Báo chí thế giới trong thời đại chuyển đổi số
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của thời đại, có tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Đặc biệt, với vai trò là nguồn thông tin phản ánh tất cả các lĩnh vực đa dạng, phong phú của đời sống xã hội, báo chí cũng không thể nằm ngoài cuộc chuyển đổi này.
Trong xã hội phát triển nhanh ngày nay, ngày càng có nhiều người sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, thiết bị kết nối internet để cập nhật từ Facebook đến dự báo thời tiết.
Đặc biệt với sự bùng nổ của mạng xã hội và sự phát triển của điện thoại thông minh, công nghệ đang nhanh chóng trở thành phương thức chính giúp con người tiếp nhận thông tin. Với việc giao tiếp là một phần quan trọng của bất kỳ nền văn hóa nào, cách lan truyền thông tin đòi hỏi phải thích ứng để phù hợp với lối sống của con người. Báo chí truyền thống từng dựa chủ yếu vào các ấn phẩm in khi phần lớn con người muốn dành thời gian để đọc báo.
Hiện nay, mọi người đã chuyển sang sử dụng internet để đáp ứng nhu cầu về thông tin của họ, báo in bị gạt sang một bên. Các khoa báo chí trên toàn cầu phải xem xét lại cách giảng dạy vì các kỹ thuật của mười lăm năm trước không còn được áp dụng cho ngày nay.
Bối cảnh báo chí không ngừng thay đổi với các công nghệ và phương tiện mới đã xác định lại mối quan hệ giữa các phương tiện truyền thông và công chúng. Bản chất con người là như vậy, một số người sợ thay đổi trong khi những người khác háo hức đón nhận các làn sóng mới. Một số người hào hứng với những cơ hội kiếm lời từ việc hoàn cảnh thay đổi, trong khi một số người lại có xu hướng tuân theo quy tắc tiền lệ nguy hiểm. Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay, không ai có thể thoát khỏi quá trình thay đổi này. Điều này đặc biệt đúng đối với những người làm việc trong lĩnh vực báo chí, truyền thông.
Công nghệ đã làm thay đổi hệ sinh thái báo chí bằng cách thay thế vai trò độc quyền biên tập của các phương tiện truyền thông và nhà báo. Mạng xã hội có khả năng xác định được xu hướng, mối quan tâm của công chúng trên toàn cầu một cách tức thì, nhanh nhạy hơn so với khả năng của báo chí.
Về mặt kỹ thuật, ngày nay tất cả các phương tiện truyền thông đều là kỹ thuật số. Thông tin được ghi lại xử lý kỹ thuật số, mặc dù sau đó nó được phổ biến thông qua báo in, đài phát thanh hay truyền hình.
Chất lượng của báo chí có liên quan nhiều đến hoạt động của một tòa soạn, một hệ thống biên tập hơn là một công nghệ cụ thể. Bởi báo chí sử dụng các phương pháp chuyên nghiệp để thu thập, phân tích, xây dựng và phổ biến thông tin thông qua các kênh công nghệ có sẵn để tiếp cận khản giả.
Ngày nay, gần 90% người Mỹ đọc tin tức trên các thiết bị kỹ thuật số, điều này đồng nghĩa với việc báo in đang dần trở thành “cổ vật”. Đối với các công ty truyền thông và báo chí, vấn đề không phải là liệu họ có tồn tại được trong thời kỳ chuyển đổi số hay không, bởi rất nhiều trong số họ đang phát triển mạnh trong thế giới kỹ thuật số.
Thay vào đó, các công ty này cần xây dựng các mô hình kinh doanh hỗ trợ tin tức trực tuyến trong tương lai. Sau đó, chuyển đổi số trong báo chí và truyền thông cần tập trung vào việc tận dụng thông tin chi tiết từ các nguồn dữ liệu từ người đọc để cung cấp tin tức phù hợp và tối ưu trải nghiệm người dùng.
Trước thời kỳ hoàng kim của Internet, các tờ báo và tạp chí như The Washington Post, Time Magazine và LA Times đã cạnh tranh để thu hút sự chú ý của độc giả và lượt đăng ký theo dõi của họ. Họ đã cố gắng mang tới cho độc giả những câu chuyện hấp dẫn ở nhiều lĩnh vực khác nhau như thể thao, văn hóa, chính trị, sự kiện… để xây dựng một lượng độc giả trung thành.
Những ấn phẩm như vậy đã thu hút được sự chú ý của các tỷ phú công nghệ nổi tiếng như Jeff Bezos, ông đã mua lại tờ The Washington Post hay doanh nhân Marc Benioff - CEO của công ty phần mềm Salesforce đã mua lại Tạp chí Time.
Đầu những năm 2000, chúng ta chứng kiến sự trỗi dậy của các trang như BuzzFeed và Huffington Post, đây là các ấn phẩm kỹ thuật số đầu tiên hướng lưu lượng truy cập của người dùng tới trang web của họ bằng cách tận dụng mạng xã hội, tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) và lan truyền các nội dung mang tính giải trí.
Khi tin tức trên báo in không còn hợp thời nữa, nhiều độc giả hướng sự quan tâm của mình tới các trang web của các ấn phẩm quen thuộc, bao gồm Wall Street Journal, New York Times và New Yorker. Trên thực tế, tờ Wall Street Journal đã bắt đầu tính phí độc giả truy cập các bài viết của họ từ năm 1996, khi dial-up internet (kết nối quay số qua đường cáp điện thoại) và điện thoại di động “cục gạch” được coi là công nghệ tiên tiến thời bấy giờ.
Phương triện truyền thông xã hội và tìm kiếm của Google đã định hình lại một cách đáng kể cách con người tiếp cận tin tức. Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã chuyển hướng phân phối thông tin theo chiều ngang, nghĩa là độc giả quyết định những câu chuyện nào sẽ được kể (nếu các tổ chức xuất bản tin tức muốn tăng lợi nhuận).
ẢNH: LENFEST INSTITUTE
Các công ty truyền thông, báo chí thành công trong việc tận dụng các nền tảng số để hiểu biết sâu sắc hơn về hành vi của người đọc, đây cũng là điều quan trọng để thúc đẩy quyết định cả về nội dung và chốt giao dịch quảng cáo.
Để tồn tại trong nền kinh tế ưu tiên kỹ thuật số, các công ty truyền thông, hãng tin tức phải tiếp tục phấn đấu hướng tới sự trưởng thành về quản lý dữ liệu. Điều này đòi hỏi họ phải xây dựng một chiến lược dựa trên dữ liệu để hình dung ra những kỹ năng, công nghệ và loại dữ liệu nào là cần thiết nhằm thúc đẩy doanh thu.
Cả hai mô hình kinh doanh dựa trên thu phí đăng ký đọc tin tức từ độc giả và quảng cáo đều yêu cầu các công ty truyền thông và tin tức kỹ thuật số phải quan tâm đến dữ liệu. Bằng cách đa dạng hóa doanh thu, báo điện tử và các công ty truyền thông có thể tiếp tục phát triển các sản phẩm và dịch vụ dựa trên dữ liệu khách hàng và hành vi người tiêu dùng.
Việc phân tích dữ liệu tương tác của độc giả cho phép các công ty truyền thông và các hãng tin tức tăng doanh thu từ hoạt động quảng cáo và đăng ký đọc báo, cũng như giữ chân độc giả tốt hơn. Cách tiếp cận này thúc đẩy tỷ lệ chuyển đổi cao hơn cho các sản phẩm, dịch vụ phải trả phí và doanh thu tổng thể trên mỗi độc giả.
Thách thức đối với các công ty truyền thông và báo chí là đảm bảo rằng trải nghiệm người dùng càng trơn tru càng tốt để người đọc có thể hoàn thành việc đăng ký của mình mà không gặp trở ngại nào. Trải nghiệm người dùng phải được tối ưu hóa để người đọc cảm thấy yêu thích với giao diện, điều hướng trên nền tảng cả trên trình duyệt web và ứng dụng di động.
Các ấn phẩm kỹ thuật số thành công đã đóng khung tin tức của họ như một sản phẩm và độc giả của họ là người tiêu dùng, nhờ sự chuyển đổi sang mô hình kinh doanh thu phí đăng ký và không dựa trên quảng cáo. Khi nói đến đăng ký, giá và các chương trình khuyến mãi, các tờ báo kỹ thuật số cần tối ưu hóa các chiến lược định giá của họ, đồng thời luôn bám sát vào thay đổi trong hành vi của người dùng.
Từ các chatbot (chương trình trí tuệ nhân tạo được thiết kế nhằm mô phỏng lại các cuộc trò chuyện với người dùng thông qua nền tảng Internet) đến các công cụ tạo nội dung tổng quát, trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một lực lượng đáng gớm đối với các công ty truyền thông kỹ thuật số, các hãng tin tức và lĩnh vực báo chí.
Mặc dù gần đây mối quan tâm đến AI đang tăng lên, nhưng AI đã thực sự được các công ty truyền thông sử dụng trong khoảng một thập kỷ qua. Các nhà báo sử dụng AI để phân tích lượng lớn dữ liệu, trích xuất thông tin chi tiết và xác định các mô hình và xu hướng. AI cũng cung cấp cho các hãng tin tức cách để thu hút độc giả thông qua đề xuất và trải nghiệm cá nhân hóa.
Kể từ năm 2014 tới nay, một số công ty truyền thông đã bắt đầu sử dụng AI cho mục đích báo chí. Theo Francesco Marconi - Nhà báo, nhà nghiên cứu máy tính và nhà đồng sáng lập công ty AppliedXL, trong làn sóng AI đầu tiên, trọng tâm là tự động hóa các câu chuyện dựa trên dữ liệu, chẳng hạn như báo cáo tài chính, thông tin thể thao và các chỉ số kinh tế, bằng cách sử dụng các kỹ thuật xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP).
Trong làn sóng đầu tiên này, nhờ AI mà các nhà báo đã giảm bớt các nhiệm vụ mang tính chất lặp đi lặp lại để họ có nhiều thời gian hơn tham gia vào các hoạt động báo chí mang tính điều tra, phức tạp hơn. AI khi đó được quảng cáo là một công cụ giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho các tổ chức bằng cách tự động hóa việc sản xuất một số loại tin bài nhất định dựa trên các dữ liệu có sẵn.
Điển hình như tờ The Washington Post đã sử dụng cộng nghệ tự động hóa nội bộ Heliograf để đưa tin về các trận bóng đá hàng tuần giữa các trường trung học ở Washington, D.C và tờ The Associated Press sử dụng AI để tự động hóa các báo cáo thu nhập hàng quý, công cụ này đã tạo ra hơn 3.000 câu chuyện báo chí mỗi quý so với 300 câu chuyện trước khi sử dụng AI.
Francesco Marconi giải thích, trong làn sóng thứ hai, trọng tâm chuyển sang tăng cường báo cáo thông qua học máy và xử lý ngôn ngữ tự nhiên để phân tích các tập dữ liệu lớn và khám phá các xu hướng. AI là một công cụ dành cho các nhà báo sử dụng để phân tích một lượng lớn dữ liệu, văn bản, video và hình ảnh, nhằm giúp họ xác định xu hướng, mô hình và các ngoại lệ.
Trong giai đoạn này, các công ty truyền thông kỹ thuật số cũng bắt đầu thử nghiệm chatbot để giúp các nhà báo kể những câu chuyện đa dạng hơn. Chatbot mô phỏng các cuộc trò chuyện của con người bằng cách trả lời các câu hỏi cụ thể bằng các câu trả lời được lập trình sẵn. Các chatbot trong làn sóng thứ 2 bao gồm Slackbot của Harvard Business Review và AccuWeather dành cho Facebook Messenger - nhận câu hỏi từ người dùng và đưa ra câu trả lời liên quan đến thời tiết.
Hiện nay, chúng ta đang trong làn sóng thứ ba, phong trào sáng tạo sử dụng AI đã có nhiều bước phát triển vượt bậc so với các giai đoạn trước. Các mô hình ngôn ngữ có khả năng tạo ra văn bản tường thuật ở quy mô lớn hơn.
ẢNH: GETTYIMAGES
ChatGPT của Công ty Open AI được huấn luyện trên một lượng lớn văn bản (mô hình ngôn ngữ lớn) mà nó thu thập được từ internet. Điều này cho phép ChatGPT tiếp nhận các mẫu và cấu trúc ngôn ngữ để đưa ra những phỏng đoán có cơ sở dựa trên những từ mà chúng ta nhập trước đó.
ChatGPT đạt 100 triệu người dùng vào tháng 1 vừa qua, chỉ 2 tháng sau khi ra mắt. Không để bị bỏ lại phía sau, Google cũng phát hành chatbot AI của riêng mình có tên Bard và Facebook cũng công bố mô hình ngôn ngữ lớn có tên LlaMA và công cụ tìm kiếm DuckDuckGo cũng cho ra mắt công cụ DuckAssist, nhằm cạnh tranh với ChatGPT của OpenAI.
Jim Mullen - Giám đốc điều hành của Tạp chí kỹ thuật số Reach PLC của Anh cho biết, công ty của ông đã thành lập một nhóm làm việc để nghiên cứu công cụ này sử dụng như thế nào trong việc hỗ trợ các nhà báo viết tin ngắn hoặc biên soạn tin tức về thời tiết và giao thông ở địa phương.
Đối với các công ty truyền thông đã sử dụng AI trong nhiều năm qua, các chatbot mới như ChatGPT thực sự thú vị. Là một trong những công ty đầu tiên đã sử dụng AI trong hơn một thập kỷ qua, hãng Bloomberg cho biết họ triển khai sử dụng công nghệ NLP và học máy để trích xuất thông tin từ các tài liệu, bao gồm nội dung liên quan đến nhân vật, công ty, tổ chức được tìm thấy trong các văn bản. Ngoài ra, công nghệ này cũng giúp họ có thêm những hiểu biết chuyên sâu giúp các phóng viên tìm thấy tin tức về các công ty hay lĩnh vực mà họ đưa tin.
Đối với các công ty truyền thông, công nghệ AI ở hiện tại đã khác so với thời kỳ đầu bởi một số lý do. Các mô hình AI thế hệ mới hơn thể hiện nhiều khả năng vượt trội hơn, điều này có nghĩa là các mô hình có thể xử lý lượng dữ liệu lớn hơn trong thời gian nhanh hơn. Đã có những cải tiến trong NLP cho phép AI tạo ra ngôn ngữ mang nhiều sắc thái, ý nghĩa hơn.
Và, trong những năm gần đây, các công cụ AI đã trở nên dễ tiếp cận hơn đối với các công ty truyền thông, hãng thông tấn, báo chí, bởi hiện tại, dễ dàng tiếp cận với các nguồn mở, do đó chi phí đầu tư và hiểu biết về công nghệ cũng không đòi hỏi cao.
Ban đầu, sử dụng công cụ AI chỉ giới hạn ở những tòa soạn lớn có nguồn lực đáng kể. Tuy nhiên, với sự phổ biến rộng rãi của cơ sở hạ tầng AI, chẳng hạn như các mô hình nguồn mở và giao diện lập trình ứng dụng (API), hiện nay, ở mọi phòng tin tức đều có thể tiếp cận công nghệ này.
Khả năng tiếp cận rộng rãi cũng sẽ mang lại những thách thức lớn bởi ngành công nghiệp tin tức sẽ phải gấp rút áp dụng các tiêu chuẩn và quy trình làm việc mới.
Với bước nhảy vọt về tính dễ dàng sử dụng, AI có thể tạo ra những cơ hội mới cho những người sẵn sàng thích nghi và đổi mới trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng hiện nay.
Bên cạnh đó, tính kinh tế của ngành kinh doanh truyền thông đang thay đổi đáng kể, công nghệ AI giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất, bao gồm chi phí biên tập, viết bài và tạo ra nhiều phiên bản nội dung. Tuy nhiên, việc thu thập tin tức và kiểm tra tính chính xác vẫn đòi hỏi kiến thức chuyên môn và cơ sở hạ tầng mà nhiều công ty công nghệ còn đang thiếu.
Các công ty truyền thông được dự đoán sẽ có cơ hội trở thành “người chơi chính” trong không gian AI, bởi họ sở hữu những tài sản quý giá để phát triển AI như dữ liệu văn bản và hình ảnh dùng cho các mô hình đào tạo AI cũng như họ có bộ nguyên tắc đạo đức để tạo ra các hệ thống đáng tin cậy.
Những tiến bộ trong công nghệ đã phá vỡ tính truyền thống của ngành công nghiệp tin tức trong nhiều năm qua và AI đang là tác nhân mới nhất. Có nhiều lo ngại về chất lượng tin tức do AI sản xuất trong tương lai. Các hãng truyền thông lớn nhận thấy, nếu sử dụng các công cụ có uy tín sẽ thực sự giúp họ tăng gấp đôi chất lượng nội dung báo chí và cung cấp nhiều trải nghiệm tốt hơn cho độc giả.
Sự phát triển của AI trong những năm gần đây là nền tảng cho giai đoạn tiếp theo của AI trong lĩnh vực báo chí, truyền thông. Trong thập kỷ tới, chúng ta sẽ chứng kiến trí tuệ báo chí nhân tạo, nơi mà máy móc có thể tự động hóa việc thu thập và sản xuất tin tức, từ đó độ chính xác, tính hiệu quả, sự công bằng và tự do ngôn luận sẽ được cải thiện.