Báo chí với sứ mệnh 'phò chính, trừ tà'
Nhiều vụ án tham nhũng, nhiều vấn đề tiêu cực, sai phạm đã được phát hiện, đưa ra ánh sáng, được xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của báo chí.
Xung kích trên mặt trận phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Điều 75 Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) quy định: Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm đấu tranh chống tham nhũng, đưa tin về hoạt động PCTN và vụ việc tham nhũng. Cơ quan báo chí, nhà báo có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin liên quan đến hành vi tham nhũng. Từ quy định này cho thấy, báo chí có vai trò quan trọng, xung kích trong công tác PCTN, tiêu cực.
Thực tế, có nhiều vụ án tham nhũng, trong đó có những vụ "đại án" đã được phát hiện, phanh phui từ sự vào cuộc quyết liệt, dấn thân trước đó của báo chí, nhà báo. Có nhiều vụ việc về tham nhũng, tiêu cực tưởng như bị chìm vào quên lãng nhưng được đưa ra ánh sáng và xử lý đúng người, đúng tội, thu hồi được tài sản cho Nhà nước là nhờ có sự đóng góp của báo chí.
Ông Lê Văn Phương (thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc) đánh giá rất cao vai trò của báo chí trong công cuộc PCTN, tiêu cực. Báo chí đang đẩy mạnh tinh thần “phò chính, trừ tà”, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và củng cố lòng tin trong nhân dân.
Còn theo bà Lê Thị Lan (phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An), báo chí cả nước đã chủ động, dũng cảm đeo bám các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng để điều tra. Từ những nguồn tin, chứng cứ thu thập được phản ánh trên mặt báo đã góp phần quan trọng trong việc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
“Những thông tin báo chí phản ánh sẽ tạo ra áp lực dư luận xã hội, qua đó càng thúc đẩy các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xác minh, điều tra, làm rõ những sai phạm, ẩn khuất và khởi tố, truy tố đối tượng phạm tội, thu hồi được nhiều tài sản bị thất thoát” - bà Lan cho biết.
PCTN, tiêu cực là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Trong đó, cơ quan báo chí, nhà báo với trách nhiệm, nhiệm vụ nghề nghiệp cũng chính là một lực lượng xung kích, tiên phong và sắc bén. Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí đã xây dựng những chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về công tác PCTN, lãng phí, chống các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Có những ngành, đơn vị đã phối hợp phát động, tổ chức giải báo chí về công tác đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực.
Đồng hành với sự phát triển
Thời gian qua, các cơ quan báo chí, nhà báo đã giám sát và thông tin kịp thời, đa dạng về tất cả lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan báo chí luôn chủ động phối hợp chặt chẽ các cơ quan liên quan để bảo đảm cập nhật nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả các thông tin, trong đó có công tác PCTN, tiêu cực. Mặt khác, các cơ quan báo chí đã nêu cao trách nhiệm phối hợp đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, lợi dụng chống tham nhũng, lãng phí để xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út chia sẻ, sự phát triển của tỉnh trên các lĩnh vực luôn có sự đóng góp, đồng hành của báo chí. Thông qua báo chí đã lan tỏa những cái đẹp, cái tốt, đẩy lùi những hạn chế, tiêu cực. Đặc biệt, báo chí là kênh thông tin quan trọng, tin cậy, giúp tỉnh thực hiện tốt hơn chức năng quản lý nhà nước, kịp thời có những giải pháp khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, bất cập.
Đối với công tác PCTN, tiêu cực, tỉnh luôn quan tâm thực hiện nghiêm túc với quyết tâm cao, không có vùng cấm. Để công tác PCTN, tiêu cực đạt hiệu quả cao trong nhận thức và hành động, phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như kiểm tra, giám sát, trong đó, sức mạnh phản biện, giám sát của báo chí đóng vai trò
quan trọng.
Hiện nay, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được các cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện. Đó là công khai, minh bạch trong hoạt động; đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng chế độ, định mức, tiêu chuẩn; thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp;... Những kết quả đã đạt có ý nghĩa quan trọng để tiếp tục thực hiện công tác PCTN hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Xác định rõ vai trò của báo chí trong PCTN, tiêu cực, những năm qua, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã ký Quy chế phối hợp với Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An mở các chuyên trang, chuyên mục về PCTN, tiêu cực. Ngoài việc phản ánh, lên án những hành vi tham nhũng, tiêu cực thì các quy định pháp luật, những chủ trương, chính sách và chỉ đạo về công tác PCTN, tiêu cực cũng được cập nhật kịp thời để thông tin rộng rãi, tạo sự đồng thuận cao của xã hội. Thông qua đó, nhận thức, sự hiểu biết, trách nhiệm PCTN, tiêu cực trong cộng đồng cũng tăng lên. Đó còn là những cảnh báo, khuyến cáo có tác dụng tốt trong ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Để báo chí tiếp tục phát huy tốt sứ mệnh "phò chính, trừ tà", những người làm báo phải luôn có dũng khí, bản lĩnh để phê phán, phanh phui cái ác, cái xấu, cái sai, cái giả dối và nhân rộng cái thiện, cái đẹp, tích cực trong đời sống xã hội./.
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Trong đó, cơ quan báo chí, nhà báo với trách nhiệm, nhiệm vụ nghề nghiệp cũng chính là một lực lượng xung kích, tiên phong và sắc bén.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/bao-chi-voi-su-menh-pho-chinh-tru-ta-a137348.html