Báo chí với những 'chuyện tử tế': 'Của tin còn một chút này'!
Không giống nhiều nền báo chí khác, báo chí Việt Nam - ngay từ những bước đi đầu tiên, đã được định danh là 'Báo chí cách mạng', với sứ mệnh 'phụng sự Nhân dân'.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã chỉ rõ: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Tại sao phải xây dựng nền báo chí nhân văn? Bởi lẽ, giá trị của báo chí chính là những thông tin khách quan, trung thực, chính xác, nhân văn, bổ ích mà báo chí đã mang lại cho công chúng và xã hội. Tính chính xác, nhân văn là giá trị cốt lõi và là một trong những lý do tồn tại của báo chí.
Một nền báo chí nhân văn sẽ có sức mạnh bảo vệ giá trị tốt đẹp, lợi ích tối cao, thiết thực của đất nước và người dân. Uy tín của phóng viên, của báo chí cũng có lúc đã xuống thấp. Nhưng báo chí đã chủ động “làm sạch”, lấy lại niềm tin của bạn đọc. Báo chí thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, hoạt động theo pháp luật, thông tin trung thực, khách quan, vì bạn đọc. Nội hàm của báo chí nhân văn là báo chí vì thân phận của người dân. Xã hội hiện đại ngày nay đang có rất nhiều câu chuyện liên quan đến thân phận con người cần báo chí hướng đến.
Báo chí phải là nơi gieo mầm “tử tế”
Mỗi nhà báo khi hành nghề bao giờ cũng đặt lương tâm và trách nhiệm lên hàng đầu. Một bài viết có thể khiến sự việc tốt hơn lên, nhưng nếu không trung thực, bài viết cũng có thể làm sự việc xấu đi. Công cụ của nhà báo là cây bút. Cây bút khiến xã hội phải quan tâm, khiến cái tốt nảy nở, cái xấu thu hẹp lại.
Trước đây, mỗi khi bạn đọc cầm trên tay các tờ báo giấy hay truy cập các trang báo điện tử đều nghi ngại khi đọc những tác phẩm mang tính “sốc, sex, cướp, giết, hiếp” tràn lan trên mặt báo. Điều này, công chúng cho rằng chỉ là những thông tin mang tính giật gân câu khách, một màu xám dường như đang bao phủ cuộc sống... Điều ấy đã và đang khiến bạn đọc ngày càng mất đi niềm tin vào các cơ quan báo chí.
Những người làm báo cũng từng “giật mình” khi nhìn thấy một khối lượng thông tin khổng lồ về những mặt trái trong đời sống xã hội đang khiến con đường đưa thông tin đến với độc giả bị “ùn tắc”. Thế nhưng, trong “biển” thông tin ấy, nhiều đơn vị báo chí đang tự sàng lọc bằng những bài báo được viết lên bằng trái tim của người cầm bút.
Hiện nay, bên cạnh các thể loại báo chí khác như tin, bình luận chuyên luận, phóng sự, điều tra… nhiều cơ quan báo chí còn xây dựng chuyên mục chuyện tử tế để giới thiệu những con người tử tế, tôn vinh giá trị sống đẹp. Những câu chuyện đời thường dung dị, không hề giật gân nhưng vẫn thu hút một lượng lớn độc giả.
Điều này có nghĩa là công chúng đã dành sự quan tâm đặc biệt cho những con người, những việc làm tử tế, trong các loại tin tức cùng khung chương trình. Đồng thời, con số này cũng cao gấp đôi, so với phần lớn các chương trình gameshow ăn khách hiện hữu.
Dẫu biết rằng, trong cuộc sống hằng ngày, cái xấu và cái ác vẫn luôn tìm mọi cách len lỏi và gây những tác động tiêu cực khiến không ít người dân cảm thấy hoang mang, sợ hãi. Xu hướng khai thác tin bài với tần suất dày đặc về những hành vi, nhân tố tiêu cực hay mô tả tội ác, những thứ xấu xa một cách chi tiết, tỉ mỉ ở khá nhiều tờ báo gần nhằm mục đích “câu view, câu like” dễ khiến niềm tin vào sự tử tế của độc giả ngày một suy giảm và dần bị bào mòn.
Thế nhưng, vẫn còn đó những đốm lửa do những nhà báo tử tế, những tờ báo tử tế, đang thực hiện những chuyên mục, những bài viết ca ngợi những điều tử tế cần mẫn thắp lên. Với những việc làm này tuy nhỏ, nhưng có sức lan tỏa rất lớn tới cộng đồng cũng là những thước đo sự đón nhận của độc giả chính xác nhất…
Những chuyên mục, hoạt động thực tế trên đây là thành quả của sự “vượt lên chính mình” của giới báo chí, mang ý nghĩa “lấy cái đẹp, đè bẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, gây dựng niềm tin cho bạn đọc, công chúng về sự hiện hữu của lòng nhân ái, lối sống đẹp trong cộng đồng.
Báo chí nhân văn vẫn luôn có cơ hội để chinh phục công chúng
Gần 100 năm đồng hành cùng dân tộc, báo chí cách mạng Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo chí cũng được xem là chủ thể phản ánh đời sống xã hội, khơi nguồn phản ánh những điều tốt đẹp, đồng thời phê phán đấu tranh, chống lại cái xấu.
Thực tế, yếu tố nhân văn vẫn là tiêu chí quan trọng hàng đầu của báo chí, nhất là báo chí thời đại mới hiện nay. Minh chứng là các tòa soạn không ngừng mở và duy trì các chuyên trang, chuyên mục về chuyện tử tế, sống đẹp và nhiều hoạt động xã hội hướng tới giá trị nhân văn. Bởi họ nhận thức được, điều đó sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực với xã hội, lan tỏa sâu rộng và tạo ra được sự thay đổi nhiều số phận, nhiều vùng đất và đặc biệt thổi lên những ngọn lửa của lòng nhân ái, lối sống đẹp trong cộng đồng.
Không chỉ là “cầu nối” lan tỏa những điều tốt đẹp, tử tế trong xã hội, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, báo chí chính là lực lượng thông tin nhanh chóng nhất, phổ cập nhất, phản ánh một cách chủ động và trung thực mọi mặt của đời sống xã hội; thông tin cập nhật tình hình trong nước và quốc tế.
Báo chí Việt Nam đang trải qua một cuộc chuyển mình sâu sắc và mạnh mẽ chưa từng có về cách thức làm nghề và phương thức làm nghề. Cách thức làm nghề và phương thức làm nghề có thể khác và cần phải khác với tinh thần đổi mới và sáng tạo không ngừng, nhưng tâm thế làm nghề, lý tưởng làm nghề và đạo đức làm nghề của chúng ta thì không thể khác. Chúng ta làm nghề với phương châm khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải, vì lợi ích của cộng đồng, đất nước và nhân dân.
Nhưng, trong vòng xoáy thay đổi liên tục đó, vẫn có những giá trị bất biến đối với các cơ quan báo chí. Đòi hỏi về một nền báo chí chất lượng cao chưa bao giờ được đặt ra bức thiết như hiện nay mà ở đó, phóng viên, tòa soạn đóng vai trò trung tâm, quyết định để gây dựng lòng tin cho công chúng, bạn đọc.
Không có vinh quang và hạnh phúc nào bằng khi chúng ta làm được một việc tốt, có ý nghĩa thông qua các bài báo của mình. Nó quan trọng hơn nhiều các giải thưởng báo chí mà ta gặt hái được. Mang đến niềm tin cho một cuộc đời bất hạnh, tìm được công lý cho một người oan khuất, tạo ra một sự thay đổi có ích trong một lĩnh vực nào đó hay đơn thuần chỉ là gợi nên một cảm xúc thẩm mỹ và nhân văn, giúp con người bớt u ám và thêm một chút lạc quan về cuộc sống... đó là sứ mệnh cao cả nhất của các bài báo.
Chính xác, công bằng và khách quan, suy cho cùng, cũng từ lương tâm của người làm báo. Có những điều pháp luật không cấm nhưng đạo đức thì không cho phép. Kiến thức, thông tin ở trong đầu, và đạo đức phải ở trong tim mỗi người cầm bút thì mới có thể làm cho báo chí trở nên hữu ích, lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội. Có như vậy, mới xây dựng được một nền báo chí nhân văn và hướng thiện.
Giữ gìn phẩm giá, lòng tự trọng nghề nghiệp là một thử thách mà những người làm báo cần kiên tâm như một nguyên tắc tối thượng. Trong “cơn bão” của thời đại số hóa, báo chí có thể tạo ra sự khác biệt bằng lối đi khác biệt, thông thái và độc đáo. Báo chí trí tuệ, báo chí chân chính, báo chí nhân văn vẫn luôn có cơ hội và sức hấp dẫn đặc biệt để giữ và chinh phục công chúng vì những giá trị đích thực và cao quý.