Báo chí và doanh nghiệp có thể mở rộng hợp tác bằng nhiều hình thức khác nhau
Trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024, chiều 16.3 đã diễn phiên thảo luận về chủ đề 'Mô hình hợp tác hiệu quả giữa cơ quan báo chí, doanh nghiệp và đại lý quảng cáo'.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng không chỉ giới hạn ở các mô hình hợp tác quảng cáo, truyền thông thương hiệu, báo chí và doanh nghiệp có thể mở rộng hợp tác ở nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, xu hướng marketing bằng nội dung cũng là phương thức hợp lý và hiệu quả mà báo chí và doanh nghiệp cần đẩy mạnh triển khai. Báo chí và doanh nghiệp cũng có thể hợp tác trong các hoạt động tuyên truyền, định hướng khuynh hướng tiêu dùng xanh và phát triển bền vững…
Phát biểu mở màn, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, với tư cách chủ trì phiên thảo luận nói đây là lần đầu tiên Hội Báo toàn quốc 2024 quy tụ được cả "ba nhà" - nhà báo, nhà doanh nghiệp và nhà quảng cáo, cùng ngồi lại với nhau, chia sẻ sự hiểu biết về nhau và tìm kiếm những mô hình mới giữa ba bên để cùng nhau phát triển hiệu quả, bền vững hơn.
Trong bài tham luận đầu tiên với nội dung “Nâng giá trị của mối quan hệ báo chí và doanh nghiệp”, ông Nguyễn Bá, Tổng Biên tập báo VietnamNet cho rằng báo chí là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh; là cầu nối hiệu quả đưa thương hiệu, hình ảnh doanh nghiệp đến với công chúng mục tiêu, tạo ra giá trị và danh tiếng cho doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp là nguồn thông tin để phản ánh chân thực về đời sống; là cảm hứng, là chất liệu cho quá trình sáng tạo nội dung của báo chí; đồng thời còn là đối tác, khách hàng và là động lực của sự phát triển.
Nền tảng của mối quan hệ này là đạo đức: đạo đức báo chí và đạo đức doanh nghiệp. Đây được xem như công thức tạo nên niềm tin. Có nghĩa rằng báo chí và doanh nghiệp cần phải chủ động để hiểu những khó khăn của nhau, qua đó có thể hỗ trợ nhau và hợp tác với nhau để cùng phát triển, tăng hiệu quả cho doanh nghiệp và tạo giá trị cho tờ báo.
Để giải quyết những “trục trặc” hiện tại giữa báo chí và doanh nghiệp, ông Bá đưa ra một số giải pháp như sau: Đầu tiên là doanh nghiệp cần sự tư vấn của các cơ quan báo chí để hiểu rõ hơn những vấn đề của mình; tiếp đến, báo chí và doanh nghiệp cần khai thác thế mạnh sản xuất nội dung; các cơ quan báo chí có thể hợp tác cùng với doanh nghiệp bằng nhiều hình thức.
Một hình thức hợp tác trong đó là tổ chức các sự kiện như sự kiện truyền thông, các sự kiện trong ngành cũng rất cần vai trò của các cơ quan báo chí. Đặc biệt, cơ quan báo chí còn có khả năng kết nối rất tốt với các bên liên quan khác nhau như cơ quan thuộc Chính phủ, doanh nghiệp, người nổi tiếng…
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Thanh Lâm cho rằng cần thiết phải định hình lại mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp, cả về phương thức và mô hình hợp tác, mục đích cũng như kỳ vọng mỗi bên. Hiện quan hệ doanh nghiệp và báo chí vẫn còn đặt nặng ở hình thức quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, trong khi đó báo chí ít nhiều không còn ưu thế trong việc này. Cần có thêm những phương thức hợp tác khác giữa báo chí và doanh nghiệp để có thể khai thác, phát huy những giá trị của mỗi bên. Ở góc độ quản lý nhà nước sẽ tiếp tục có những giải pháp mạnh mẽ để có thể điều tiết dòng tiền quảng cáo trên không gian mạng đi vào những kênh nội dung sạch.
Góc độ doanh nghiệp, bà Lê Thị Hồng Nhi, Giám đốc Truyền thông, đối ngoại và quản lý bền vững Unilever Việt Nam cho rằng bên cạnh việc doanh nghiệp phải đảm bảo sản phẩm chất lượng, giá thành hợp lý, để thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh hướng đến phát triển bền vững cần thực hiện truyền thông tốt hơn, đa dạng hơn. Trong đó, vai trò và tiếng nói của báo chí giúp nâng cao tính minh bạch của thông tin, nâng cao độ tin cậy của người tiêu dùng với sản phẩm của doanh nghiệp; từ đó, nhận thức và hành vi tiêu dùng của người dân có sự điều chỉnh tích cực theo hướng tiêu dùng có trách nhiệm.
Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT), trong truyền thông quảng cáo, các nhãn hàng thường chạy theo lượng view chứ chưa quan tâm đến chất lượng view. Trong khi đó, đã có những thống kê chứng minh rằng 43% view trên mạng xã hội hiện nay là view xấu, view không có tác dụng.
Việc các nhãn hàng chỉ chạy theo lượng view cũng kéo theo xu hướng những người làm nội dung chạy theo nội dung thu hút view, thường là những nội dung độc hại, nhảm nhí. Hiện Bộ TT-TT đang có chiến dịch, thông điệp làm nội dung sạch sống khỏe, làm nội dung sạch mới được sống. Bộ rất mong các đại lý quảng cáo, nhãn hàng ủng hộ chiến dịch này bằng việc ưu tiên quảng cáo ở những kênh thực hiện nội dung sạch.
Bộ sẽ giới thiệu tới các doanh nghiệp, nhãn hàng, đại lý quảng cáo danh sách những kênh nội dung sạch (white list). Cùng với việc doanh nghiệp, đại lý quảng cáo thay đổi nhận thức và hành động, báo chí cũng buộc phải đổi mới, nhất là phải chuyển đổi số để có thể đáp ứng được kỳ vọng, nhu cầu của doanh nghiệp.