Bão Côn Sơn tan trên vùng biển Đà Nẵng – Quảng Ngãi, mưa lớn vẫn kéo dài
Đêm qua, áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão Côn Sơn đã tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp và tan dần trên vùng biển Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Tuy nhiên, hoàn lưu bão kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới vẫn gây mưa lớn cho các tỉnh miền Trung trong hôm nay và ngày mai, đặc biệt là dải ven biển Thanh Hóa – Thừa Thiên Huế.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, đêm qua và sáng sớm nay (13/9), khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 30-70mm, có nơi trên 80mm (lượng mưa tính từ 19h ngày 12/9 đến 7h ngày 13/9) như Lệ Thủy (Quảng Bình) 97.8mm, TP Đồng Hới (Quảng Bình) 85mm, Gio Linh (Quảng Trị) 108mm, Vĩnh Linh (Quảng Trị) 87.6mm, Phú Vang (Thừa Thiên Huế) 82.2mm, Sơn Trà (Đà Nẵng) 106.2mm, Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) 94.8mm.
Hôm nay (13/9), do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp suy yếu từ bão số 5, kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao nên khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Trị tiếp tục có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 30-60mm, có nơi trên 70mm.
Cũng trong hôm nay và ngày mai, các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-150mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt.
Tại Nam Bộ và Tây Nguyên, do chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam nên chiều và tối nay (13/9) cũng có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-50mm, có nơi trên 70mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, hôm nay và ngày mai (13-14/9), trên các sông từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1-3m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên các sông suối nhỏ có khả năng ở mức BĐ1 và trên BĐ1, hạ lưu các sông chính còn ở dưới mức BĐ1. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế.
Bão Côn Sơn hình thành từ một áp thấp nhiệt đới ở vùng biển miền Trung Philippines, mạnh lên thành bão vào chiều 6/9, sau đó di chuyển vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 5 trong mùa mưa bão năm nay. Đây là cơn bão có đường đi và cường độ diễn biến cực kỳ phức tạp do sự tương tác với một cơn bão khác.
Khi mới vào Biển Đông, bão di chuyển rất nhanh, tăng cấp liên tục nhưng khi vượt qua quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bão di chuyển rất chậm và suy yếu nhanh. Thời điểm tiến sát vùng biển Đà Nẵng – Quảng Ngãi, bão gần như đứng yên trong suốt một ngày, rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần trên biển vào đêm qua.
Do tốc độ di chuyển rất chậm, hoàn lưu cơn bão lệch Tây nên bão Côn Sơn gây ảnh hưởng rất lâu và nguy hiểm trên đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi với gió giật mạnh vừa mưa lớn kéo dài nhiều ngày.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, các tỉnh miền Trung bắt đầu bước vào cao điểm của mùa mưa bão năm nay. Dự báo từ nay cho tới hết năm 2021, trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 6-8 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, khoảng 2-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Trong đó, đỉnh điểm của mùa mưa bão sẽ tập trung vào tháng 10 và tháng 11. Các tỉnh miền Trung có thể đối mặt với mưa lũ dồn dập trong thời gian này, tuy nhiên kịch bản như năm 2020 ít có khả năng xảy ra.