/TW ngày 28-02-2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí” đã thể hiện sự tiếp cận vấn đề thẩm quyền, quyền lực của người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí và sức mạnh của công luận, báo chí truyền thông khi quy định rõ người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí không được kiêm giữ chức tổng biên tập cơ quan báo chí: “Người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí không được kiêm giữ chức vụ lãnh đạo cơ quan báo chí; lãnh đạo cơ quan báo chí này không được kiêm giữ chức vụ lãnh đạo cơ quan báo chí khác”(8).

Quy định 114 - QĐ/TW của Bộ Chính trị “về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ” cũng ghi rõ: “Nghiêm cấm việc trực tiếp hoặc thông qua người khác, phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội để lan truyền thông tin không đúng sự thật, tố cáo sai sự thật nhằm đề cao bản thân, hạ thấp uy tín người khác trong công tác cán bộ”(9).

2. Báo chí tham gia kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ của Đảng thể hiện trên các nội dung sau

Một là, báo chí, công luận là một phương thức, công cụ của công tác tư tưởng, lý luận của Đảng, thực hiện vai trò “người tuyên truyền tập thể”, “người tổ chức tập thể” (như V.I.Lênin đã khẳng định), tuyên truyền, truyền đạt đường lối, chủ trương của Đảng, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật của Nhà nước tới các đối tượng trong xã hội.

Trong đó, một nội dung quan trọng là tuyên truyền chủ trương, quy định của Đảng về công tác cán bộ, để cán bộ, đảng viên nắm bắt kịp thời chủ trương, chính sách về công tác này, từ đó thực thi đúng trách nhiệm, thẩm quyền. Đồng thời để nhân dân hiểu và giám sát công tác cán bộ của Đảng.

Hai là, báo chí là một bộ phận của truyền thông đại chúng, có chức năng xã hội trước hết là chuyển tải thông tin, thông điệp, kết nối xã hội, là một nguồn tài nguyên thông tin chính yếu cung cấp cho xã hội. Đồng thời, báo chí đóng vai trò định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội. Qua đó, báo chí nâng cao trình độ, ý thức pháp luật xã hội, để mỗi công dân hiểu biết chính sách, pháp luật về công tác cán bộ, tôn trọng, đề cao pháp quyền, tuân thủ đúng pháp luật và tham gia đóng góp vào công tác cán bộ đúng quy định, không vi phạm quy định của pháp luật về bí mật nhà nước, về đời tư cá nhân.

Ba là, báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân. Báo chí gián tiếp và trực tiếp giám sát và phản biện công tác cán bộ qua việc phản ánh sinh động tình hình công tác cán bộ của Đảng, việc thực thi chính sách và việc tuân thủ pháp luật về công tác cán bộ ở các cấp, các ngành.

Báo chí giới thiệu, tuyên truyền, lan tỏa những nhân tố điển hình tích cực, những cách làm sáng tạo, những kinh nghiệm trong thực thi chính sách. Đồng thời, góp phần làm rõ những bất cập cũng như những hạn chế, thiếu khuyết trong chính sách của Đảng về công tác cán bộ để từ đó hoàn thiện chính sách.

Bốn là, báo chí, đặc biệt là các tác phẩm báo chí điều tra, thông tin, phản ánh khách quan tình hình công tác cán bộ của Đảng, đặc biệt là phản ánh những biểu hiện vi phạm chủ trương, chính sách cán bộ, lợi dụng quyền lực trong công tác cán bộ.

Qua các thông điệp về công tác cán bộ, báo chí, công luận thể hiện rõ thái độ đồng tình hay phản đối với các hiện tượng cụ thể, cảnh báo, răn đe nhằm ngăn ngừa các hành vi sai trái, góp phần định hướng dư luận xã hội, tạo nên những giá trị mới phù hợp với xu thế tích cực, tiến bộ, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, sai trái trong các khâu của công tác cán bộ.

Sự tham gia giám sát, phản biện xã hội của báo chí góp phần làm lành mạnh hóa quan hệ xã hội, để công tác cán bộ thực hiện đúng đường lối, chủ trương, phương châm của Đảng. Đồng thời, bảo đảm sự công bằng, phòng tránh vi phạm. Như vậy, báo chí góp phần vào kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ để mọi người không thể, không dám và không muốn vi phạm.

3. Thực trạng giám sát, phản biện xã hội của báo chí đối với công tác cán bộ

Nhận thức rõ vai trò của báo chí trong giám sát, phản biện xã hội về công tác cán bộ, trong thời gian qua, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp, ban hành nhiều quy định, thể hiện sự đổi mới và tăng cường các cơ chế để tạo điều kiện cho báo chí thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội đối với công tác cán bộ của Đảng. Cụ thể là:

Một là, báo chí được xác định là một phương thức “tuyên truyền tập thể”, “tổ chức tập thể”, là công cụ làm công tác tư tưởng, tuyên truyền của Đảng. Công tác báo chí luôn được Đảng ta quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên định hướng. Nghị quyết số 26 đã yêu cầu “mở rộng các hình thức tuyên truyền, nhân rộng những điển hình tiên tiến, những cách làm sáng tạo, hiệu quả”, đồng thời “truyền đạt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; nắm chắc tình hình cơ sở; đồng thời, qua đó để nhân dân thực hiện việc giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là về đạo đức, lối sống”(10).

Các cấp, các ngành quan tâm cung cấp, giải đáp kịp thời về các nội dung thông tin mà báo chí, dư luận quan tâm; giải trình thỏa đáng các vấn đề báo chí nêu; chỉ đạo xử lý những vấn đề xã hội bức xúc. Đồng thời, kịp thời chấn chỉnh những thông tin không chính xác, những vi phạm quy định về bí mật nhà nước, vi phạm quy định về quyền thông tin cá nhân.

Hai là, thực hiện quy định về cung cấp thông tin báo chí. Báo chí là một lực lượng làm công tác tư tưởng đồng thời là một phương thức thực hiện dân chủ của nhân dân. Trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị là phải công khai thông tin cho nhân dân, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đối với kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ của Đảng, thời gian qua đã có nhiều quy định về công khai các nội dung của công tác cán bộ, như quy định về công khai tài sản, công khai tiêu chuẩn các chức danh, quy trình công tác cán bộ, công khai về bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, nhân sự, công khai các dự án về sắp xếp tổ chức - bộ máy,...

Ba là, đã thực sự coi trọng vai trò giám sát, phản biện xã hội của báo chí. Đã có quy định cụ thể và yêu cầu các cấp phải quan tâm lắng nghe dư luận báo chí để làm tốt công tác cán bộ, phải có sự lưu tâm, cân nhắc đối với các trường hợp báo chí nêu, không ban hành các quyết định về công tác cán bộ khi đang có dư luận mà chưa được giải trình thỏa đáng.

Bốn là, từng bước hoàn thiện thể chế bảo đảm để báo chí thực hiện chức năng, nhiệm vụ đúng quy định; đổi mới cơ chế chính sách để báo chí phát triển, đáp ứng nhu cầu của xã hội, thực thi quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và nhà báo tác nghiệp thuận lợi.

Nhiều giải báo chí được tổ chức với các quy mô khác nhau nhằm tôn vinh, ghi nhận cống hiến của giới báo chí đối với công tác xây dựng Đảng, công tác đấu tranh phòng chống tiêu cực, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Điển hình là Giải báo chí về công tác xây dựng Đảng Búa Liềm Vàng hằng năm; Giải Báo chí quốc gia; Giải thi viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Giải báo chí đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, Giải báo chí về Đại đoàn kết toàn dân tộc,... Trong các giải báo chí, nhiều tác phẩm báo chí chủ đề về công tác cán bộ đoạt giải.

Đã quan tâm xây dựng Hội Nhà báo Việt Nam - tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của báo giới. Bên cạnh đó là nhiều hình thức tôn vinh sự đóng góp, cống hiến của báo giới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm là, luôn quan tâm, chú trọng công tác xây dựng hệ thống các cơ quan báo chí, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác báo chí đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ làm công tác báo chí toàn diện, cả về lý luận chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong đó, chú trọng việc nâng cao nhận thức chính trị của đội ngũ báo chí về xây dựng Đảng, về các mặt của công tác xây dựng Đảng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, để báo chí thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, tham gia kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ của Đảng, cần tiếp tục quan tâm hoàn thiện cơ chế. Một số biểu hiện thể hiện sự cần thiết đổi mới, hoàn thiện cơ chế là:

Đảng ta đang tập trung thực hiện mạnh mẽ công tác đấu tranh phòng, chống các biểu hiện lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi cá nhân, lãng phí, tiêu cực. Trong đó nhấn mạnh việc phòng, chống tận gốc của vấn đề này là khắc phục hạn chế, yếu kém và phòng, chống tiêu cực trong công tác cán bộ. Tuy nhiên, chưa có nhiều tác phẩm báo chí và nhiều cơ quan báo chí tổ chức được các tác phẩm báo chí về công tác cán bộ, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ của Đảng gây tiếng vang, có tác động xã hội lớn, cả ở thể loại chính luận, khoa học, phóng sự và điều tra.

Trên nhiều tờ báo, ở tuyến bài điều tra hầu như thiếu vắng những bài về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Trong khi, một số báo có biểu hiện thương mại hóa, tập trung quá nhiều vào thông tin những vấn đề tiêu cực, khoét sâu vào những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm trong công tác cán bộ; đăng tải tin bài giật gân câu khách,... làm nhiễu loạn thông tin về công tác cán bộ. Cũng đã có không ít nhà báo vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong công tác cán bộ, vi phạm pháp luật về thông tin đời tư của công dân, thông tin khi chuyên án đang tiến hành điều tra, thậm chí lợi dụng để tống tiền cán bộ,...

Có nhiều nguyên nhân của việc báo chí thực hiện giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực công tác cán bộ chưa hiệu quả, như: các ban biên tập “ngại” va chạm; năng lực của tòa soạn có hạn, thiếu những phóng viên dấn thân hay đủ năng lực thực hiện bài về công tác cán bộ, đặc biệt là với thể loại bài điều tra.

Đề tài kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, trong đó có các thể loại chính luận, phóng sự, điều tra đòi hỏi rất công phu, cẩn trọng, tỉ mỉ, hao tổn nhiều thời gian, công sức, trí tuệ để điều tra, thu thập thông tin, dữ liệu. Đây cũng là công việc nguy hiểm, thậm chí có thể nguy hiểm cho bản thân và gia đình... Trong khi, thu nhập của nhà báo chưa tương xứng với tính chất công việc; chưa có cơ chế bảo vệ nhà báo bị “tai nạn” khi tác nghiệp.

Về năng lực, trình độ của nhà báo, theo quy định hiện hành, tiêu chuẩn nhà báo là có trình độ đại học, và đa số được đào tạo chuyên ngành báo chí hoặc chuyên ngành khoa học và công nghệ. Tuy vậy, một bộ phận nhà báo, nhất là nhà báo trẻ chưa được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, kiến thức pháp luật và cả kinh nghiệm, sự từng trải, nên thường khó khăn khi thực hiện bài về chủ đề công tác cán bộ của Đảng.

Bên cạnh đó, một bộ phận nhà báo chưa được bồi dưỡng về nghiệp vụ báo chí, do vậy còn lúng túng khi triển khai viết và biên tập tin bài về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ của Đảng.

4. Giải pháp tăng cường vai trò của báo chí tham gia kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ

Thứ nhất, Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII nêu phương hướng: “Hoàn thiện cơ chế tiếp nhận và xử lý những ý kiến phản ảnh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của nhân dân, nhất là của người có uy tín trong cộng đồng dân cư gửi đến cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị và qua các phương tiện thông tin đại chúng với các hình thức phù hợp, hiệu quả”(11).

Để thực hiện tốt chủ trương này, các cấp ủy, cơ quan tham mưu cấp ủy về công tác tổ chức - cán bộ cần có quy định thống nhất về tiếp nhận thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chú ý lắng nghe ý kiến nhân dân, dư luận xã hội, công luận để làm tốt công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Thứ hai, các cơ quan báo chí cần dành thời lượng phù hợp cho chủ đề xây dựng Đảng, được xác định là then chốt hiện nay, trong đó, tăng cường chủ đề về công tác cán bộ, là “then chốt của then chốt”.

Để thúc đẩy việc mở rộng các chuyên mục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm soát quyền lực, trong đó có kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ của Đảng, cùng với việc chỉ đạo, định hướng của các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí cần có nhiều hơn nữa các giải thưởng tôn vinh, động viên các nhà báo phụ trách các chuyên đề này. Cần nghiên cứu cơ chế đặt hàng, hỗ trợ tác phẩm báo chí về chủ đề giám sát, phản biện xã hội, tham gia kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ của Đảng nhằm khuyến khích, động viên báo chí thực hiện nhiệm vụ này.

Thứ ba, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, nhằm xây dựng đội ngũ nhà báo toàn diện về lý luận chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn và nghiệp vụ. Đặc biệt, đối với đội ngũ nhà báo thực hiện chuyên mục về chính trị, thời sự, xây dựng Đảng, cần được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị và chuyên môn xây dựng Đảng. Bởi để thực hiện tốt bài về lĩnh vực công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, trong đó có kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ đòi hỏi người làm báo có vốn kiến thức chuyên môn sâu, gồm kiến thức chính trị và pháp luật, có vốn kinh nghiệm thực tiễn về lĩnh vực này để tiếp nhận, xử lý tốt thông tin liên quan. Qua đó, báo chí làm tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội đối với công tác cán bộ của Đảng.

Thứ tư, cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng tại Chỉ thị 01- CT/TW ngày 9-3-2021 “về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, đó là: “Việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là công việc thường xuyên, phải được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, khoa học trong suốt cả nhiệm kỳ”(12). Trong đó, Ban Tuyên giáo Trung ương và các ban ngành hữu quan “tổ chức các hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cho lãnh đạo các cơ quan báo chí, xuất bản; lãnh đạo các hội văn học, nghệ thuật, hội khoa học, kỹ thuật và các văn nghệ sĩ, trí thức; đội ngũ giảng viên lý luận chính trị các học viện, các trường đại học, cao đẳng trong cả nước”. Đây là đội ngũ nhà báo, cộng tác viên báo chí chủ lực ở nước ta.

Báo chí, đặc biệt là thể loại báo chí chính luận có sức mạnh to lớn trong nhận thức và phản ánh cuộc sống, nhất là trong sứ mệnh định hướng tư tưởng và hành động của công chúng, xây và chống,... Bằng việc phân tích, lý giải, khái quát những vấn đề thời sự trong đời sống xã hội, báo chí thể hiện lập trường, quan điểm và thái độ chính trị của mình đối với các vấn đề của cuộc sống, trong đó có công tác cán bộ của Đảng, giúp các cấp, các ngành và công chúng có khả năng nhận thức những mối quan hệ phức tạp, tiếp cận bản chất của vấn đề và tìm cách thức giải quyết phù hợp. Bởi vậy, phát huy vai trò báo chí trong kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ của Đảng là yêu cầu cấp thiết và lâu dài.

PGS, TS NGUYỄN THẮNG LỢI
Tạp chí Lý luận chính trị,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo Tạp chí Lý luận chính trị

_________________

(1), (2), (9) https://tulieuvankien.dangcongsan.vn

(3), (4), (5), (6), (10), (11) https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xii/nghi-quyet-so-26-nqtw-ngay-1952018-hoi-nghi-lan-thu-bay-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xii-ve-tap-trung-xay-dung-doi-374.

(7) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Luat-Bao-chi-2016-280645.aspx
(8) https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/quy-dinh-so-101-qdtw-ngay-2822023-cua-ban-bi-thu-ve-trach-nhiem-quyen-han-va-viec-bo-nhiem-mien-nhiem-khen-thuong-ky-luat-9266.
(12) https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/chi-thi-01-cttw-ngay-932021-cua-bo-chinh-tri-ve-viec-nghien-cuu-hoc-tap-quan-triet-tuyen-truyen-va-trien-khai-thuc-hien-nghi-7242.

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dau-tranh-phan-bac-cac-quan-diem-sai-trai-thu-dich/bao-chi-tham-gia-kiem-soat-quyen-luc-trong-cong-tac-can-bo-hien-nay-57629.html