Báo chí - 'vũ khí' sắc bén phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, báo chí là lực lượng rất quan trọng, luôn ở tuyến đầu, là 'vũ khí' sắc bén và tỏ rõ hiệu quả to lớn.

Vai trò tiên phong

Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đầy cam go, khốc liệt ở nước ta thời gian qua, báo chí đã thể hiện vai trò tiên phong. Điều này được các đại biểu khẳng định tại Hội thảo khoa học “Báo chí, dư luận xã hội và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay”, do Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức sáng 22.6.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Chính vì vai trò đặc biệt quan trọng, chức năng, nhiệm vụ của báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, Luật Báo chí 2016… Ngày 12.1.2023, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực họp phiên thứ 23 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết: “Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường, có nhiều đổi mới. Các cơ quan báo chí, truyền thông đã thông tin, tuyên truyền sâu sắc, đậm nét hơn, mở nhiều chuyên mục mới, số lượng, thời lượng tin bài về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đăng tải nhiều hơn. Trong năm 2022, các cơ quan báo chí đã đăng tải 11.607 tin, bài, phóng sự nổi bật của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (tăng 2 lần so với năm 2021)”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhìn nhận, thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua có bước đột phá là nhờ sự đóng góp rất lớn của báo chí, của các nhà báo. Các cơ quan báo chí đã thể hiện rõ vai trò xung kích, đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền lợi của Nhân dân; là tai mắt của Đảng, là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

Ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh: “Báo chí Việt Nam là dòng thông tin chính thống đáp ứng tốt nhu cầu thông tin - giao tiếp đại chúng, là phương tiện, phương thức liên kết các lực lượng trên toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Từ đó thúc đẩy trách nhiệm giải trình và hành vi sửa chữa của các cơ quan, tổ chức vi phạm hoặc có liên quan. Báo chí, đặc biệt là báo chí điều tra, thể hiện rõ nhất chức năng “liên kết và can thiệp xã hội”, thông qua lớp màng mỏng nhất của ý thức xã hội là dư luận xã hội, hàng ngày hàng giờ tác động đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên đất nước ta”.

Thiếu cơ chế phối hợp với cơ quan báo chí

Báo chí đồng hành để làm rõ sự thật, vạch trần sự thật, tiếp sức cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong toàn Đảng, toàn dân. Tuy nhiên, trong quá trình đó cũng bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Từ quan sát thực tiễn đời sống báo chí những năm qua, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam thẳng thắn chỉ ra tồn tại lớn nhất hiện nay là báo chí chưa phản ánh được một cách đầy đủ, kịp thời những hiện tượng, vụ việc tham nhũng, tiêu cực mà Nhân dân đã phát hiện, cung cấp thông tin.

Chưa kể, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, một số cơ quan báo chí thông tin thiếu chính xác, thiếu khách quan, gây khó khăn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, làm tổn hại đến quyền và lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức... Nhiều vụ việc được báo chí phát hiện, nêu ra nhưng lại không được theo đuổi đến cùng, làm suy giảm lòng tin của người tố cáo, cung cấp thông tin cho báo chí, trông cậy vào báo chí.

Mặt khác, việc cung cấp thông tin cho báo chí về các vụ tham nhũng, tiêu cực chưa kịp thời. Trong nhiều trường hợp, báo chí không được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận những thông tin cần thiết và tin cậy. Thực tế đã xảy ra tình trạng ngăn cản, phong tỏa thông tin liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động báo chí. Chưa kể, hiện nay cũng đang thiếu cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng liên quan để cùng báo chí giải quyết các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong xã hội.

“Trong khi đó, phải nhìn nhận rằng công cụ pháp lý hiện nay chưa đủ mạnh để bảo vệ những người làm báo. Luật Hình sự, Luật Báo chí, Luật Phòng, chống tham nhũng đều có các quy định pháp lý để nhà báo tác nghiệp, tuy nhiên không ít nhà báo gặp rào cản trong tiếp cận thông tin, đặc biệt là thông tin về các vụ việc liên quan chống tiêu cực mặc dù họ tác nghiệp đúng quy định pháp luật. Thậm chí, họ còn bị uy hiếp tính mạng, bị khủng bố tinh thần, thậm chí người thân cũng bị đe dọa. Ngay cả nguồn tin cung cấp cho báo chí cũng thiếu sự bảo vệ một cách an toàn. Đây đang là vấn đề giới báo chí rất quan tâm và không khỏi lo lắng”, nhà báo Hồ Quang Lợi nói.

Chủ động cung cấp thông tin, bảo vệ nhà báo

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “trận đánh” lớn, lâu dài, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của báo chí với sức mạnh của công khai, minh bạch và sự thật. Sức mạnh ấy không chỉ đến từ một người cầm bút mà hội tụ tinh thần, trí tuệ và bản lĩnh của cả một tập thể chuyên nghiệp, bản lĩnh và có đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Theo Phó Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân, Đại tá Nguyễn Hồng Hải, mỗi nhà báo, cơ quan báo chí phải ý thức rằng việc chủ động, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa là quyền hạn, nhiệm vụ của báo chí, vừa là trách nhiệm chính trị, bổn phận của người làm báo chân chính.

Một mặt tăng cường vai trò của báo chí, mặt khác quan trọng không kém là thúc đẩy cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa báo chí với các bộ phận có liên quan trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực. Ví thế mạnh của báo chí giống như “thanh bảo kiếm” trong chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Thành Lợi cho rằng, để cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực thành công, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, thẩm thấu tới các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, hơn lúc nào hết cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, bảo đảm tính công khai là “thanh bảo kiếm” trong hoạt động quản lý, giám sát và phản biện xã hội.

“Đồng thời, để không ngừng nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cần hơn nữa bản lĩnh, trí tuệ của mỗi phóng viên, nhà báo và cơ chế thông tin, bảo vệ nhà báo trong cuộc chiến lâu dài này”, PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi nói.

Thái Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/bao-chi---vu-khi-sac-ben-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-i333509/